Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HoSE) vừa thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (viết tắt: NSH Petro; Mã chứng khoán: PSH).
Với 4 công ty con, 2 công ty liên kết và 21 chi nhánh tại Tp. HCM và ĐBSCL, NSH Petro hiện giữ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo thống kê của Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL năm 2018, PSH sở hữu tới 450/1.063 đại lý xăng dầu của 11 tỉnh thành trên địa bàn, chiếm tỷ lệ 28% và là doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn nhất trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây.
“Công ty trực tiếp kinh doanh xăng dầu và mạng lưới phân phối rộng khắp với sự hiện diện tại 52 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên khắp cả nước (và 15 cửa hàng đang chuẩn bị đi vào hoạt động). Trong thời gian tới, nhằm giữ vững và tăng cường vị thế dẫn đầu ngành, chiến lược của Công ty là tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối bằng nhiều hình thức như mua lại, ký hợp đồng đại lý độc quyền với mục tiêu gia tăng số lượng cửa hàng”, NSH Petro viết trong Bản công bố thông tin.
Theo BCTC, năm 2018, NSH Petro ghi nhận doanh thu thuần ở mức 10.312 tỷ đồng, tăng 47,36% so với 2017. Năm 2019, dự kiến tăng 34,88% lên mức 14.000 tỷ đồng và năm 2020, tiếp tục tăng 14,29% lên mức 16.000 tỷ đồng đồng.
Tuy vậy, với tỷ suất ROS thấp của ngành kinh doanh xăng dầu (chỉ khoảng trên 1%), NSH Petro hiện báo lãi ròng mỗi năm khoảng 160 tỷ đồng.
Đại gia Mai Văn Huy. (Ảnh: Công thương)
|
Khá ấn tượng khi NSH Petro chỉ mất có ít năm để vươn lên vị trí dẫn dắt thị trường hiện nay. Bởi với lịch sử 8 năm tuổi (thành lập tháng 2/2012), NSH Petro trẻ hơn rất nhiều so với các thương nhân lâu đời khác như Petimex, Mekong, Sài Gòn Petro, Resol, Petrolimex…
Càng ấn tượng hơn nếu biết NSH Petro ra đời trong khát vọng làm lại cuộc đời của đại gia Mai Văn Huy – người ít năm trước đó còn thụ án tù chung thân vì các tội tham ô tài sản, buôn lậu, đưa hối lộ.
Ông Huy chỉ thụ án 9 năm 21 ngày, rồi được đặc xá vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2009. Gần như ngay lập tức, ông Huy trở lại thương trường, với chính lĩnh vực mà ông đã thành danh cũng như vướng họa: xăng dầu.
Đầu tháng 1/2010, “với sự chứng kiến của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ”, ông Huy xuất hiện trong vai trò Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dầu khí Nam sông Hậu do ông Nguyễn Tiến Thắng làm Chủ tịch HĐQT, theo một bản tin cũ trên tờ Công an Nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Thắng cũng đã đồng hành với ông Mai Văn Huy trong thời gian gây dựng NSH Petro. ĐKKD cho thấy, khi NSH Petro mới thành lập với số vốn điều lệ 60 tỷ đồng, ông Thắng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 50%, trong khi ông Huy và các ông Mai Văn Chánh, Mai Văn Khương chỉ sở hữu tổng cộng 15%. Công ty cổ phần Thương mại Hóa dầu Nam Sông Hậu là cổ đông đóng góp 20 tỷ đồng còn lại, chiếm 33,33% cổ phần NSH Petro, được thành lập ngày 25/12/2009 – ít ngày sau khi ông Mai Văn Huy ra tù – nhưng hiện đã giải thể.
Tuy nhiên, sau 6 đợt tăng vốn liên tiếp thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cũng như các hoạt động chuyển nhượng vốn, quy mô vốn và cơ cấu vốn của NSH Petro đã có nhiều điều chỉnh. Hiện tại, vốn điều lệ đạt mức 1.262 tỷ đồng.
Cùng với sự rút lui của ông Nguyễn Tiến Thắng và Công ty cổ phần Thương mại Hóa dầu Nam Sông Hậu, thì chốt tại 26/9/2019, ông Mai Văn Huy đã trở thành cổ đông chi phối NSH Petro, với tỷ lệ sở hữu 66,65%, đóng góp hơn 84,1 triệu cổ phần, với giá trị hơn 841 tỷ đồng.
Ngoài ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc do ông Mai Văn Huy trực tiếp nắm giữ thì cơ cấu quản trị NSH Petro còn có sự xuất hiện của em trai và con trai vị đại gia này, là ông Mai Văn Thành (SN 1976) và Mai Hữu Phúc (SN 1988).
Cuối năm 2019 vừa rồi, NSH Petro cũng đã chính thức gửi đăng ký công ty đại chúng lên UBCKNN./.