36 năm về trước, Nhật Bản hạ thuế nhập khẩu ô tô nước ngoài xuống 0, mở rộng thị trường ô tô lớn thứ 4 thế giới cho các tay chơi ngoại.
Tuy nhiên sau một thời gian chen chân, các nhà sản xuất Mỹ tỏ ra bức xúc khi vẫn có tới 93% ô tô chạy trên đường phố Nhật Bản là xe nội địa. Lý giải về hiện tượng này, Tokyo chỉ nói đơn giản: Người tiêu dùng nước nào sẽ chuộng hàng nước đó hơn.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ nghĩ khác. Họ khẳng định chính quyết định hạ giá đồng yen của giới chức Nhật đã xói mòn sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu, trong đó có ô tô.
"Gian lận"
Thị trường ô tô là ví dụ điển hình nhất chứng minh tác động của các hành vi “gian lận” tiền tệ lên doanh nghiệp Mỹ. Tại Nhật Bản, duy nhất nhãn hiệu xe sang Lamborghini giành thị phần tỷ lệ thuận với độ phổ biến của hãng trên thế giới. Ngoài ra, những công ty nước ngoài đình đám nhất như Ford, Mercedes, BMW, Hyundai cũng không có đất dụng võ.
Tới 93% ô tô chạy trên đường phố Nhật Bản là xe nội địa.
Ví dụ, Ford Focus thống lĩnh vị trí xe ô tô compact bán chạy nhất hành tinh trong nhiều năm, với doanh số 1,1 triệu chiếc trong năm 2013. Cũng năm ấy, Ford Focus chỉ bán được vỏn vẹn 800 chiếc tại đất nước Mặt trời mọc.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản cán mức 78,3 tỷ USD trong năm 2013, phần lớn xuất phát từ việc “thao túng tiền tệ”. Nó khiến 896.600 người Mỹ mất việc làm, Viện chính sách kinh tế Mỹ ước tính.
Các biện pháp can thiệp tỷ giá tràn lan trong khu vực vòng đai Thái Bình Dương. Ngân hàng Trung ương Tokyo in thêm tiền để thúc đẩy nền kinh tế trì trệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc neo đồng nhân dân tệ với USD trong một thời gian dài để kiểm soát diễn biến. Chính phủ Malaysia có các biện pháp bảo vệ đồng ringgit trước giới đầu cơ.
Hữu ích hay bất lợi?
Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật buộc Mỹ có các biện pháp phản ứng, trong trường hợp các nước tham gia hiệp định thương mại tự do thao túng tiền tệ. Đây được coi là dự luật "nhắm thẳng" vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng thống Obama đã công khai ủng hộ, cho đây là một công cụ hữu ích để đối phó với các chiêu cạnh tranh tiền tệ không lành mạnh.
Tuy nhiên đảng Cộng hòa đang vận động bỏ phiếu chống đối với dự thảo, cho rằng nó không còn có tính bức thiết.
Phe đối lập chỉ ra lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp vào tỷ giá đã cách đây 4 năm. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã leo dốc gần 30% so với USD kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát vào năm 2010. Thặng dư thương mại của nước trước chiếm 10% tổng giá trị nền kinh tế trước khi ông Obama nhận nhiệm sở. Tuy nhiên tỷ lệ này đã tuột xuống còn 2% vào năm ngoái.
Tổng thống Obama đã công khai ủng hộ dự luật buộc Mỹ có các biện pháp phản ứng với gian lận tiền tệ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew khẳng định nếu Mỹ thông qua dự luật này, những nỗ lực đẩy lùi cạnh tranh tiền tệ không lành mạnh của nước này trước đây sẽ bị xóa sổ.
“Năm 2008, Quốc hội và Fed có các động thái quyết liệt để đẩy lùi một cuộc Đại khủng hoảng tiềm tàng thứ hai nổ ra. Rất nhiều quốc gia đã lầm lẫn đánh đồng những biện pháp với việc thao túng tiền tệ. Thông qua dự luật này sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ nền kinh tế sau này”.
Chưa kể, một đạo luật như trên có thể đẩy các đối tác rời khỏi bàn đàm phán, ông Lew cảnh báo.
Kỳ quặc
Một cựu chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng thừa nhận Trung Quốc và Malaysia có can thiệp để phá giá đồng tiền, điều này gây ảnh hưởng tới người lao động Mỹ. Tuy nhiên không nên đưa vấn đề nhạy cảm này vào bàn trong một hiệp định thúc đẩy thương mại.
“Mỗi quốc gia được quyền điều chỉnh chính sách tiền tệ khi cần thiết. Lấy thỏa thuận thương mại để áp đặt cách chính phủ điều hành chính sách là một ý tưởng kỳ quặc”.
Theo: BizLive