PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chia sẻ như thế tại buổi triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm trên địa bàn TP.HCM năm 2016 - 2017 hôm 26.5.
Theo bà Lan, thực tế hiện nay trên thị trường người dân phải mua thuốc với một mức giá cao hơn, không đúng với giá trị thực. Hiện ngành y tế cũng chỉ mới quản lý được giá thuốc đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh nhân bảo hiểm y tế, bệnh nhân điều trị nội trú; còn giá thuốc ở trên địa bàn dân cư, nơi mà người dân phải bỏ tiền túi để mua thuốc vẫn còn một khoảng trống lớn chưa quản lý được.
“Nhà thuốc chỉ cần niêm yết giá thuốc và bán đúng giá niêm yết là không vi phạm. Đây là một nghịch lý trong việc quản lý giá thuốc, tạo kẻ hở cho nhiều nhà thuốc, đại lý thuốc lợi dụng niêm yết giá thuốc trên trời để bán thu lợi bất chính nhưng vẫn không vi phạm. Do đó, trong thời gian tới Sở Y tế TP sẽ cho xây dựng đề án về quản lý giá thuốc để giá thuốc thực sự được quản lý”, bà Lan chia sẻ.
Cần những điểm bán thuốc bình ổn để làm chùn chân những nơi niêm yết giá bán thuốc "vô tội vạ"
Cũng theo bà Lan, thị trường dược phẩm tại Việt Nam, nhất là TP.HCM đang có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là làm sao để phát triển công nghiệp dược trong nước, làm sao để người dân tiếp cận được các loại thuốc giá cả hợp lý nhưng chất lượng bảo đảm.
Bà Lan cho rằng chính chương trình bình ổn giá thuốc đã khiến những nơi bán thuốc muốn nâng giá vô tôi vạ phải chùn bước. Trong 14 doanh nghiệp dược tham gia bình ổn giá thuốc, đa số thuốc đi thẳng từ doanh nghiệp đến các nhà thuốc, hạn chế thấp nhất khâu trung gian nên giá luôn thấp hơn từ 5% đến 10% so với thị trường. Hiện nay với 21 nhóm thuốc tham gia bình ổn đã phủ được hầu hết những loại thuốc mà người dân đang cần, nhất là đối với những người dân phải tự bỏ tiền ra mua thuốc.
“Quy luật của thị trường là cạnh tranh, nếu trên thị trường có những sản phẩm thuốc chất lượng đã được sự khẳng định của cơ quan nhà nước, có giá cả hợp lý thì chắc chắn người dân sẽ lựa chọn mua, khi đó những mặt hàng thuốc khác có muốn tăng giá cũng phải chùn bước. Dù con số hơn 100 tỉ đồng để chi cho chương trình bình ổn giá thuốc vẫn còn khiêm tốn, nhưng đây là bước khởi đầu tạo sự lan tỏa để những ai có dấu hiệu vi phạm phải tự nhìn lại”, bà Lan nói.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong những năm qua số lượng các công ty dược cũng như các điểm bán thuốc tham gia chương trình bình ổn ngày càng nhiều. Nếu như vào năm 2011 - năm đầu tiên thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc chỉ có 4 doanh nghiệp dược tham gia thì đến nay con số đã lên đến 14. Trong khi đó, từ 400 điểm bán thuốc bình ổn đến nay toàn TP đã có gần 4.000 điểm bán thuốc bình ổn. Đây chính là điều giúp cho thị trường thuốc của TP trong những năm qua tương đối ổn định.
Theo Một thế giới