Các kỹ sư, chuyên gia quân sự tài giỏi đã mà cố vấn về kỹ chiến thuật, tham gia xây dựng thế trận phòng thủ và tấn công, chia sẻ thông tin trinh sát tình báo vô tuyến và tư vấn giải pháp đáp trả các đòn tấn công của đế quốc Mỹ.
Báo Tin tức trân trọng trích đăng hồi ký của cựu chiến binh Liên Xô, người Ukraine, Voitko Dmitry Danilovich về những tháng ngày sát cánh cùng quân và dân Việt Nam đánh Mỹ. Đó là những cảm nhận chân thực nhất về cuộc chiến gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới góc nhìn của những người con Xô Viết vĩ đại.
Những ngày đỏ lửa *
Quyết định được cử sang Việt Nam đến với tôi một cách khá bất ngờ, mặc dù chúng tôi luôn nắm được thông tin về tình hình chiến sự cũng như hoạt động của các chuyên gia quân sự Liên Xô đang có mặt giúp nhân dân Việt Nam đánh Mỹ. Tôi nhớ đó là một ngày cuối tháng 8/1966, khi tôi vừa từ thao trường trở về đơn vị tên lửa nơi đóng quân với tờ giấy khen “Xuất sắc” về bắn đạn thật. Buổi tối hôm đó thật tuyệt, có nhạc và rượu vang. Khi bữa tiệc gần tàn thì thủ trưởng trực tiếp của tôi bước vào thông báo rằng tôi được triệu tập gấp về chỉ huy đơn vị để nhận một quyết định quan trọng. Khi về đến nơi, tôi biết mình được cử sang chiến trường Việt Nam cùng một nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô. Và thế là lên đường.
Chúng tôi đến sân bay Gia Lâm - Hà Nội vào đêm khuya trên chiếc máy bay Il-18. Tinh thần mọi người khá căng thẳng vì hầu hết đều lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất đang bốc mùi khói đạn. Ở phía xa xa thi thoảng lại vụt lên ánh pháo sáng xé toác màn đêm và vẳng lại tiếng dội bom của máy bay Mỹ. Chúng tôi được chở từ sân bay về thành phố bằng chiếc xe ô tô không bật đèn pha mà chỉ bật đèn gầm để tránh bom. Đáng chú ý là sau đó trong suốt một năm chúng tôi cũng hành quân đêm bằng những chiếc xe không đèn như vậy.
Đại tá Voitko Dmitry Danilovich sinh năm 1942 tại thành phố Vinnits, Ukraine. Ông là Phó giáo sư, Phó tiến sỹ kỹ thuật và từng tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật vô tuyến thành phố Zhitomir, Liên Xô. Từ tháng 10/1966 đến tháng 10/1967, ông Danilovich tham gia chiến đấu tại Việt Nam với vị trí Kỹ thuật viên trưởng điều hành hệ thống tên lửa thuộc Trung đoàn 238 - Quân chủng Phòng không - Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông Voitko Dmitry Danilovich đã được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ, 12 huy chương Chiến sỹ quốc tế và Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam. |
Sau khi nán lại Hà Nội vài ngày để giải quyết một số vấn đề tổ chức, tôi cùng với nhóm chuyên gia Liên Xô gồm 10 người do Đại tá Vasili Grigorievich Baikov (từng tham gia Chiến tranh vệ quốc vĩ đại) dẫn đầu lập tức di chuyển đến Nghệ An để thay thế cho các chuyên gia đã hết thời hạn làm việc tại đây. Chúng tôi phải mất 2 đêm hành quân mới tới được mảnh đất miền Trung Việt Nam đầy nắng và gió này. Dọc đường đi nhóm chúng tôi gặp phải vô vàn hình huống ngoài dự kiến mà mãi đến sau này khi đã quen chúng tôi mới dám gọi đó là chuyện thường tình.
Đêm thứ nhất xe của tôi bất ngờ gặp một vũng nước lớn có chiều rộng bằng một con suối và dài chừng 50 m do những cơn mưa rào nhiệt đới tạo ra. Nhóm chúng tôi đã phải cởi hết quần áo vắt lên đầu và hò nhau kéo chiếc xe Gaz - 69 qua vũng nước để đi tiếp. Đêm thứ hai khi đang đi trên đường đồi thì xe lại gặp một chiếc hố bom lớn không có cách nào vượt qua được. Những người nông dân địa phương ở quanh đó đã đến giúp san đường bằng một cách thức mà chúng tôi phải gọi là “điều kỳ diệu”. Trong bóng đêm, họ không dùng đuốc cũng như bất cứ thiết bị kỹ thuật chuyên dụng nào khác mà chỉ bằng cuốc, thuổng, xẻng và những chiếc gùi để đào đất lấp hố bom. Chỉ trong vài tiếng, đoàn người nhỏ bé ấy đã san lại đường để thông xe cho chúng tôi tiếp tục hành trình.
Vừa đến nơi, chúng tôi lập tức bắt tay vào công việc. Đầu tiên chúng tôi gặp chỉ huy Trung đoàn tên lửa chống máy bay số 238 của Quân đội nhân dân Việt Nam và các tiểu đoàn tên lửa để thảo luận tình hình trong khu vực đóng quân, tình trạng kỹ thuật và các nhiệm vụ đặt ra trước trung đoàn. Chỉ huy Trung đoàn 238 là trung tá Hợi, Phó chỉ huy là thiếu tá Cần và kỹ sư trưởng là thiếu tá Ngọc. Tất cả các đồng chí Việt Nam đều là các chỉ huy được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn trong việc chống lại không quân Mỹ. Một đặc điểm của Trung đoàn 238 là nằm ở tiền đồn vùng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến đấu độc lập và không có các thiết bị yểm trợ đi cùng. Vì vậy để tránh thương vong và thiệt hại, các tiểu đoàn sau mỗi lần bắn tên lửa lại thay đổi địa điểm tập kết và từ đó “giương bẫy” mới đối với không quân Mỹ.
Chúng tôi cùng với các đồng chí Việt Nam di chuyển trên khắp dải đất miền Trung với nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa chống máy bay và nâng cao khả năng tác chiến của các chuyên gia thuộc Trung đoàn 238. Nhiệm vụ trợ giúp kỹ thuật được thực hiện bởi chuyên gia Liên Xô trực tiếp ra tận nơi bố trí các bệ phóng tên lửa để hướng dẫn các chuyên gia Việt Nam sửa chữa hoặc bảo dưỡng định kỳ vũ khí. Chúng tôi không ai nhớ hết số lượt đi như vậy, chỉ biết rằng khi có yêu cầu là lên đường và chúng tôi thực hiện công việc này một cách điềm tĩnh như một nghĩa vụ và một quân lệnh ở trong quân đội Liên Xô. Đồng thời chúng tôi cũng giúp đào tạo chuyên gia tại chỗ và truyền đạt cho họ kinh nghiệm thực tế.
Theo: Báo Tin Tức