Những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được lợi gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngân hàng tham gia tái cơ cấu, tiếp nhận các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, bên cạnh việc mở rộng quy mô mạng lưới một cách nhanh chóng, được kỳ vọng sẽ có động lực tăng trưởng tốt hơn do được cấp “room” tín dụng cao hơn các ngân hàng khác.

ngan-hang-yeu-kem-5911.png

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Trong số 4 ngân hàng nói trên, có 3 ngân hàng được Nhà nước mua lại 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Ngân hàng còn lại là Đông Á Bank thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Theo NHNN, cơ quan này đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. Như vậy, có thể thấy quá trình chuẩn bị cho phương án tái cơ cấu các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sắp hoàn tất và bước vào giai đoạn triển khai.

Báo cáo của NHNN không nêu tên “các bên liên quan”, nhưng tại các kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng đã lên tiếng xác nhận đang chuẩn bị phương án nhận chuyển giao các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém và trình lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt.

Trong khi đó, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank – cũng xác nhận VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại là MB và HDBank cũng cho biết đã đề xuất phương án tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc với các cơ quan chức năng.

Có một điểm chung để bốn ngân hàng trên được chọn tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đó đều là những ngân hàng “khỏe” và có tham vọng lớn. Vietcombank, MB hay VPBank hiện đang nằm trong nhóm những ngân hàng có quy mô vốn lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh.

Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản, thu về gần 36 nghìn tỷ đồng, bổ sung đáng kể nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng hệ số an toàn vốn của ngân hàng.

Việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc có thể khiến các ngân hàng bước đầu phải san sẻ nguồn lực hỗ trợ, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, điều này sẽ mang lại cho các ngân hàng những lợi ích rất lớn nhằm hiện thực hóa những kế hoạch tăng trưởng táo bạo trong tương lai.

Trước mắt, các ngân hàng yếu kém sẽ được hoạt động độc lập, tức là kết quả kinh doanh hay những khoản nợ xấu của ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc sẽ không hợp nhất vào báo cáo tài chính của ngân hàng tiếp nhận.

Trong khi đó, mạng lưới hoạt động của ngân hàng sẽ mở rộng hơn, quy mô lớn hơn sẽ tăng khả năng tiếp cận phục vụ thị trường sâu rộng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, vốn ra đời sau và vẫn thua kém các ngân hàng quốc doanh về mạng lưới hoạt động và khả năng tiếp cận khách hàng.

Nhưng lợi ích lớn hơn, giúp các ngân hàng có động lực mở rộng hoạt động kinh doanh chính là một số hỗ trợ ưu tiên từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là hạn mức tín dụng. Hạn mức tín dụng cao rất có giá trị trong bối cảnh “room” cho vay của nhiều ngân hàng bị hạn chế, trong khi nhu cầu vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn được dự báo tăng cao trong thời gian tới.

Đơn cử như VPBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng riêng lẻ VPBank trong năm 2022 đạt xấp xỉ 30%, thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc nằm trong nhóm 4 ngân hàng tham gia phương án tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém giúp cho tổng hạn mức tín dụng được cấp của VPBank thuộc nhóm cao hơn trung bình ngành, là động lực chính giúp tổng thu nhập từ lãi của nhà băng này lần đầu vượt 40 nghìn tỷ đồng.

“Chúng tôi kỳ vọng với đà tăng trưởng tín dụng tốt trong năm 2022 và động lực từ việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc sẽ mở ra cơ hội được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2023 cho VPBank,” VCBS nhận định trong một bản báo cáo phân tích về VPBank mới đây, đồng thời nhấn mạnh với mô hình hoạt động hiệu quả, năng động và vốn chủ sở hữu thuộc top đầu ngành cũng sẽ là những yếu tố quan trọng giúp VPBank đạt lợi nhuận ở mức tỷ USD trong năm nay.

Trong kế hoạch trình bày tại đại hội đồng cổ đông 2023, Ban lãnh đạo VPBank đã đưa ra một bản kế hoạch kinh doanh khá mạnh bạo, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 33%, gần 636.000 tỷ đồng trong năm nay và tăng trưởng huy động 41% với hơn 518.000 tỷ đồng.

Ở tầm nhìn dài hơn, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm trong 5 năm tới lên tới 36% ở nhiều tiêu chí, như tín dụng 35%, huy động khách hàng 36%, lợi nhuận trước thuế 31% và vốn chủ sở hữu 25%.

Đại diện ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, kế hoạch tăng trưởng trong 5 năm tới của ngân hàng không hề viển vông, mà đã được tính toán cẩn thận dựa trên nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả yếu tố tiếp nhận một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.