“Các khoản nợ tái cơ cấu không phải vấn đề lớn trong năm 2021”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Ngành ngân hàng hiện đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận”, báo cáo của BSC cho biết.
Theo thống kê của BSC, 80% - 90% các doanh nghiệp đã tái cơ cấu nợ hiện đã có thể quay trở lại về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê của BSC, 80% - 90% các doanh nghiệp đã tái cơ cấu nợ hiện đã có thể quay trở lại về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa công bố, CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá chất lượng tài sản của ngành ngân hàng được kiểm soát tốt và kỳ vọng giữ ở mức hiện tại trong năm 2021.

Bên cạnh đó, nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi sẽ giúp nợ xấu của toàn ngành được cải thiện và được kiểm soát dưới mức 2%.

Nhiều ngân hàng đã nâng cấp tiêu chuẩn cho vay và quy trình xét duyệt tín dụng, từ đó giúp việc kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn. Đồng thời, sau khi áp dụng TT41, nhiều ngân hàng chuyển sang hướng kiểm soát cho vay thông qua RWA (Risk weighted asset) của các khoản vay thay vì hạn mức tín dụng từ xưa, từ đó siết chặt tiêu chuẩn cho vay.

Về các khoản nợ tái cơ cấu, BSC cho rằng đây không phải là một điều ảnh hưởng tiêu cực đến bảng cân đối của ngành ngân hàng. Các khoản nợ tái cơ cấu, nếu trở thành nợ xấu, sẽ được trích lập trong vòng 3 năm kể từ ngày trở thành nợ xấu.

Theo thống kê của BSC, 80% - 90% các doanh nghiệp đã tái cơ cấu nợ hiện đã có thể quay trở lại về hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể tiếp tục trả gốc và lãi. Điều này giúp tỷ lệ nợ xấu trong các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chỉ ở mức 10%-20%.

BSC giả định trong trường hợp cơ sở với khoảng 10% dư nợ trở thành nợ xấu, tổng chi phí tín dụng (credit costs) của các doanh nghiệp theo dõi sẽ tăng lên 0.06%, và sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này.

Với kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021, BSC cho rằng tốc độ tăng trưởng nợ xấu của các ngân hàng sẽ giảm, từ đó giảm áp lực trích lập dự phòng, (2) nhiều ngân hàng cũng đã xử lý xong nợ bán cho VAMC trong năm 2020 (BID, CTG, MSB) và cũng được giảm áp lực trích dự phòng từ các khoản nợ này trong năm 2021, và (3) các khoản nợ tái cơ cấu không phải vấn đề lớn trong năm 2021.

Báo cáo của BSC cũng đánh giá các khoản nợ VAMC và lãi dự thu không còn là rủi ro lớn đối với hệ thống.

Hiện nay, khoản nợ VAMC lớn nhất thuộc về STB (26,700 tỷ VND), SHB (4,300 tỷ VND) và EIB (1,200 tỷ VND) trong khi hầu hết các ngân hàng đã xử lý xong nợ VAMC trước hạn (CTG, BID). Đối với EIB và SHB, 2 ngân hàng này dự kiến sẽ xử lý xong nợ VAMC vào năm 2023, và STB dự kiến sẽ xử lý xong các khoản nợ này vào 2025./.