Thông qua hệ thống giao dịch, các ứng dụng (apps) trên điện thoại và đội ngũ nhân viên, trái phiếu doanh nghiệp được các công ty chứng khoán, ngân hàng chào mời tới từng nhà đầu tư cá nhân.
Việc đầu tư trái phiếu, vì thế, cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện, chỉ với vài thao tác đơn giản trên apps.
Không chỉ thông qua các công ty chứng khoán hay ngân hàng, nhiều nhà đầu tư đã tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua các tổ chức trung gian khác, kể như CTCP Omifund Holding (Omifund Holding), CTCP Safin (Safin).
Trong đó, Omifund Holding được thành lập vào tháng 2/2022, bởi 3 thể nhân, bao gồm: bà Trịnh Thị Thu Huyền (sở hữu 51% VĐL), bà Hoàng Thị Thanh Tâm (sở hữu 29% VĐL) và ông Nguyễn Bá Chí Công (sở hữu 20% VĐL).
Sinh năm 1984, bà Huyền có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, hiện là cổ đông chi phối, đảm nhiệm chức vụ giám đốc Công ty TNHH Finhub.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Chí Công làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tài chính kế toán Finway.
Safin được thành lập vào tháng 2/2020, bởi 3 thể nhân có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, bao gồm: Nguyễn Trung Hưng (85% VĐL), Trần Thị Minh Ngọc (10% VĐL) và Nguyễn Trường Sơn (5% VĐL).
Là ‘cầu nối’ giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, các công ty trung gian này đã góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển như đã thấy trong ít năm trở lại đây.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lợi dụng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp sai quy định, như vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo, yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Trong trường hợp xợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật./.