Hội đồng Liên bang Nga họp phiên đặc biệt phê chuẩn hiệp ước ký với hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk (Ảnh: Đông Phương). |
Tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp tục có những diễn biến mới theo chiều hướng ngày càng căng thẳng. Hội đồng Liên bang Nga ngày 22/2 đã nhất trí thông qua nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày được thông qua, trong đó quy định số lượng quân được điều động, khu vực hoạt động, nhiệm vụ và điều kiện đóng ở bên ngoài nước Nga của quân đội sẽ do tổng thống quyết định. Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Vladimir Matviyenko, giải thích nói các thượng nghị sĩ muốn các lực lượng vũ trang Nga được sử dụng trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk.
Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 23/2, sau khi Hiệp nghị hữu nghị hợp tác và tương trợ lẫn nhau kí giữa Nga và hai nước cộng hòa ly khai ở khu vực Donbass được Hội đồng Liên bang họp phiên đặc biệt thông qua hôm 22/2, trong đó có điều khoản cho phép các bên xây dựng và sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của nhau.
Phát biểu trước hội nghị, Tổng thống Putin nói, "Thỏa thuận Minsk" đã không còn tồn tại và Nga hiện công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk. Ông cũng cáo buộc chính quyền Ukraine đã không tuân thủ "Thỏa thuận Minsk" được ký kết vào năm 2015 để chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine và Kiev đã chọn cách giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự. Ông Putin nói, ông quyết định công nhận hai nước cộng hòa là do Kiev công khai thừa nhận họ sẽ không tuân Thỏa thuận Minsk.
Điều kiện đầu tiên do ông Putin đưa ra để bình thường hóa quan hệ với Ukraine là Ukraine phải công nhận Crimea và Donbass là lãnh thổ của Nga (Ảnh: Wikipedia). |
Ông Putin đồng thời đề ra 4 bước để Ukraine có thể bình thường hóa quan hệ với Nga. 4 bước này, gồm: thứ nhất, Ukraine công nhận bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol là lãnh thổ của Nga; thứ hai, từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO; thứ ba, tiến hành đàm phán về tình hình Donbass; thứ tư, phi quân sự hóa Ukraine.
Ông Putin phủ nhận việc bên ngoài suy đoán rằng Nga công nhận "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" là các quốc gia độc lập là mở đường cho việc khôi phục đế chế Nga. Ông Putin đã phủ nhận điều này trong cuộc gặp với Tổng thống Azerbaijan Aliyev hôm thứ 22/2. Ông Putin nói, sau khi Liên Xô giải thể, Nga đã thừa nhận thực tế của địa chính trị mới và tích cực tăng cường hợp tác với tất cả các nước độc lập khỏi Liên Xô, nhưng tình hình ở Ukraine thì khác. "Lãnh thổ Ukraine không may đã bị nước thứ ba sử dụng để đe dọa Nga.
Ông Medvedev cảnh báo châu Âu sẽ sớm lãnh hậu quả
Trong một diễn biến liên quan, sau khi Thủ tướng Đức Scholz hôm thứ Ba (22/2) thông báo quy trình chứng nhận dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 nối Đức và Nga đã bị đình chỉ để trừng phạt việc Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng và đưa quân vào miền đông Ukraine; Ukraine đã hoan nghênh quyết định của Đức. Cùng ngày, ông Dmitry Medvedev, cựu Thủ tướng Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga, cho rằng khi giá khí đốt tự nhiên tăng cao, châu Âu sẽ sớm gánh chịu hậu quả.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Medvedev cảnh báo châu Âu sẽ lãnh đủ hậu quả nếu tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream bị đình lại (Ảnh: Đông Phương). |
Hôm 22/2, ông Medvedev đã viết một cách mỉa mai trên Twitter rằng: "Scholz đã ra lệnh ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tốt thôi! Xin chào mừng các bạn đến với thế giới mới, người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho một ngàn mét khối khí đốt tự nhiên”. Việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2, tiêu tốn 12 tỷ USD đã được hoàn thành vào tháng 8 năm ngoái; có cổ phần lớn thuộc Công ty Năng lượng quốc doanh Nga Rosneft, được coi là công cụ để Nga và châu Âu kiềm chế lẫn nhau.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba tin rằng quyết định khó khăn này của chính phủ Đức đưa ra trong thời điểm khó khăn là "một bước đi đúng đắn cả về mặt đạo đức, chính trị và thực tế". Vào lúc quốc tế đang lần lượt trừng phạt Nga, cơ quan xếp hạng Fitch của Mỹ hôm 22/2 cho biết Nga là một bên tham gia không thể thay thế trong thị trường năng lượng toàn cầu và cảnh báo rằng thị trường năng lượng quốc tế có thể đối mặt với sự sụp đổ nếu các lệnh trừng phạt khiến hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn.
Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, hôm thứ Ba lên án Mỹ thay vì thuyết phục Kiev thực hiện Thỏa thuận Minsk, lại khuyến khích chính phủ Ukraine không làm gì cả, còn tích cực gửi vũ khí cho Ukraine. Ông cũng chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tài chính toàn cầu, thị trường năng lượng và người dân Mỹ, nhưng sẽ không buộc được Nga thay đổi chính sách đối ngoại của mình.
Thủ tướng các nước Canada, Nhật và Australia lần lượt tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga (Ảnh: Đông Phương). |
Thêm Canada, Nhật và Australia tham gia trừng phạt Nga
Theo sau Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều quốc gia hưởng ứng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga về vấn đề Ukraine. Canada hôm thứ Ba (22/2) đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế, cấm công dân của mình thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với hai ngân hàng quốc doanh của Nga. Nhật Bản hôm thứ Tư (23/2) cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những cá nhân ở Nga và các bên liên quan ở khu vực miền đông Ukraine đã tuyên bố độc lập, đồng thời chỉ trích hành động của Nga là không thể chấp nhận được.
Các biện pháp trừng phạt cụ thể của Canada bao gồm cấm công dân thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với "Cộng hòa Nhân dân Donetsk", "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" và Nga; cũng như cấm mua trái phiếu chính phủ Nga và giao dịch với hai ngân hàng quốc doanh Nga và xử phạt các nghị sĩ Nga bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập của hai khu vực ở đông Ukraine. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã tuyên bố đưa thêm binh sĩ tới các nước châu Âu trong đó có Latvia, bao gồm 460 nhân viên Lực lượng vũ trang Canada, tàu hộ về và máy bay tuần tra. Ông chỉ trích hành động của Nga là thêm một bước xâm lược đối với quốc gia có chủ quyền, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được, nhưng hiện vẫn chưa muộn để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng tuyên bố trừng phạt Nga, bao gồm đình chỉ thị thực, đóng băng tài sản, cấm xuất nhập khẩu những cá nhân liên quan công nhận nền độc lập của hai thực thể ở đông Ukraine và cấm bán trái phiếu chính phủ Nga tại Nhật Bản. Ông chỉ trích Nga vi phạm chủ quyền Ukraine, và nếu tình hình xấu đi, ông sẽ chung tay với cộng đồng quốc tế đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt, đồng thời kêu gọi Nga quay trở lại bàn đàm phán.
Ông Kishida cho rằng tình hình ở Nga và Ukraine sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung năng lượng trong thời gian ngắn trước mắt, nếu giá dầu tiếp tục tăng và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, ông sẽ xem xét đưa ra các biện pháp đối phó.
Hôm thứ Tư (23/2), Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thông báo về các biện pháp trừng phạt ngay lập tức chống lại Nga, bao gồm trừng phạt kinh tế và cấm nhập cảnh đối với 8 thành viên của Hội đồng An ninh Liên bang Nga; trừng phạt các ngân hàng quốc doanh, cũng như các công ty vận tải, năng lượng, viễn thông, dầu khí và khai thác mỏ; các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với khu vực Crimea cũng sẽ được thực hiện đối với Donetsk và Luhansk.