Những dấu hiệu cho thấy Quân đội Mỹ sẽ tiến hành chiến dịch quân sự

VietTimes -- Theo chuyên gia Trung Quốc, nếu muốn biết Quân đội Mỹ có muốn đánh trận hay không thì phải xem họ có tập kết vệ tinh do thám hay không, có điều động binh lực, tập kết trang thiết bị vũ khí, khí tài, vật tư quân nhu hay không và có điều chỉnh hệ thống chỉ huy ở khu vực tác chiến hay không.
Chuyên gia quân sự Trần Hổ
Chuyên gia quân sự Trần Hổ

Tân Hoa xã ngày 28/5 đăng bài viết phân tích của chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ bàn về những cơ sở để khẳng định Mỹ sẽ tiến hành đánh trận, hay tấn công quân sự.

Theo bài viết, trong thế giới hiện nay, đánh trận là một việc lớn. Việc Mỹ tham gia vào một cuộc chiến nào đó thì rất có thể là Mỹ muốn "đánh lớn". Vì vậy, phán đoán thời điểm Quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự hay không trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận.

Trước đây, phán đoán Quân đội Mỹ có muốn đánh trận hay không thường lấy hành động của tàu sân bay làm cơ sở. Bởi vì, tàu sân bay là một cụm tấn công cơ động lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ.

Thông thường, khi chỉ có sự hiện diện của một chiếc tàu sân bay thì về cơ bản sẽ không có chiến dịch tấn công quân sự. Nhưng, một khi có 3 tàu sân bay có mặt cùng một lúc  thì khả năng tấn công quân sự sẽ rất lớn, đặc biệt là đối với một số cuộc chiến tương đối lớn. Lấy việc tàu sân bay tập kết quy mô lớn để phán đoán về khả năng có chiến dịch quân sự hầu như đã trở thành tiêu chuẩn "vàng" của những người yêu thích dự báo quân sự.

Chính vì nhân tố này, Quân đội Mỹ đã thường xuyên dùng cách triển khai tàu sân bay để tiến hành răn đe, gây sức ép với các đối thủ. Nhưng, trong thực tiễn, chỉ sử dụng tàu sân bay để phán đoán Mỹ có đánh trận hay không thì có lúc đúng, lúc sai.

Vậy có thể sử dụng nhiều nhân tố hơn để phán đoán chính xác hơn khả năng Quân đội Mỹ muốn tiến hành tấn công quân sự hay không? Tạp chí "Quân sự Thế giới" của Tân Hoa xã Trung Quốc vừa có bài "Trước khai chiến, Quân đội Mỹ có những động thái bất thường nào", đã phân tích về một số động thái lạ trước đánh trận của Quân đội Mỹ.

Vệ tinh quân sự Mỹ
Vệ tinh quân sự Mỹ

Thứ nhất là nhìn vào các động thái của vệ tinh. Trong chiến tranh hiện đại, tình báo phải đi trước. Một khi chưa thăm dò được nội tình và động thái của đối phương, Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ không dễ dàng khai chiến. Muốn làm rõ điều này, Quân đội Mỹ ngày càng dựa vào công nghệ vệ tinh không gian vũ trụ. Điều này liên quan đến vấn đề triển khai và điều chỉnh các vệ tinh.

Quỹ đạo và vị trí triển khai vệ tinh trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất trinh sát của nó đối với một khu vực nhất định. Khi muốn đánh trận, Quân đội Mỹ sẽ tạm thời điều chỉnh quỹ đạo của rất nhiều vệ tinh, đồng thời tập kết vệ tinh trên quỹ đạo với số lượng đáng kể vào khu vực sắp tác chiến, thậm chí sẽ phóng bổ sung lâm thời một số vệ tinh.

Trước thời điểm nổ ra chiến tranh vùng Vịnh, xét thấy Iraq sở hữu tên lửa Scud, Quân đội Mỹ điều chỉnh toàn bộ 5 vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa trên quỹ đạo đến vùng trời Ấn Độ Dương, hoàn thành tạo lập mạng lưới, tiến hành cảnh báo sớm.

Trước chiến tranh Iraq, Quân đội Mỹ đã phóng khẩn cấp 3 vệ tinh trinh sát hình ảnh có tỷ lệ phân giải cao KH11, ngoài ra còn phóng 3 vệ tinh hình ảnh Lacrosse có khả năng do thám trong mọi điều kiện thời tiết.

6 vệ tinh này tham gia hỗ trợ cung cấp rất nhiều tin tức tình báo về chiến trường theo thời gian thực cho Quân đội Mỹ.

Đồng thời, Quân đội Mỹ còn tập trung điều phối một số vệ tinh bảo đảm, chẳng hạn vệ tinh thông tin, vệ tinh do thám khí tượng, thậm chí sẽ còn tận dụng các nguồn lực dân dụng như mua hình ảnh tỷ lệ phân giải cao của vệ tinh hình ảnh dân dụng để hoàn thành nhu cầu trinh sát tình báo.

Động thái của các vệ tinh mặc dù không phải là người nào, nước nào cũng có thể nhìn thấy được, nhưng chỉ cần có nước có khả năng giám sát không gian thì có thể phát hiện.

Điều có thể xác nhận là, đối mặt với những đối thủ nặng ký, khi Mỹ muốn đánh trận thì việc điều chỉnh vệ tinh là điều không thể thiếu.

Tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ. Ảnh: RT
Tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ. Ảnh: RT

Ngoài việc xem các động thái của vệ tinh, việc tiếp theo là xem các động thái điều động lực lượng. Đánh trận chắc chắn là phải dựa vào lực lượng. Cho dù là đánh nhỏ, đánh vừa thì cũng phải làm tốt chuẩn bị cho đánh lớn.

Trên phương diện này, trong triển khai lực lượng, Quân đội Mỹ thường "dùng dao mổ trâu để giết gà". Vì vậy, việc điều chỉnh và triển khai lực lượng sẽ trở thành một nhân tố quan trọng khác để phán đoán Quân đội Mỹ có muốn khai chiến hay không.

Trước chiến tranh Iraq, Quân đội Mỹ đã triển khai 6 cụm tấn công tàu sân bay và 4 cụm chiến đấu tàu tấn công đổ bộ, quy mô tương đối lớn. Có thể thấy, cho dù đối mặt với Iraq, một nước bị suy yếu nhiều sau chiến tranh vùng Vịnh, khi muốn tiêu diệt một nước, lực lượng tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ được Mỹ sử dụng chắc chắn không phải là một con số nhỏ.

Nếu đụng phải một đối thủ có thực lực mạnh hơn Saddam Hussein, Quân đội Mỹ sẽ triển khai và sử dụng bao nhiêu lực lượng? Điều này có thể nghĩ là biết.

Ngoài vệ tinh, lực lượng, còn phải xem công tác bảo đảm hậu cần. Đánh trận cần có rất nhiều trang bị vũ khí, binh khí, kỹ thuật, vật tư quân nhu... Mỹ sẽ triển khai trước một bộ phận những vật tư này bằng tàu hậu cần. Ngoài ra, tại một số căn cứ lân cận khu vực dự định tấn công, Mỹ cũng sẽ bổ sung rất nhiều vật tư.

Nhân tố cuối cùng là phải xem chỉ huy. Mặc dù hiện nay Mỹ triển khai quân trên toàn cầu, hệ thống chỉ huy được triển khai tương đối đầy đủ ở những khu vực điểm nóng chủ yếu và một số khu vực tương ứng.

Nhưng nếu muốn thực sự đánh trận, đặc biệt là đánh lớn thì hệ thống chỉ huy của Quân đội Mỹ sẽ được tiến hành điều chỉnh trước khi khai chiến.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: Washington Times
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: Washington Times

Một là điều chỉnh về nhân sự chỉ huy ở khu vực tác chiến. Mặc dù khu vực tác chiến có sĩ quan chỉ huy thường trực, nhưng thời bình và thời chiến khác nhau. Một khi muốn đánh trận, nhất là đánh lớn, đánh ác liệt, việc điều chỉnh chỉ huy là điều không thể thiếu.

Hai là Mỹ thường triển khai một số bộ chỉ huy tuyến đầu ở những khu vực điểm nóng hoặc khu vực muốn đánh trận; thường không chỉ là một bộ chỉ huy liên hợp, mà còn bao gồm bộ chỉ huy trên không, trên biển và trên mặt đất.

Việc triển khai chỉ huy và điều chỉnh sĩ quan chỉ huy với quy mô tương đối lớn như vậy thường cũng rất khó vượt qua được con mắt của báo giới và hệ thống tình báo. Điều này cũng sẽ trở thành một chỉ tiêu phán đoán quan trọng về khả năng Quân đội Mỹ có đánh trận hay không.