Những chaebol Hàn Quốc đã rót tỉ đô xây nhà máy tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 9.500 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 82 tỉ USD, nổi bật nhất là Samsung, LG và Hyosung.

Hôm nay (22/6), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam.

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của truyền thông trong nước nhiều ngày qua, bởi đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Yoon Suk-yeol tới Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà nhà lãnh đạo này tới thăm sau khi nhậm chức vào tháng 5/2022.

Tháp tùng ông Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm lần này là hơn 200 nhà lãnh đạo những tập đoàn gia đình lớn (chaebol) tại Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Hanwha, Hanjin và Hyosung v.v...

Chaebol là một thuật ngữ kinh tế chỉ một nhóm các các doanh nghiệp có quyền lực lớn trong giới kinh doanh, chính trị, xã hội v.v...

Tại Hàn Quốc, chaebol được dùng để miêu tả một nhóm các công ty con được liên kết và chi phối điều hành bởi một gia đình giàu có, trong đó các thành viên chủ chốt của hội đồng quản trị phải có quan hệ huyết thống với nhau.

Các tập đoàn này đã rót hàng chục tỉ USD xây dựng nhiều nhà máy tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động cũng như đóng góp lớn vào kinh tế địa phương và GDP cả nước.

Samsung: 20 tỉ USD

Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở Việt Nam. Tập đoàn này hiện đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội với tổng giá trị đầu tư lên tới 20 tỉ USD.

Tháng 3/2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập tại Bắc Ninh với mức đầu tư ban đầu 670 triệu USD. Những năm sau đó, Samsung tiếp tục xây dựng thêm hai nhà máy là Samsung SDI Việt Nam (2009) và Samsung Display Vietnam (SDV) – thành lập năm 2014 với số vốn đăng ký ban đầu là 1 tỉ USD.

Với tiềm năng và cơ hội phát triển tại miền quê Quan họ, sau 15 năm, số vốn đầu tư của Samsung vào các nhà máy ở Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh đã tăng lên hơn 9,3 tỉ USD, chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.

nha-may-sev-16484337817751783023509.jpg

Kế tiếp Bắc Ninh, vào tháng 3/2013, Samsung khởi công nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đăng ký ban đầu là 2 tỉ USD. Chỉ 1 năm sau, dự án được tăng vốn đầu tư thêm 3 tỉ USD.

Samsung cũng giữ lời hứa thực hiện tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Gần nhất, trung tuần tháng 2/2023, Samsung được chấp thuận tăng vốn thêm 920 triệu USD vào nhà máy SEMV (cũng thuộc Tổ hợp Samsung Thái Nguyên), qua đó nâng tổng mức đầu tư của tập đoàn này tại Thái Nguyên lên gần 7,5 tỉ USD.

Sau 5 nhà máy ở miền Bắc, tháng 10/2014, Samsung “Nam tiến” với dự án Samsung Electronics HCMC CE Complex tại Khu công nghệ cao TP.HCM, vốn đầu tư đăng ký là 1,4 tỉ USD. Hơn 1 năm sau, thời điểm nhà máy còn chưa đi vào hoạt động, Samsung quyết định rót thêm 600 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỉ USD.

Bên cạnh các nhà máy sản xuất, cuối năm 2022, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD. Tòa nhà được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2.

Ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Samsung từng nhấn mạnh rằng: "Samsung xác định Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu, mà còn hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành "trung tâm của các trung tâm" nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu của tập đoàn".

LG: 8,2 tỉ USD

LG chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1995. Khởi đầu với một nhà máy tại Hưng Yên, nhưng sau nhiều năm mở rộng đầu tư, Hải Phòng mới được xem là 'cứ điểm' của LG tại Việt Nam.

2021-04-09-14_30_23-window-1438.png

Hiện nay, LG đã đầu tư vào Hải Phòng khoảng 8,24 tỉ USD, bao gồm 7 dự án với tổng vốn đầu tư 7,24 tỉ USD (LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical - 2 dự án, LG International) và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ USD.

Trong đó, 4 công ty thành viên nổi bật của LG tại Việt Nam gồm: LG Innotek Vietnam Hai Phong Co., Ltd (LGITVH), LG Electronics Vietnam Hai Phong Co., Ltd (LGEVH); HI-M Solutek Vietnam Co., Ltd, và LG Electronics Development Vietnam Company Limited.

Năm ngoái, LGEVH ghi nhận mức doanh thu đạt 83.397 tỉ đồng (khoảng 3,5 tỉ USD), đồng thời báo lãi 3.205 tỉ đồng (136,2 triệu USD). Nên biết, LG Electronics U.S.A - với quy mô tài sản gấp 4 lần LGEVH - song lợi nhuận trong năm 2022 cũng chỉ ở mức 148,1 triệu USD.

Hyosung: 3,5 tỉ USD

Không quá nổi bật như Samsung hay LG, song Hyosung cũng là một ‘chaebol’ công nghiệp của Hàn Quốc. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1966, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp hóa chất, máy móc công nghiệp, công nghệ thông tin, thương mại và xây dựng.

ban-biet-gi-ve-hyosung-viet-nam-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-dan-dau-trong-dau-tu-vao-dong-nai-1.jpg

Hồi tháng 12/2022, ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với nhà máy đầu tiên đặt tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay, tập đoàn hiện diện ở khắp ba miền với hàng loạt dự án tại Vũng Tàu, Quảng Nam và mới nhất là Bắc Ninh.

Vị này cũng cho hay, số vốn đầu tư của Hyosung đã lên đến 3,5 tỉ USD trong nhiều lĩnh vực như may mặc, cơ sở công nghiệp, tạo việc làm cho 10.000 lao động tại Việt Nam./.