Những câu chuyện buồn nơi biên giới Nam - Bắc Triều Tiên

Trong cuộc đoàn tụ của những gia đình Hàn Quốc - Triều Tiên, người vợ sau nhiều năm xa cách mới được gặp lại chồng, chỉ kịp hỏi một câu: 'Sao đi mua xe đạp mà ông đi lâu thế' rồi bật khóc nức nở.
Khi đến thăm cầu hòa bình, du khách còn có thể ký tên vào bản danh sách thể hiện mong ước hai miền Nam - Bắc Triều Tiên thống nhất.
Khi đến thăm cầu hòa bình, du khách còn có thể ký tên vào bản danh sách thể hiện mong ước hai miền Nam - Bắc Triều Tiên thống nhất.

Ngày nay, khi tới Hàn Quốc du khách thường thăm một địa điểm có tên gọi là Imjingak, bên cạnh những cái tên đình đám khác như Seoul, Jeju hay đảo Nami.

Imjingak chỉ là một công viên nhỏ, nằm bên bờ sông Imjin ở thành phố Paju, có nhiều tượng, đài kỷ niệm về chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên. Nơi đây còn có một nhà hàng bán các vật dụng lưu niệm, một tầng quan sát, một hồ bơi có hình dạng bán đảo Triều Tiên và một công viên giải trí nhỏ.

Sở dĩ, Imjingak thu hút nhiều du khách bởi nó được xây dựng để an ủi những người dân Nam - Bắc Triều Tiên, những người không thể trở về quê nhà thăm bạn bè, người thân, gia đình vì sự phân chia hai miền. Với sứ mệnh của mình, nó còn là vùng đất nối giữa hai miền bị chia cách: Hàn Quốc - Triều Tiên.

Một nơi nổi tiếng tại Imjingak mà bất kỳ ai đến tham quan đều muốn ghé qua là cầu Tự Do. Cây cầu dự định sẽ bắc qua sông Imjin, nhưng do hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn bị chia cách nên vẫn chưa được xây xong. Cầu được cựu tổng thống Lee Seung Man đặt tên sau khi hàng chục nghìn tù nhân của cuộc chiến Triều Tiên được trả tự do vào năm 1953. Sau khi kết thúc cuộc trao trả tù nhân, chiếc cầu đã bị đóng lại vĩnh viễn. 

Cầu Tự Do.

Cầu Tự Do.

Bên cạnh cây cầu, du khách sẽ thấy một hàng rào thép gai, trên đó treo chi chít những mảnh lụa ghi những lời nguyện ước của người dân Hàn Quốc, mong ước hòa bình và gặp lại người thân của họ ở Triều Tiên. Những câu chuyện, những lời khấn nguyện ghi trên khăn đều có thật, và nó luôn khiến du khách xúc động khi biết đến.

Một trong những câu chuyện được biết đến nhiều nhất kể về một người đàn ông nọ (giấu tên). Đi làm ăn xa và không thể quay trở lại Triều Tiên do chiến tranh hai miền Nam - Bắc, ông buộc phải rời xa người vợ trẻ cùng đứa con mới được vài tháng trong bụng mẹ. Tại Hàn Quốc, người đàn ông lấy vợ mới, sinh con. Người vợ mới cũng biết rõ ở quê nhà ông vẫn còn một người vợ nữa.

Đến khi lo lắng cho con cái trưởng thành, ông liền gọi các con lại và bảo: Cha trước kia đã có vợ con tại quê nhà. Giờ cha đã làm tròn trách nhiệm gia đình, từ bây giờ, cha và mẹ sẽ ngủ riêng. Phòng của cha mùa đông cũng không được bật lò sưởi dù giá rét đến đâu. Ngày chỉ ăn 2 bữa, mỗi bữa chỉ 3 món: cơm lạnh, nước canh và một món kim chi. 

Ông cho rằng mình không thể sống hưởng thụ được nữa, khi vợ con nơi xa vẫn sống cực khổ. Ông muốn được sống giống họ vì luôn thấy mình có lỗi. Khi Nam - Bắc Triều Tiên mở cửa biên giới để người thân ở Hàn Quốc và Triều Tiên được gặp nhau, người đàn ông cuối cùng cũng gặp lại vợ đầu và đứa con chưa bao giờ được gọi tiếng cha. Vừa nhìn thấy vợ con, người đàn ông già quỳ sụp xuống xin lỗi họ.

Cũng thuộc 100 người may mắn được lựa chọn trong số chục nghìn người đăng ký tham gia buổi gặp mặt gia đình ly tán, ông Lee Bok Yeon, 73 tuổi đã gặp lại người vợ 70 tuổi và 2 con trai của mình. Lần cuối ông Lee gặp gia đình là khi cậu con trai cả 5 tuổi và con trai út 2 tuổi. Khi đất nước còn chiến tranh, trước khi ra khỏi nhà ông nói mình sẽ đi mua xe đạp. Nhưng kể từ đó, cả nhà không còn thấy ông quay lại cũng như không nghe bất kỳ tin tức nào về chồng, cha họ. Tại buổi gặp mặt, người vợ đợi chồng suốt mấy chục năm trời chỉ kịp hỏi một câu: "Đi mua xe đạp mà sao ông đi lâu thế" rồi khóc nức nở.

Imjingak nằm trong khu phi quân sự DMZ, dải đất chạy ngang bán đảo Triều Tiên, nằm ở vĩ tuyến 38, dài 248 km và rộng 4 km, chia hai miền Nam, Bắc. Năm 1953, khi hiệp định đình chiến được ký kết, DMZ được xác lập, mỗi bên đồng ý di dời quân đội ra xa cách đường phân chia lãnh thổ hai miền 2 km.

Ngày nay tại Hàn Quốc, nơi đây trở thành khu du lịch. Du khách ghé thăm phải mang theo hộ chiếu, ăn mặc lịch sự và chỉ chụp ảnh khi được sự cho phép của quân đội.

Chiến tranh Triều Tiên xảy ra vào năm 1950, dẫn đến việc chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc. Năm 1953, hai bên ký hiệp ước ngừng bắn nhưng không ký hiệp định hòa bình, do đó nhiều gia đình bị ly tán và mất liên lạc với nhau từ đó. Công dân hai miền cũng không thể liên lạc và trao đổi thư từ.

Theo Washington Post, có hàng trăm nghìn người Hàn Quốc nộp đơn thông qua Hội Chữ thập đỏ xin đoàn tụ với người thân mở miền Bắc, kể từ khi chương trình hội ngộ bắt đầu năm 1988. Phần lớn những người nộp đơn đều trên 70, 80 tuổi. Ước nguyện duy nhất của họ là được gặp lại người thân, gia đình một lần trước khi nhắm mắt.

Ngày nay đến DMZ, du khách có thể ghé thăm Camp Greaves - nơi được chọn để làm phim trường Hậu duệ mặt trời. Bộ phim bom tấn của đài KBS đầu năm 2016, có đề tài nói về quân nhân.

Theo Tổng cục du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, thời gian tham quan Hàn Quốc đẹp nhất là vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.

Hiện đã có nhiều hãng bay thẳng từ Việt Nam tới Hàn Quốc như Asiana Airlines. Giá vé khứ hồi vào khoảng 550 - 900 USD cho hạng Economy, còn hạng thương gia vào khoảng 1.100 - 1.550 USD.