Những cái tên mới trong “danh mục” của EVNFC

VietTimes – Vai trò của EVNFC tại những CTCP Helio Power, CTCP Intersolar, CTCP Đầu tư Năng lượng tái tạo Cà Mau nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở mức cổ đông lớn…
Ảnh minh họa (Nguồn: EVNFC)
Ảnh minh họa (Nguồn: EVNFC)

Chuyện từ một thương vụ quang điện

Thời gian qua, sức “nóng” của lĩnh vực năng lượng tái tạo đã được phản ánh phần nào trên khắp các mặt báo, các diễn đàn trên mạng xã hội.

Dư luận hẳn vẫn còn ấn tượng cũng như băn khoăn với những con số 4,4 tỷ USD của dự án phong điện Cổ Thạch của HLP Invest, hay cái giá hàng trăm triệu USD mà Super Energy Corporation dự chi để thâu tóm cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh của Hưng Hải Group.

Đó mới chỉ là một phần nổi trong “phong trào” chạy đua phát triển điện mặt trời, điện gió đang diễn ra. Mà ở đó, có nhiều thương vụ chuyển nhượng vẫn chưa được hé lộ.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 2 do CTCP SD Trường Thành (SD Trường Thành) làm chủ đầu tư có công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.099,63 tỷ đồng. Dự án có quy mô 60 ha được khởi công từ năm 2018 và dự kiến đi vào hoạt động trong Quý 3/2019.

Tuy nhiên, Nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 2 đã đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch. Cụ thể, dự án này đã được công nhận vận hành thương mại (COD) vào ngày 28/6/2019, ngay trước khi đến hạn chót được hưởng mức giá điện ưu đãi 9,35 UScents/kWh.

Bên cạnh đó, do xây dựng tại huyện Hàm Thuận Bắc thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, vì vậy SD Trường Thành cũng được hưởng một số ưu đãi theo quy định.

Theo tìm hiểu của VietTimes, SD Trường Thành được thành lập vào tháng 9/2017 với quy mô vốn điều lệ ở mức 10 tỷ đồng. Trong đó, bà Trần Thị Thủy Mai (SN 1970) góp 8 tỷ đồng, là cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 80%. Tiếp đến là các ông Trần Trọng Nghĩa và Vương Đăng Tú với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 15% và 5% vốn điều lệ.

Tới tháng 5/2018, ông Tú triệt thoái vốn khỏi SD Trường Thành, tỷ lệ sở hữu của bà Trần Thị Thủy Mai và ông Trần Trọng Nghĩa (cùng địa chỉ thường trú) giảm xuống chỉ còn 10%. Cổ đông nắm giữ 90% vốn của SD Trường Thành không được tiết lộ.

Vậy ai mới sở hữu cổ phần chi phối tại dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 2 (!?).

Một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, Tổng giám đốc Phan Thành Đạt (SN 1983) nắm giữ 1,5 triệu cổ phần (tương đương 5% VĐL), CTCP Helio Power nắm giữ 24 triệu cổ phần (tương đương 80% vốn điều lệ) và ông Đào Đức Anh (SN 1983) nắm giữ 1,5 triệu cổ phần (tương đương 5% VĐL) của SD Trường Thành.

Tuy nhiên, vào ngày 14/3/2019, các cá nhân và tổ chức vừa nêu đã đồng loạt thế chấp cổ phần SD Trường Thành tại CNBM New Energy Engineering Company Limited – một thành viên của tập đoàn CNBM Engineering có địa chỉ trụ sở tại Trung Quốc.

Dự án điện mặt trời vẫn hút vốn nước ngoài (Ảnh minh họa)
Dự án điện mặt trời vẫn hút vốn nước ngoài (Ảnh minh họa)

Những cái tên mới trong “danh mục” của EVNFC 

Tại thời điểm cuối năm 2019, CTCP Helio Power (Helio Power) cùng với CTCP Amber Capital (Amber Capital) và CTCP Bất động sản Quang Anh (Quang Anh) là những cái tên bất ngờ xuất hiện trong danh mục các khoản đầu tư dài hạn khác của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVNFC).

Trong đó, khoản đầu tư 300 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ sở hữu 9,09%) vào Helio Power là nguyên nhân chính khiến giá trị các khoản đầu tư dài hạn khác của EVNFC tăng gấp 4 lần so với đầu năm 2019.

Ngoài dự án quang điện mà VietTimes đã đề cập, Helio Power còn có mối hợp tác đầu tư cùng với CTCP Đầu tư Helios (Helios) phát triển các dự án Điện mặt trời Mũi Né có công suất 40MW, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại Bình Thuận. Bên cạnh đó, Helio còn hợp tác đầu tư cùng CTCP Điện mặt trời Thuận Minh.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Helio Power được thành lập vào tháng 8/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở tại tòa nhà Sentinel Place, số 41A Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chỉ vài tháng sau khi đi vào hoạt động, Helio Power tăng vốn lên mức 660 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Amino Finance Group (góp 120 tỷ đồng, chiếm 18,18% VĐL), Amber Capital (góp 420 tỷ đồng, chiếm 63,64% VĐL) và CTCP Lemanh Brothers (góp 60 tỷ đồng, chiếm 9,09% VĐL). Cập nhật đến 21/6/2019, quy mô vốn của Helio Power tăng lên mức 800 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Với các dữ liệu kể trên, nhiều khả năng EVNFC đã nhận chuyển nhượng cổ phần Helio Power với mức giá có thể gấp 5 lần số vốn góp ban đầu từ CTCP Lemanh Brothers – pháp nhân được thành lập từ năm 2009, do các ông Lê Đức Mạnh (SN 1991), Lê Mạnh Linh (SN 1984, cùng địa chỉ thường tú với ông Mạnh) và bà Nguyễn Thùy Lan là cổ đông sáng lập.

Nhóm Lemanh Brothers – Amber Capital – Amino Finance Group, như VietTimes từng đề cập, cũng là những cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng – doanh nghiệp đã phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu cho EVNFinance hồi giữa năm 2019.

Các khoản đầu tư của EVNFinance tính tới cuối Quý 2/2020 (Nguồn: EVNFinance)
Các khoản đầu tư của EVNFinance tính tới cuối Quý 2/2020 (Nguồn: EVNFinance)

Trên báo cáo tài chính Quý 2/2020, EVNFC tiếp tục ghi nhận thêm những khoản đầu tư mới, đó là: CTCP Đầu tư Năng lượng tái tạo Cà Mau (Cà Mau IRP) và CTCP Intersolar.

Trong đó, Cà Mau IRP là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận, công suất 75 MW, tổng mức đầu tư là 2.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và phát điện trong Quý 3/2021.

Còn CTCP Intersolar chuyên tập trung vào phát triển điện mái nhà. Doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất 1.100 KW tại Lô A17, Khu công nghiệp KSB-Khu B, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Thương vụ trái phiếu giữa EVNFC và Chứng khoán Nhất Việt

Trong nửa đầu năm 2020, EVNFC còn dành ra 100 tỷ đồng để mua trái phiếu của CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS). Số trái phiếu này có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 10%/năm.

Đáng chú ý, VFS đã sử dụng 32 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ của Helio Power làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này.

Mặt khác, báo cáo tài chính riêng Quý 2/2020 của VFS cho thấy doanh nghiệp này đang rót 199 tỷ đồng vào các trái phiếu của CTCP AFG Việt Nam (26 tỷ đồng), CTCP Ô tô Á Châu Việt Nam (26 tỷ đồng), CTCP Apollo Finance (27 tỷ đồng), CTCP Bất động sản Quang Anh (60 tỷ đồng), CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng (60 tỷ đồng).

Nếu như CTCP Bất động sản Quang Anh và CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng đều là những doanh nghiệp ít nhiều được VietTimes đề cập ở trên, thì những CTCP AFG Việt Nam, CTCP Ô tô Á Châu Việt Nam và CTCP Apollo Finance cũng có nhiều mối liên hệ với EVNFC.

CTCP Apollo Finance và CTCP Ô tô Á Châu Việt Nam là những tổ chức đã tham gia góp 50 tỷ đồng vào quỹ đầu tư tài chính AFM (AFM Fund) của CTCP Quản lý Quỹ Amber – nơi ông Lê Mạnh Linh đang sở hữu 49,5% vốn điều lệ.

Trong đó, CTCP Apollo Finance được thành lập từ năm 2016, với các cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty TNHH Amino Finance Group (góp 175 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL), ông Lê Hồng Quang (góp 320 tỷ đồng, sở hữu 64% VĐL), và bà Doãn Hồ Loan (góp 5 tỷ đồng, sở hữu 1% VĐL). Đến tháng 8/2018, hai cổ đông cá nhân vượt lên chiếm tới 99% vốn của CTCP Apollo Finance.

Ngoài chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tại CTCP Apollo Finance, ông Lê Hồng Quang (SN 1982) hiện còn là người đại diện của CTCP Đầu tư Tài chính Alpha, CTCTP Đầu tư phát triển Zeta, CTCP Thẩm định giá Fargo, CTCP Đầu tư Phát triển Khánh Hòa – Hà Nội, Công ty TNHH Marcus.

Trong đó, EVNFC hiện nắm giữ tới 11% cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển Khánh Hòa – Hà Nội và đã trích lập 828 triệu đồng cho khoản đầu tư vào doanh nghiệp này./.