Nhiều nước tăng cường nhập dầu thô Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm vừa qua, lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. Trong đó, Malaysia, Singapore và Thái Lan được ghi nhận là những thị trường có mức nhập khẩu ấn tượng.
Lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang một số thị trường 4 tháng năm 2014 và 4 tháng năm 2015. Ảnh: Tổng cục Hải quan
Lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang một số thị trường 4 tháng năm 2014 và 4 tháng năm 2015. Ảnh: Tổng cục Hải quan

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 4 của Việt Nam đã đạt 788 nghìn tấn, tăng 25,4% và đơn giá bình quân tăng 7,2% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4 năm 2015, lượng xuất khẩu dầu thô đạt 2,99 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do đơn giá bình quân giảm tới 49,7%, nên trị giá xuất khẩu chỉ đạt 1,29 tỷ USD, giảm 42,4%.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, mặc dù xuất khẩu dầu thô của Việt Nam trong 4 tháng năm 2015 giảm đã mạnh ở các thị trường dẫn đầu như  Nhật Bản, Ôxtrâylia, Trung Quốc, nhưng lại tăng rất cao ở thị trường Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Cùng với dầu thô, xuất khẩu của các nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dệt may… cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng trong 4 tháng đầu năm vừa qua.

Trong đó, tháng 4 năm 2015, cả nước đã xuất khẩu 2,6 tỷ USD điện thoại các loại và linh kiện, tăng 3,4% so với tháng trước. Qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng năm 2015 lên 9,26 tỷ USD, tăng 14,9%, tương đương tăng 1,2 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2014.

Những đối tác chính nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm 2015 chủ yếu là EU với 3,08 tỷ USD, tăng 8,4%; Tiểu Vương quốc Ảrập Thống Nhất 1,34 tỷ USD, tăng 3,8%; Hoa Kỳ 798 triệu USD, tăng 41,2%...

Đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá xuất khẩu trong tháng 4 năm 2015 là 1,16 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4 năm 2015, trị giá xuất khẩu  nhóm hàng này đạt 4,72 tỷ USD, tăng 57,8%, tương đương tăng 1,73 tỷ USD về số tuyệt đối. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 958 triệu USD, tăng 63,4%, sang Hoa Kỳ 861 triệu USD, tăng 81%; Trung Quốc là 756 triệu USD, tăng 26,7%; Hồng Kông 550 triệu USD, tăng 198,8%... so với cùng kỳ năm trước.

Ở lĩnh vực máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, trong tháng 4 năm 2015, xuất khẩu đạt gần 654 triệu USD, giảm 7,6%, đưa tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng năm 2015 lên 2,47 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến hết tháng 4 năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ là hơn 462 triệu USD, tăng 21,9%; sang Nhật Bản 445 triệu USD, tăng nhẹ 0,5%; sang Trung Quốc 185 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với nhóm hàng dệt may, trị giá xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng đạt 1,63 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước. Trong đó, xuất  sang thị trường EU đạt 223 triệu USD, tăng tới 22,6%.

Trong 4 tháng/2015, tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 6,46 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2014.  Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2014 tương ứng là 3,21 tỷ USD và 9%; 871 triệu USD và 5,4%; 832 triệu USD và 6%. Tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này sang 3 thị trường trên đạt 4,91 tỷ USD, chiếm 76% trị giá xuất khẩu hàng dệt may của nước ta.

Một mặt hàng cũng đóng góp khá quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đó là gạo. Theo đó, lượng gạo xuất khẩu tháng 4 năm 2015 đạt 735 nghìn tấn, tăng 12,1% so với tháng trước, nâng tổng lượng xuất khẩu trong 4 tháng năm 2015 lên 1,87 triệu tấn giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, đơn giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng năm 2015 của mặt hàng này cũng giảm 4,3% dẫn đến trị giá xuất khẩu đạt 815 triệu USD, giảm 13% so với 4 tháng/2014.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, xuất khẩu gạo trong 4 tháng năm 2015 sang 2 thị trường lớn là Trung Quốc đạt 343 nghìn tấn, giảm 28,1% và sang Philippin đạt 360 nghìn tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang Malaysia đạt tới 136 nghìn tấn, tăng gấp hơn 2 lần.

Theo: VnMedia