Làn sóng tị nạn ồ ạt từ Syria sang các nước Châu Âu qua đường Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) đã khiến nơi đây mọc lên một nhóm “ngành công nghiệp” đen để khai thác “thị trường” béo bở này bằng mọi giá, trong đó, có cả việc đánh đổi sinh mạng con người.
Năm ngoái, 850.000 người tị nạn đã đến Hy Lạp, đa số bằng đường biển xuất phát từ TNK. Để thực hiện những chuyến vượt biển nguy hiểm này, người tị nạn phải trang bị áo phao cứu hộ và các các vật dụng đi biển khác.
Tuy nhiên, khi những chiếc thuyền ọp ẹp vượt biển Aegea bị lật, nhiều người tị nạn Syria phát hiện ra rằng những chiếc áo phao, thay vì giúp họ nổi lên trên mặt nước, lại kéo họ chìm xuống vì đã được làm từ vải và giấy.
Tuần này, cảnh sát tại Izmir, một thành phố lớn của TNK bên bờ biển Aegea và là trung tâm của các chuyến vượt biển đến Châu Âu của người tị nạn Syria, đã đột kích một địa điểm sản xuất trái phép áo phao cứu hộ và bắt giữ chủ của cơ sở này.Tại đây, những chiếc áo phao đang được chế tạo từ giấy gói bao bì bởi 2 bé gai dưới tuổi vị thành niên và 2 người khác.
Theo truyền thông TNK, người tị nạn có thể tìm mua những chiếc áo phao dỏm với giá chỉ khoảng 7 USD. Trong đó, một số được nhét đầy bọt biển, thứ vật liệu hút nước và nhận chìm người mặc thay vì cứu sống họ. Đầu tuần, thi thể của 34 người bị chết đuối gần đảo Lesbos của Hy Lap đã dạt vào bờ biển phía tây bắc TNK. Nhiều thi thể vẫn còn mang trên mình những chiếc áo phao chết người này.
Năm ngoái, báo chí TNK đăng tin về việc người tị nạn tại Izmir đổ xô mua những chiếc áo phao rẻ tiền được sơn đen thay vì màu cam nhằm tránh bị cảnh sát phát hiện ra trên biển. Điều này đồng nghĩa với việc khi tàu bị chìm, những chiếc áo phao này sẽ khiến công tác cứu hộ khó khăn hơn.
Tháng 9.2015, Pháp đã đình chỉ lãnh sự danh dự của mình, Francoise Olcay, tại thành phố cảng Bodrum bên bờ biển Aegea, sau khi bà này bị truyền hình tung cảnh đang bán tàu và áo phao cho người tị nạn. Lập luận biện hộ của Olcay là nếu mình không bán thì cũng sẽ có người khác bán.
Đi cùng với mạng lưới buôn người tị nạn sang Châu Âu là một hệ thống hạ tầng hỗ trợ bao gồm: nhà nghỉ rẻ tiền cho người tị nạn tại các thành phố biển, những chuyến xe bus và taxi chở người tị nạn tới bờ biển, và các nguồn cung cấp thuyền. Tháng 10.2015, cảnh sát Izmir đã phát hiện ra một cơ sở sản xuất thuyền bằng cao su cho người tị nạn. Chính quyền cho biết những chiếc thuyền này không đủ tiêu chuẩn để ra biển.
Ngoài ra, cũng tồn tại những đường dây buôn người với giá cao, mà báo chí TNK gọi là “dịch vụ VIP cho người tị nạn”, vận chuyển trái phép người Syria khá giả sang Châu Âu trên những chiếc thuyền máy sang trọng. Cuối năm ngoái, cảnh sát thành phố Marmaris đã phá một đường dây chuyên chở người Syria giả dạng làm khách du lịch đến Hy Lạp theo từng nhóm nhỏ với giá khoảng 3.300 USD/người, mắc gấp 3 lần số tiền của một chuyến vượt biển bằng thuyền cao su.
Chính quyền TNK cho biết đang làm mọi cách có thể để giảm lượng người tị nạn chạy sang Châu Âu và chống lại nạn buôn người. “Hơn 200 tay buôn người trái phép đã bị bắt và nhiều đường dây bị triệt phá kể từ năm 2014”, theo một thống kê của chính phủ hồi tháng 11.2015.
Ngoài mạng lưới buôn người, sự “kiên định” của những người tị nạn cũng là điều khiến Ankara quan ngại. Báo cáo của chính phủ TNK mô tả “quan sát về hành vi cho thấy người tị nạn tìm cách đến Châu Âu trái phép bằng đường biển sẽ bất chấp mọi nguy hiểm để thực hiện chuyến hành trình này, kể cả khi nếu phải thực hiện chuyến đi nhiều lần”.
Nỗ lực giảm lượng người tị nạn Syria nhập cư vào các nước Châu Âu của chính quyền TNK nằm trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được giữa Ankara và EU hồi tháng 11.2015 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang khiến các lãnh đạo EU phải đau đầu suốt gần 1 năm qua.
Ngược lại, EU đồng ý tài trợ 3,3 triệu USD cho Ankara. Số tiền này sẽ được chính quyền TNK dùng để giúp người tị nạn Syria xây dựng một cuộc sống tốt hơn ngay trên đất TNK. Tuy nhiên, việc này cũng không khiến người tị nạn từ bỏ ước mơ đến Châu Âu tìm cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn, ngay cả khi phải đánh đổi bằng một số tiền dành dụm lớn và đặt sinh mạng mình vào tay các con buôn của thần chết.
Tuấn Anh - Theo The Daily Beast, Một thế giới