Nhiều hãng vận tải biển tiếp tục lỗ nặng

Để giảm áp lực vốn vay và tạo nguồn tiền duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn của ngành chưa có dấu hiệu cải thiện, nhiều công ty vận tải biển tiếp tục phải bán tàu.
Nhiều hãng vận tải biển tiếp tục lỗ nặng
Nhiều hãng vận tải biển tiếp tục lỗ nặng

Giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây được xem là một yếu tố tích cực với các công ty vận tải biển, do chi phí nhiên liệu chiếm 40 – 50% chi phí hoạt động.

Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn chìm trong khó khăn và thua lỗ do nhu cầu vận chuyển thấp và tình trạng dư cung vận tải.

Chỉ số BDI (Baltic Dry Index) phản ánh giá cước vận chuyển hàng rời khô sau khi phục hồi nhẹ giữa năm 2014, đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm do giá dầu giảm.

Nhiều hãng vận tải biển tiếp tục lỗ nặng ảnh 1

 Chỉ số BDI

Năm 2014, cũng như nhiều năm trước, các công ty vận tải biển đã phải bán tàu để giảm áp lực vốn vay (phần lớn các công ty vận tải biển đều vay nợ lớn để đầu tư đội tàu trong quá khứ) và duy trì hoạt động.

CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (mã VST) vừa công bố thông tin về việc bán thanh lý tàu và chính thức bàn giao cho bên mua vào 30/1/2015. 

Tàu được thanh lý là VTC Sky với trọng tải 24.260 DWT, đóng năm 1997 tại Nhật Bản. 

Việc bán tàu nhằm tạo nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời giảm áp lực vay vốn lưu động của công ty. Trong năm 2014, VST cũng đã phê duyệt việc bán tàu Viễn Đông 3 có trọng tải 6.596 DWT.

Với kết quả lỗ ròng 144,7 tỷ đồng trong 2014, VST đã lỗ liên tiếp 3 năm liên tiếp từ năm 2012 đến nay. Khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán đến nay là 369 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu (236 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 30/12/2014, Vosco (mã VOS), công ty sở hữu đội tàu hàng khô lớn nhất Việt Nam, cũng đã hoàn tất bán tàu Diamond Star trọng tải 27.000 DWT với giá tương đương 5,46 triệu USD. 

Ngoài ra, Vosco cũng đã bán tàu Silver Star trọng tải 21.967 DWT đóng năm 1995 tại Nhật Bản với giá tương đương 5,1 triệu USD. 

Việc bán tàu nằm trong kế hoạch giảm bớt chi phí cho đội tàu của Vosco. Đồng thời, do tàu đã hết khấu hao nên doanh thu từ việc bán tàu ngoài việc giúp VOS cân bằng được thu chi và có lãi còn góp phần tích cực cải thiện dòng tiền. 

Với việc bán tàu, VOS đã công bố có lãi trong 2014 đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu như kế hoạch đã đề ra. 

Trước đó, VOS liên tục thua lỗ trong 2 năm liên tiếp (2012 - 2013). Tuy chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014 nhưng theo báo cáo quý III/2014, công ty còn lỗ lũy kế hơn 235,2 tỷ đồng. 

CTCP Vận tải biển Vinaship (mã VNA) cũng thua lỗ liên tục trong năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, năm 2014 VNA đã thoát lỗ với lợi nhuận sau thuế hơn 1,5 tỷ đồng. Báo cáo tài chính công ty này cho biết lợi nhuận từ hoạt động khác là khoản mục chính giúp công ty có lãi.

Mặc dù không công bố chi tiết khoản lãi này đến từ đâu nhưng trong năm 2014, công ty đã quyết nghị bán 2 tàu Bình Phước và Hà Tiên, bổ sung nguồn vốn cho công ty trong sản xuất kinh doanh.

VNA vẫn còn hơn 68,9 tỷ đồng lỗ lũy kế. Vốn chủ sở hữu của VNA cuối năm 2014 là 213 tỷ đồng.


CTCP Vận tải và Thuê tàu (mã VFR) chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2014 nhưng báo cáo khoản lỗ của công ty mẹ 2014 là 12,6 tỷ đồng. 

Trong 2014, công ty đã lên kế hoạch cho việc chuyển nhượng nhiều tài sản như: cổ phần, phần vốn tại một số công ty, chuyển nhượng bất động sản. Nghị quyết hội đồng quản trị hồi tháng 10 của công ty nhấn mạnh về việc tái cơ cấu đội tàu, cố gắng bán được 1 chiếc trong 2014.

Theo kế hoạch này, hồi tháng 11, công ty đã rao bán 2 tàu VF Glory và Blue Lotus với giá lần lượt là 4 triệu USD và 4,8 triệu USD. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin về giao dịch.

                                                                                Theo Bizlive