Ngày càng có nhiều hãng hàng không quốc tế ngừng các tuyến bay đến Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Nhiều hãng bay ngừng bay đến Trung Quốc
Kể từ tháng 5/2024 đến nay, nhiều hãng hàng không của Australia, Anh, Philippines, Brunei…đã thông báo tạm dừng các chuyến bay đến các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải. Ngoài ra, Delta Airlines của Mỹ ban đầu dự kiến nối lại đường bay khứ hồi Los Angeles-Thượng Hải vào mùa thu này, nhưng hãng cũng đã thông báo hủy bỏ kế hoạch.
Một số quốc gia khác có đường bay thẳng tới Trung Quốc như AeroMexico trước đây tạm dừng vì dịch bệnh, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nối lại các chuyến bay.
Về lý thuyết, mọi hãng hàng không đều đang nỗ lực khôi phục và mở rộng công suất để bù đắp những tổn thất do dịch bệnh COVID-19 kéo dài 3 năm gây ra. Thời điểm hiện tại đang là mùa du lịch hè cao điểm và Trung Quốc lại là một thị trường rất lớn, vì sao các hãng đều không đưa khách đến?
Các hãng hàng không lớn nhất của Vương quốc Anh đều đã ngừng bay đến Trung Quốc. Ngày 8/8/2024, British Airways thông báo sẽ tạm dừng các đường bay từ London đến Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 26/10 tới đây. Việc dừng bay sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 11/2025, sau đó sẽ tùy theo tình hình mà đưa ra quyết định về việc có khôi phục các chuyến bay hay không.
Đường bay London-Bắc Kinh được khai trương vào năm 1980 và British Airways đã hoạt động liên tục 44 năm. Có thể nói đây là minh chứng cho sự cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, đường bay này đã bị đình chỉ trong 3 năm và mãi đến tháng 6/2023 mới được nối lại. Khi British Airways khôi phục lại đường bay, họ đã tuyên bố “đây là một trong những đường bay quan trọng nhất của chúng tôi”.
Nhưng chỉ hơn một năm sau khi phục hồi, “đường bay quan trọng nhất” này lại bị đình chỉ. Trong tương lai, nếu muốn bay thẳng tới London với British Airways, khách ở Trung Quốc chỉ có thể chọn khởi hành từ Thượng Hải hoặc Hong Kong.
Virgin Atlantic, hãng hàng không lớn thứ hai nước Anh, thậm chí còn quyết đoán hơn trong việc rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. Hồi tháng 7/2024, công ty này thông báo sẽ tạm dừng bay tuyến London-Thượng Hải vô thời hạn bắt đầu từ ngày 26/10.
Virgin Atlantic đã liên tục kinh doanh trên tuyến bay này trong 25 năm. Nó cũng bị đình chỉ trong thời gian dịch bệnh và chỉ hoạt động trở lại được hơn một năm kể từ tháng 5 năm ngoái.
Virgin Atlantic vào năm 2022 cũng tuyên bố họ sẽ dừng vĩnh viễn tuyến London-Hong Kong, đóng cửa văn phòng tại Hong Kong và chấm dứt hoạt động kinh doanh gần 30 năm ở thành phố này.
Ngoài ra còn có Qantas, hãng hàng không Australia đã đình chỉ tuyến Sydney-Thượng Hải từ ngày 28/7. Tuyến bay này mới chỉ hoạt động trở lại sau dịch bệnh cách đây 9 tháng.
Từ ngày 27/10, hãng hàng không Brunei Royal Airlines cũng sẽ tạm dừng các chuyến bay thẳng hai lần một tuần đến Bắc Kinh.
Hãng bay Mỹ Delta Airlines ban đầu cho biết sẽ nối lại tuyến khứ hồi Los Angeles-Thượng Hải vào mùa thu này, nhưng nay cũng đã hủy bỏ. Đối với các hãng hàng không Mỹ, chỉ có mỗi United Airlines còn bay thẳng đến thủ đô Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 3 Singapore Airlines đã đình chỉ các chuyến bay từ Singapore đến Trùng Khánh và Thành Đô vì không nhận được sự chấp thuận của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.
Nguyên nhân đằng sau là gì?
Lời giải thích của British Airways là lượng khách du lịch xuyên biên giới tới và đi từ Trung Quốc hiện đang giảm và hệ số kín ghế hành khách cũng giảm nên buộc hãng phải điều chỉnh.
Nói đơn giản là ngày càng có ít người Anh tới Trung Quốc và Trung Quốc sang Anh nên họ không kiếm được tiền.
Theo quan sát của một du khách: “Khi tôi bay sang Anh vào cuối tháng 3, trên máy bay có rất ít hành khách. Tôi có thể nằm dài trên hàng ghế. Khi bay trở lại Bắc Kinh vào cuối tháng 6, tôi thậm chí còn được nâng cấp khoang miễn phí. Quả thực có rất ít hành khách".
Ngoài British Airways, Virgin Atlantic, Qantas và nhiều hãng hàng không khác đều nhận định rằng sự phục hồi nhu cầu đi du lịch của người Trung Quốc chậm và không tốt như mong đợi.
Nhưng điều mâu thuẫn là, theo số liệu từ Cục Quản lý Di trú Quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, trên cả nước Trung Quốc có 287 triệu lượt người nhập cảnh và xuất cảnh, tăng 70,9%; trong đó có 137 triệu cư dân Trung Quốc đại lục, 121 triệu cư dân Hong Kong, Macao và 29,22 triệu người nước ngoài.
Thông tin này và tình trạng mà các hãng bay nước ngoài nêu rõ ràng có sự mẫu thuẫn. Nhưng gần đây ở Trung Quốc có rất nhiều tin tức về việc người dân phải nộp hộ chiếu, trong đó có nhân viên ngân hàng, bệnh viện, trường đại học...Trong khi ở một số nơi, thủ tục cấp hộ chiếu trở nên phức tạp hơn.
Hộ chiếu phải nộp, tình hình tài chính không còn khả quan như trước dường như khiến nhiều người không muốn du lịch nước ngoài.
Chiến sự và nguyên nhân khác
Có người cho rằng các hãng hàng không nước ngoài chỉ dừng các chuyến bay đến Trung Quốc và phân bổ lại năng lực cho các đường bay có lợi hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Ngoài ra còn có một số hãng hàng không dù chưa tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc nhưng đã âm thầm chuyển sang dùng loại máy bay nhỏ hơn, ít ghế hơn. Ví dụ, các tuyến bay của Emirates Airline đến Bắc Kinh và Thượng Hải đã ngừng hoàn toàn việc sử dụng máy bay cỡ lớn Airbus A380 và thay thế bằng những chiếc Boeing 777 nhỏ hơn đáng kể.
Đối với các hãng hàng không châu Âu, ngoài việc giảm lượng hành khách, còn một lý do quan trọng khác khiến các chuyến bay tới Trung Quốc tạm dừng: Nga đang đóng cửa không phận!
Từ tháng 2/2022, do hàng loạt phản ứng dây chuyền bởi xung đột Nga-Ukraine, Nga tuyên bố sẽ đóng cửa không phận đối với 36 quốc gia và khu vực bao gồm Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ và Canada.
Điều này đã khiến các hãng hàng không châu Âu bay đến Trung Quốc phải đi đường vòng, khiến thời gian bay dài hơn và chi phí nhiên liệu cũng tăng lên đáng kể.
Trung Quốc và Nga có mối quan hệ đặc biệt, các hãng hàng không Trung Quốc không cần phải bay tránh không phận Nga. Vì vậy họ bay từ Bắc Kinh tới London, thời gian bay ngắn hơn 2 giờ so với các hãng hàng không châu Âu, tức 9 giờ so với 11 giờ. Vì vậy các hãng hàng không châu Âu khó có thể cạnh tranh với các hãng hàng không Trung Quốc.
Ngoài ra, do thời gian bay dài hơn, các hãng hàng không châu Âu phải tăng số lượng cơ trưởng và phi hành đoàn theo ca, nếu không sẽ vi phạm luật lao động của nước họ.
Trên các tuyến Trung Quốc-Anh của British Airways và Virgin Atlantic, số lượng cơ trưởng đã tăng từ 3 lên 4 người, trong khi lương của cơ trưởng rất cao. Điều này càng làm tăng chi phí lao động của các hãng hàng không châu Âu.
Theo ước tính, chi phí tổng hợp của các hãng hàng không châu Âu bay từ Bắc Kinh đến London cao hơn từ 20 đến 30% so với các hãng hàng không Trung Quốc.
Việc đóng cửa không phận của Nga đã khiến chi phí chuyến bay tăng cao, một vấn đề chung mà các hãng hàng không châu Âu phải đối mặt. Giờ đây, British Airways và Virgin Atlantic cuối cùng không thể cầm cự được nữa và đã tạm dừng các đường bay đến Trung Quốc.
Các công ty hàng không châu Âu như Air France và KLM vẫn đang trong tình trạng chờ đợi, rất khó để nói trong tương lai liệu họ có đưa ra quyết định tương tự hay không.
Theo Hk01, NetEasy