Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 1/1/2021, truyền thông Nhật Bản đưa tin, có ít nhất 44 nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tham gia "Kế hoạch Ngàn người". Chính phủ Nhật Bản đã xem xét và tăng cường các quy định quản chế nhằm ngăn chặn các công nghệ kinh tế và an ninh chủ chốt bị “chảy máu chất xám” ra bên ngoài.
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 1 tháng 1 năm 2021 đưa tin, một số nhà nghiên cứu Nhật Bản tham gia "Kế hoạch Ngàn người" (Thousand Talents Plan) của Trung Quốc sau khi nhận được khoản kinh phí nghiên cứu cao ngất từ chính phủ Nhật Bản, đã đến các trường đại học Trung Quốc liên quan đến quân đội (PLA) để nghiên cứu.
Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các nhà nghiên cứu đã nhận tiền của chính phủ phải công khai các hoạt động liên quan của họ ở nước ngoài. Bài báo của Yomiuri Shimbun chỉ ra rằng 13 người trong số họ trong 10 năm qua đã nhận được từ chính phủ Nhật Bản khoản tổng kinh phí tài trợ nghiên cứu lên tới 4,5 tỷ yên (43.605.000 USD).
Ngày 13/9/2018, đoàn đại biểu Nhật sang Trung Quốc dự Giao lưu các nhà khoa học trẻ Nhật - Trung tới ĐSQ Trung Quốc tại Tokyo (Ảnh: THX). |
Trước đó, hãng tin Kyodo News ngày 20/10 cũng đưa tin rằng một người đàn ông Nhật Bản đang nghiên cứu khoa học cơ bản tại một trường đại học ở khu vực ven biển Trung Quốc đã bị chỉ trích trên mạng vì tham gia vào dự án nghiên cứu vũ khí của Trung Quốc và bị cư dân mạng Nhật Bản coi là gián điệp của Bắc Kinh. Sau đó người này nói rằng ông ta "bị buộc tội vô cớ và bị tổn thương, rất đau khổ về tinh thần".
Một học giả Nhật Bản khác đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Bắc Kinh nói rằng ông "thậm chí còn bị những người thân Nhật Bản coi là kẻ bán nước".
Cả hai người này đều phủ nhận họ hợp tác với dự án nghiên cứu quân sự của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng "tất cả các kết quả nghiên cứu đều được viết thành luận văn và công khai", đồng thời chỉ ra rằng "trong lĩnh vực nghiên cứu quân sự có tính bảo mật cao, việc thuê người nước ngoài không phải là điều tốt cho chính phủ Trung Quốc".
Hai học giả trên nhấn mạnh rằng "các cuộc thảo luận trên Internet mà không có cơ sở rõ ràng sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và chỉ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản".
Theo phân tích, ông Ganraimu Trưởng nhóm điều tra hệ thống thuế của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, đã đăng trên blog của mình rằng nhóm học thuật này đã hợp tác với Chương trình thu hút nhân tài mang tên “Kế hoạch Ngàn người” của Trung Quốc và kết quả nghiên cứu của họ có thể được người Trung Quốc sử dụng trong lĩnh vực quân sự.
Hãng thông tấn Kyodo bình luận rằng, với việc chính phủ Nhật Bản cắt giảm ngân sách dành cho nghiên cứu và số việc làm tại các trường đại học giảm, rất nhiều học giả Nhật đã tìm đường ra nước ngoài. Những phát biểu quan tâm lo lắng về sự suy giảm của nghiên cứu sinh khoa học Nhật Bản cũng rất mạnh mẽ, người ta phổ biến cho rằng "nghiên cứu cơ bản của Nhật Bản đang trong tình trạng khủng hoảng”.
Theo Đa Chiều, vào tháng 4 năm nay, chương trình “Kế hoạch Ngàn người” được triển khai từ lâu của Trung Quốc đột nhiên biến mất, thu hút sự chú ý của mọi người. Chương trình thu hút nhân tài cấp cao ở nước ngoài về nước làm việc có tên là “Kế hoạch Ngàn người” này, do Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan khác lập ra năm 2008. Chương trình này có kế hoạch tập trung tuyển chọn, nhập khẩu nhân tài cao cấp đang học tập và làm việc ở nước ngoài về Trung Quốc làm việc xoay quanh việc phục vụ cho mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia.
Một số học giả Trung Quốc từng tiết lộ rằng thuật ngữ “Kế hoạch Ngàn người” thực sự quá nhạy cảm. Để bảo vệ các nhà khoa học Trung Quốc, thuật ngữ "chuyên gia quốc gia mời" đã được sử dụng trong một số trường hợp để thay thế, nhưng đến nay, thuật ngữ này cũng đã biến mất.
Ông Lý Nguyên Triều, (nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Trưởng Ban Tổ chức TW), người khởi xướng “Kế hoạch ngàn người” tiếp các nhà khoa học nước ngoài tham gia dự án này (Ảnh: THX). |
Hồi tháng 5/2020, trang tin Đa Chiều từng chỉ ra trong bài báo “Kế hoạch Ngàn người của Trung Quốc lặng lẽ kết thúc dưới áp lực từ Mỹ”, cho rằng, không có nhiều điều để chỉ trích về “Kế hoạch Ngàn người”, việc thu hút những nhân tài xuất chúng về sử dụng trong nước là chính sách quốc gia phổ biến ở cấp độ quốc tế. “Kế hoạch Ngàn người” của Trung Quốc thể hiện thái độ phát triển cởi mở. Tuy nhiên, là quốc gia có lượng người nhập cư lớn nhất thế giới, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất hiện nay, phần lớn là do sự đổ về và đóng góp của nhân tài từ các quốc gia khác.
Bài viết của Đa Chiều khi đó nhận xét, do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng và sự đối đầu chiến lược gia tăng, đặc biệt là sự trỗi dậy của "chủ nghĩa bảo thủ" ở Mỹ, sự nghi ngờ và cảnh giác đối với Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, khiến tài năng và kiến thức vốn dĩ có thể tự do lưu thông khắp thế giới, giờ đây lại ngày càng gặp phải nhiều trở ngại mà thái độ của Mỹ đối với “Kế hoạch Ngàn người” của Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Sau Mỹ, có lẽ giờ đây đến lượt Nhật cũng có cách nhìn tương tự đối với “Kế hoạch Ngàn người” của Trung Quốc.