“Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy, đất nước sẽ biến mất,” bà Masako Mori nói trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo sau khi Nhật Bản vào ngày 28/2 công bố rằng số lượng trẻ em được sinh ra trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. “Chính những người đang trải qua quá trình biến mất này sẽ phải đối diện với tổn thất to lớn. Đó là thứ bệnh dịch đáng sợ gây ảnh hưởng tới những đứa trẻ đó.”
Năm ngoái, số lượng người chết cao gấp đôi so với số lượng trẻ em được sinh ra ở Nhật Bản. Con số cụ thể được đưa ra là: 800.000 trẻ em được sinh ra, trong khi số người chết là 1,58 triệu. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho trẻ em và các hộ gia đình để kiểm soát đà giảm tỷ lệ sinh đẻ hiện đang diễn ra nghiêm trọng hơn so với dự báo.
Dân số Nhật Bản đã giảm từ mức đỉnh 128 triệu trong năm 2008 xuống còn 124,6 triệu người, và tốc độ giảm này tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, tỷ lệ người dân trên độ tuổi 65 đã tăng hơn 29% trong năm ngoái. Mặc dù tỷ lệ sinh đẻ của Hàn Quốc thấp hơn, nhưng dân số Nhật Bản lại suy giảm nhanh hơn.
“Đáng ngại là tỷ lệ này không giảm từ từ, mà giảm rất nhanh,” bà Mori, một nhà lập pháp, cựu Bộ trưởng cố vấn cho ông Kishida về vấn đề tỷ lệ sinh đẻ, cho hay. “Đà giảm nhanh sẽ khiến cho những đứa trẻ sinh ra ở thời điểm hiện tại bị đẩy vào một xã hội bị thu hẹp, bóp méo và mất khả năng vận hành.”
Theo vị cố vấn, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản sẽ sụp đổ, sức mạnh công nghiệp và kinh tế suy giảm, và sẽ không có đủ người để tuyển mộ vào Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (SDF) để bảo vệ đất nước.
Mặc dù việc đảo ngược đà giảm tỷ lệ sinh đẻ hiện nay là điều cực kỳ khó khăn, do số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh con giảm mạnh, nhưng chính phủ cần phải làm mọi thứ có thể để làm chậm đà giảm này và giảm thiểu tác động của nó, theo bà Mori.
Thủ tướng Kishida hiện chưa công bố nội dung của kế hoạch ngân sách mới, nhưng tuyên bố rằng nó sẽ “khác biệt hẳn” so với các chính sách trước đây. Đến thời điểm hiện tại, ông đã đề cập tới một số chính sách về dân số như tăng trợ cấp trẻ em, cải thiện điều khoản về chăm sóc trẻ em và thay đổi thói quen làm việc.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng chi tiền cho các hộ gia đình có con nhỏ là chưa đủ để giải quyết vấn đề này. Biên bản được ủy ban về bình đẳng giới của chính phủ công bố cho hay, sự thay đổi toàn diện là điều cần thiết để đảo ngược tình trạng hiện nay, trong đó bao gồm giảm bớt gánh nặng với phụ nữ đang nuôi con và giúp họ dễ dàng tham gia vào lực lượng lao động sau khi sinh.
Bà Mori cho rằng sẽ là sai lầm khi tách biệt vấn đề tỷ lệ sinh đẻ giảm với vấn đề tài chính, thương mại và đặc biệt là nữ quyền.
“Nữ quyền và các chính sách về tỷ lệ sinh đẻ là giống nhau,” bà nói. “Nếu các bạn bóc tách chúng ra để giải quyết riêng biệt, điều đó sẽ không đem lại hiệu quả.”
Nhật Bản: Tăng tỷ lệ nữ trong lực lượng phòng vệ kể cả các vị trí chiến đấu
Trung Quốc sắp công bố chính sách 3 con, đối phó tình trạng già hóa dân số
Già hóa dân số, Việt Nam đang đối mặt với sa sút trí tuệ
Theo SCMP