Lực lượng hải quân đánh bộ hay thủy quân lục chiến phiên bản Nhật Bản là "quân đoàn cơ động đổ bộ", lực lượng phụ trách riêng việc đoạt lại đảo của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Ngày 7/4, quân đoàn này đã tổ chức lễ trao cờ và công khai diễn tập tại khu vực đóng quân Ainoura, thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã tham gia diễn tập.
Trong bối cảnh mối đe dọa quân sự Trung Quốc ngày càng gia tăng, quân đoàn cơ động đổ bộ Nhật Bản có triển vọng trở thành bộ phận then chốt của lực lượng phòng vệ các đảo trên hướng tây nam Nhật Bản.
Quân đoàn cơ động đổ bộ là lực lượng chuyên trách đoạt lại đảo của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Trung đoàn này được định vị là "lực lượng thủy quân lục chiến Nhật Bản", nhưng đang đối mặt với rất nhiều vấn đề trên các phương diện như ứng phó tình thế và khả năng vận tải.
Quân đoàn cơ động đổ bộ mới thành lập có 2.100 quân, bao gồm 2 liên đội cơ động, 1 đại đội chiến đấu đổ bộ và 1 đại đội chi viện phía sau. Trong tương lai, lực lượng này sẽ mở rộng lên quy mô 3.000 quân, trong đó 1 liên đội bố trí ở Okinawa.
Các đảo hướng tây nam do quân đoàn cơ động đổ bộ bảo vệ có phạm vi rộng lớn, từ quần đảo Osumi của tỉnh Kagoshima đến đảo Yonaguni của tỉnh Okinawa, tổng cộng dài khoảng 1.200 km, tương xứng với đảo Honshu Nhật Bản.
Tuy nhiên, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hoàn toàn không triển khai lực lượng chiến đấu chủ lực ở các đảo trên hướng tây nam. Từ trước đến nay, các đảo trên hướng tây nam là "vùng trống phòng vệ". Trung Quốc hầu như đã lợi dụng sơ hở này, gia tăng hoạt động tới tấp ở vùng biển, vùng trời xung quanh các đảo hướng tây nam.
Nếu các đảo nhỏ bị chiếm đóng, quân đoàn cơ động đổ bộ sẽ phát huy vai trò của lực lượng tiên phong trong chiến đấu đoạt lại đảo nhỏ, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Là máy bay vận tải chủ yếu của quân đoàn cơ động đổ bộ, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch mua sắm 17 máy bay vận tải cánh xoay Osprey của Mỹ để triển khai ở sân bay Saga. Sân bay Saga cách khu vực đóng quân Ainoura khoảng 60 km, cự ly khá gần, khi có tình huống xảy ra thì có thể tiến hành ứng phó nhanh chóng.
Nhưng tháng 2/2018 đã xảy ra sự cố máy bay trực thăng của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản rơi vào nhà dân tại tỉnh Saga, khiến cho kế hoạch gặp khó khăn.
Vì thế, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định, sẽ tạm thời triển khai 5 máy bay vận tải Osprey (nhận trước vào mua thu năm nay) tại khu vực đóng quân Kisarazu của quân đội Mỹ.
Kisarazu cách Ainoura khoảng 1.000 km, so với Saga phải mất hơn 2 giờ đồng hồ. Điều này sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng việc triển khai hoạt động của lực lượng.
Khi tác chiến đổ bộ, Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng tàu đổ bộ vận chuyển xe đổ bộ và xe bọc thép, nhưng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không có tàu đổ bộ nào. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ cải tiến 3 tàu vận tải lớp Osumi của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản để đáp ứng, nhưng điều không thể phủ định là khả năng vận tải đang hạn chế.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vốn có kế hoạch triển khai 36 xe chiến đấu đổ bộ AAV-7 khi thành lập quân đoàn cơ động đổ bộ, nhưng do sự chậm trễ từ cơ sở sản xuất tại Mỹ, hiện chỉ triển khai được 12 chiếc.
AAV-7 vốn là "đồ cổ" được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước, tốc độ chạy trên nước khá chậm, chỉ 13 km/giờ. Cho nên nó vấp phải nhiều chỉ trích trong nội bộ Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, cho rằng nó chắc chắn sẽ bị kẻ thù bắn trúng.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thúc đẩy nghiên cứu công nghệ của xe đổ bộ, mục tiêu là tiến hành nội địa hóa.
Về “phầm mềm” cũng có vấn đề. Trên phương diện đoạt lại đảo, tàu hộ vệ tiến hành pháo kích và máy bay chiến đấu tiến hành chi viện đường không là những công việc không thể thiếu. Điều này yêu cầu 3 quân chủng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản phải tiến hành hợp tác chặt chẽ, nhưng việc khắc phục hoàn toàn những tồn tại còn phải tiếp tục nỗ lực. Tư lệnh quân đoàn cơ động đổ bộ Aoki Shinichi thừa nhận "năng lực hiện nay còn chưa hoàn thiện".
Thủy quân lục chiến là một lực lượng mang tính tấn công và bị Hiến pháp Nhật Bản cấm đoán. Nhưng với mối đe dọa hiện thực hiện nay, chính sách phòng vệ của Nhật Bản gặp khó khăn. Việc thành lập quân đoàn cơ động đổ bộ cho thấy Nhật Bản đang có ý chí mạnh mẽ trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình.