Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 29/10 cho hay mặc dù Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang gặp khó khăn trong việc thân tín (bạn thân Choi Soon-il) bị tình nghi can thiệp vào chính trị, nhưng Hàn Quốc không hề để cho các bước thúc đẩy hợp tác quân sự, an ninh ba bên với Nhật Bản, Mỹ bị chậm lại.
Ngày 27/10, Chính phủ hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố, quyết định tái khởi động đàm phán về Hiệp định chia sẻ tình báo quân sự nhằm chia sẻ tin tức tình báo cơ mật trên lĩnh vực an ninh.
Cùng ngày, tại Thủ đô Tokyo Nhật Bản, ba nước Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức hội đàm cấp Thứ trưởng, đồng ý tăng cường gây sức ép đối với Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sungnam cho biết quyết định tái khởi động đàm phán chia sẻ tin tức tình báo là để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa "chưa từng có" của Triều Tiên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama nhấn mạnh, cần "đưa ra phản ứng khác với trước đây" đối với Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ không cho phép Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngày 27/10 tại Washington, người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Gary Ross cho biết Mỹ hoan nghênh Hàn Quốc và Nhật Bản khôi phục đàm phán Hiệp định bảo vệ tình báo quân sự, điều này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai đồng minh thân cận này của Mỹ tại Đông Bắc Á.
Hãng tin Kyodo, Nhật Bản cho hay cuộc đàm phán nhanh nhất có thể tái khởi động vào tháng 11/2016, hai nước sẽ tranh thủ ký kết hiệp định trong năm nay.
Tháng 12/2014, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ký kết thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo ba bên. Hàn Quốc và Nhật Bản có thể thông qua Mỹ trao đổi tin tức tình báo về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Cục trưởng Cục Chính sách Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Ryu Jae-seung cho rằng trong tình hình mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tăng lớn, nếu Hàn Quốc và Nhật Bản trực tiếp tiến hành chia sẻ tin tức tình báo thì có thể tăng độ tin cậy của tin tức tình báo, đồng thời có được tin tức tình báo mà hai bên chưa nắm chắc.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng có thể tận dụng đầy đủ tin tức tình báo được Nhật Bản thu thập từ vệ tinh, radar mặt đất tính năng cao, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra trên biển để lấp "khoảng trống". Nhật Bản có thể nhận được tin tức tình báo mà Hàn Quốc nghe lén từ Triều Tiên.
Ngay từ hơn 4 năm trước, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chuẩn bị ký kết Hiệp định chia sẻ tình báo quân sự, nhưng khi đó Chính phủ Lee Myung-bak của Hàn Quốc bị dư luận chỉ trích là "làm việc mờ ám", cộng với hợp tác quân sự Hàn-Nhật có tính nhạy cảm cao ở Hàn Quốc, dẫn tới sự phản đối, cuối cùng đã không thành công.
Trong khi đó, Mỹ luôn đứng sau thuyết phục Hàn Quốc và Nhật Bản nhanh chóng ký kết hiệp định để thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.
Tháng 12/2015, Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề "nô lệ tình dục", đã loại bỏ một trở ngại lớn để hai nước tăng cường hợp tác an ninh song phương và ba bên.
Sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1/2016, Chính phủ Park Geun-hye Hàn Quốc có ý định tái khởi động các cuộc đàm phán, cho biết "sẽ xem xét sự thay đổi của tình hình dư luận để tiến hành thúc đẩy".
Tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc ngày 28/10 cho hay sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ năm vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc quyết định ký kết hiệp định này. Mặc dù vậy, sự phản ứng từ trong nước ở Hàn Quốc vẫn là một nhân tố khó lường, vẫn có thể ảnh hưởng đến việc ký kết hiệp định.
Hiện nay, điều đáng lưu ý là vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-il bị tình nghi can thiệp công việc chính trị đã khiến cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói có khả năng đệ đơn từ chức. Đến ngày 29/10, một cuộc biểu tình quy mô lớn ở Thủ đô Hàn Quốc cũng đã được tổ chức, yêu cầu bà Park Geun-hye phải từ chức.