Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 24/8 dẫn nhiều tờ báo Nhật Bản ngày 19/8 cho biết kế hoạch ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017 do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra có tổng kim ngạch lên đến 5.168,5 tỷ yên, liên tục trong 2 năm vượt con số 5.000 tỷ yên, đồng thời tiếp tục lập kỷ lục mới trong lịch sử.
Chuyên gia vấn đề Nhật Bản của Trung Quốc là Lưu Hoa cho rằng mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2017 của Nhật Bản sẽ lập kỷ lục lịch sử, điều này đã phản ánh quyết tâm tăng cường quân bị và tăng cường xây dựng quân sự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Mặt khác, mức tăng này cũng cho thấy ông Shinzo Abe đã có nguồn lực chính trị tương đối lớn ở trong nước, trong tình hình tài chính tổng thể rất khó khăn, vẫn có thể dành nguồn lực chủ yếu cho chi tiêu quân sự.
Đài truyền hình CCTV Trung Quốc cho rằng gần 20 năm qua xu thế ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho thấy chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong thập niên 1970 duy trì tăng trưởng cao, nhưng từ năm tài khóa 2002 liên tục giảm trong 10 năm.
Sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông đã làm xoay chuyển xu thế giảm đi của chi tiêu quốc phòng, làm cho sức mạnh quân sự của Nhật Bản phát triển trở lại theo hướng tăng trưởng. Trong 3 năm từ năm tài khóa 2013 - 2015, mức tăng chi tiêu quân sự của Nhật Bản lần lượt khoảng 0,8%, 2,8% và 2,0%.
Trong ngân sách năm tài khóa 2016, chi tiêu quân sự của Nhật Bản lần đầu tiên vượt con số 5.000 tỷ yên, đạt 5.054,1 tỷ yên. Theo số liệu công bố ngày 15/8 của Chính phủ Nhật Bản, GDP quý 2 của Nhật Bản chỉ tăng 0,05%, tăng 0,2% tính theo tỷ lệ năm, thấp hơn dự kiến.
Nhiều nhà kinh tế học dự đoán kinh tế Nhật Bản quý 3 cũng khó khởi sắc, mức tăng sẽ không đến 1%, tăng trưởng thiếu lực, trong bối cảnh kinh tế nợ nần chồng chất như vậy, ông Shinzo Abe lại không hề tiết kiệm trong phát triển sức mạnh quân sự.
Từ kế hoạch ngân sách quốc phòng trên 5.000 tỷ yên có thể phát hiện, Nhật Bản đang cấp bách phát triển các biện pháp phi đối xứng, xây dựng khả năng răn đe, đặc biệt là có ý đồ rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.
Hai lĩnh vực lớn thể hiện rõ nhất ý tưởng tác chiến phi đối xứng của Nhật Bản là phòng thủ tên lửa và phong tỏa chuỗi đảo.
Hãng tin Jiji Press Nhật Bản tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu từ năm 2017 tiến hành nâng cấp đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3 hiện có, tăng tầm bắn của đạn đánh chặn lên gấp đôi khoảng 30 km, nguồn tài chính bỏ ra là 105,6 tỷ yên.
Ngoài ra, Nhật Bản còn có kế hoạch bắt đầu từ năm 2017 mua tên lửa đánh chặn SM-3 phiên bản mới nhất cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, chi phí 14,7 tỷ USD. Tên lửa SM-3 phiên bản mới nhất do hai nước Mỹ và Nhật Bản cùng nghiên cứu chế tạo, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao hơn.
Tên lửa Patriot triển khai trên mặt đất và tên lửa SM-3 triển khai trên biển là nòng cốt của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Nhật Bản.
Có thể nói, bắt đầu từ năm 2017, Nhật Bản sẽ tiến hành nâng cấp toàn diện đối với hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Trên hướng biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đầu tư 74,6 tỷ yên để triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đến các đảo tây nam và bắt tay nghiên cứu chế tạo tên lửa chống hạm mới.
Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản cho rằng tên lửa chống hạm mới là phiên bản cải tiến của tên lửa SSM-2 hiện có của Lực lượng Phòng vệ, tầm bắn sẽ từ 200 km tăng lên đến 300 km, mục tiêu đối phó chủ yếu là đảo Senkaku và eo biển Miyako.
Chuyên gia vấn đề Nhật Bản của Trung Quốc là Lưu Hoa cho rằng từ khi lên cầm quyền đến nay chính quyền ông Shinzo Abe đã làm thay đổi tình hình liên tục giảm ngân sách quốc phòng 10 năm qua.
Mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2017 lập kỷ lục lịch sử. Điều này đã phản ánh quyết tâm tăng cường quân bị và tăng cường xây dựng quân sự rõ rệt của ông Shinzo Abe, mặt khác cũng cho thấy ông Shinzo Abe có nguồn lực chính trị tương đối lớn, trong tình hình tài chính tổng thể rất khó khăn, vẫn có thể dành nguồn lực chủ yếu cho chi tiêu quân sự.
Có thể dự đoán, trong bối cảnh cầm quyền lâu dài của ông Shinzo Abe, ngân sách chi tiêu quân sự trong tương lai của Nhật Bản sẽ còn tăng trưởng với mức tăng tương đối lớn.
"Về trọng điểm đầu tư chi tiêu quân sự của Nhật Bản, điều đáng chú ý là Nhật Bản đang tập trung phát triển trang bị tác chiến phi đối xứng, chẳng hạn tên lửa chống hạm và vũ khí tấn công tầm xa" - Lưu Hoa nói.
Lưu Hoa cho rằng, ở Nhật Bản có một quan điểm cho rằng Nhật Bản không chỉ cần sở hữu tên lửa chống hạm 300 km, mà còn cần nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình thậm chí tên lửa đạn đạo.
Vài năm trước, Mỹ đã cho phép Hàn Quốc mở rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo lên 800 km.
Do Nhật Bản có cơ sở sản xuất rocket và tên lửa đạn đạo tương đối hoàn thiện, nếu trong tương lai Mỹ thực hiện chính sách tương tự với Nhật Bản, thì Nhật Bản có thể phát triển được tên lửa đạn đạo có tầm bắn 800 km trở xuống trong thời gian ngắn.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của chi tiêu quân sự Nhật Bản, các trang bị chiến đấu chủ lực của họ cũng chắc chắn sẽ có một đợt nâng cấp mới.