Bộ trưởng Tài chính Australia - Joe Hockey cũng khẳng định nhà băng này mang lại "rất nhiều giá trị". Theo Sydney Morning Herald, Australia có thể chính thức quyết định nộp đơn gia nhập khi nội các họp đầy đủ vào tuần sau.
Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc đều là các đồng minh lớn của Mỹ, nhưng chưa gia nhập AIIB. Mỹ luôn tỏ ra lo ngại về quyền lực chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc và liệu AIIB có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về quản trị hay không.
Tuy nhiên, sau khi đầu tháng này, Anh tuyên bố sẽ gia nhập AIIB, các thành viên khác trong EU như Pháp và Đức cũng nối gót. Australia dường như đã tiến gần việc gia nhập, dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Hàn Quốc cũng có thể là cái tên tiếp theo.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - Taro Aso hôm nay cho biết có thể cân nhắc gia nhập AIIB nếu nhà băng này đảm bảo cơ chế cấp vốn đáng tin cậy. "Chúng tôi đã đề nghị họ đảm bảo sự bền vững của các khoản vay khi cân nhắc ảnh hưởng của chúng lên môi trường và xã hội. Nhật Bản có thể cân nhắc tham gia nếu các vấn đề này được đảm bảo. Có khả năng chúng tôi sẽ bàn bạc về việc này. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được lời hồi đáp nào cả", ông nói.
Bình luận này của Nhật Bản được đánh giá khá bất ngờ. Vì dù có quan hệ kinh tế - thương mại sâu sắc, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ và ảnh hưởng trên khắp châu Á.
AIIB có thể là đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - tổ chức tài chính do Nhật Bản và Mỹ thống trị. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) – ông Haruhiko Kuroda là cựu Chủ tịch ADB. Ông tỏ ra khá thận trọng khi được hỏi về AIIB. "Nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng tại châu Á rất lớn. Nhưng World Bank và ADB cũng đã giúp đỡ các nước đang phát triển tại châu Á trong suốt 50 năm qua. Họ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm", ông cho biết trong buổi hội thảo hôm nay.
Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey thì cho biết quyết định chính thức về sự tham gia của Australia vẫn chưa được đưa ra. Nhưng vấn đề này đang được cân nhắc kỹ càng.
"Hơn 30 nước đã đăng ký rồi. Ngân hàng này sẽ hoạt động tại khu vực của chúng tôi đấy. Tổ chức này có rất nhiều giá trị. Nhưng chúng tôi muốn chắc chắn họ có quy trình quản trị đúng đắn. Tức là phải minh bạch, không quốc gia nào được kiểm soát AIIB", ông cho biết trong một chương trình phát thanh tại Brisbane. Sydney Morning Herald cho biết Australia có thể đầu tư 3 tỷ đôla Australia (2,3 tỷ USD) vào AIIB.
Còn giới chức Hàn Quốc thì bác bỏ thông tin rằng họ quyết định gia nhập AIIB để đổi lấy 5% cổ phần trong này và vị trí phó giám đốc. Trong một thông báo, Bộ Tài chính nước này cho biết Hàn Quốc sẽ quyết định có gia nhập hay không "thông qua bàn bạc với các nước lớn và cân nhắc nhiều yếu tố, như lợi ích kinh tế".
Theo Vnexpress