Thay vì tự đào tạo, leo dần các thứ bậc của các giải đấu, người Hà tĩnh lại chọn cách mua “giống ngắn ngày” để có ngay đội bóng chuyên nghiệp. Đầu năm, Hà Tĩnh đàm phán với Công ty cổ phần thể thao T&T chuyển giao Hà Nội B về mảnh đất miền Trung, với cái tên gọi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Mọi việc xảy ra chóng vánh đến mức Hà Tĩnh cũng không kịp tu bổ sân, giai đoạn đầu đội phải mượn sân Vinh để thi đấu.
Chiến lược đi tắt
Nhưng dưới sân, các cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vốn là đội trẻ của Hà Nội FC, tập luyện và thi đấu nhiều năm với nhau, tỏ rõ ưu thế vượt trội ở sân chơi hạng Nhất. Mùa giải năm ngoái họ từng vào chơi trận play-off với Nam Định để tranh suất lên hạng V.League và chỉ chịu thua bằng sút 11m luân lưu.
Khi về Hà Tĩnh, được đầu tư chốn ăn ở khang trang, xe ô-tô mới đẹp, lương thưởng ổn định thì Tuấn Hải, Việt Anh và các cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh càng phát huy được khả năng chuyên môn so với các đội hạng Nhất khác.
Đằng sau chức vô địch là nỗi lo. Ảnh SLFC.
|
Các học trò của HLV Phạm Minh Đức đã chiếm ưu thế phần lớn các trận đấu của mùa giải. Họ đã sớm vô địch trước 2 vòng đấu, khi thắng 17, hòa 1, thua 3 được 53 điểm hơn đội Phố Hiến đứng nhì tới 13 điểm, vô địch sớm 2 vòng đấu. Hàng công ghi được 50 bàn thắng, hàng thủ chỉ để thủng lưới 15 bàn, thuộc diện tốt nhất hạng Nhất.
Nói không quá, kể cả 11 đội hạng Nhất còn lại lập đội tuyển cũng khó lòng thắng được Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bởi trong đội hình đội bóng này có khá nhiều khuôn mặt đáng giá. Đáng kể nhất là 2 tuyển thủ U22, tiền đạo Tuấn Hải, hậu vệ Việt Anh.
Nhưng khán giả Hà Tĩnh lại không mấy mặn mà với “Hồng Lĩnh - Hà Nội” bởi trong đội bóng chỉ có 2 cầu thủ gốc Nghệ nhưng chủ yếu đá dự bị. Đó là tiền vệ trung tâm Trần Đức Trung và hậu vệ Bá Hoàng.
Vấn đề bản sắc
Một cổ đông viên có nick Chương “bẹp” chia sẻ: “Người dân Hà Tĩnh thờ ơ trong ngày đội nhà vô địch. Sau 40 năm kể từ ngày tách tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh thì đội bóng Hà Tĩnh mới lên sân chơi cao nhất. Những tưởng 4 khán đài sẽ chật kín trong ngày lịch sử, nhưng buồn thay lại không mấy ai quan tâm đến việc Hà Tĩnh vô địch, khán đài trống vắng đến lạ.Còn nhớ cách đây ít tháng, khi SLNA sang đá giao hữu thì khán giả lại lèn kín sân. Vì sao thế?”.
Chuẩn bị cho V.League mùa sau, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phải thay máu phân nửa đội hình. Ảnh HTFC
|
Dân Hà Tĩnh là thế, nhiệt tình và hâm mộ bóng đá vô cùng, nếu đó là đội bóng của quê hương, không nhiều thì ít những cầu thủ đá sân phải là con em quê nhà. Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang đối diện với những khó khăn như Sài Gòn gặp phải trong thời gian đầu, vấn đề bản sắc.
Dân Hà Tĩnh lâu này có thể đến chật kín sân huyện để xem giải đấu giao hữu, giải nhi đồng nhưng lại thờ ơ với ngày đăng quang của “Hồng Lĩnh - Hà Nội” sẽ khiến cho các nhà làm thể thao Hà Tĩnh suy nghĩ.
Được biết, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có 30 cầu thủ thì 16 cầu thủ thuộc diện chuyển giao hẳn, 10 người còn lại là năng khiếu của lò đào tạo trẻ Hà Nội (trực thuộc T&T) cho mượn ở dạng biệt phái có thời hạn. Ngoài ra, còn có 4 cầu thủ được bóng đá Hà Tĩnh chuyển nhượng từ các đội chuyên nghiệp và hạng nhất.
Như thế, chuẩn bị cho V.League mùa sau, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phải thay máu phân nửa đội hình. Rõ ràng, giữa giải hạng Nhất và V.League có khoảng cách khá xa, các tân binh luôn lao đao trụ hạng khi bước sang sân chơi mới.
Viettel là một ví dụ điển hình, mang tiếng là “thiếu gia” có khá nhiều tuyển thủ quốc gia Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Minh Tuấn, Tiến Dũng, Việt Phong hay cùng các tuyển U22 như Hoàng Đức, Trọng Đại mà vẫn trầy trật đá trụ hạng.
Làm thế nào để sân Hà Tĩnh, sau khi mất hàng chục tỷ đồng tu bổ đầy ắp khán giả thì ngoài thành tích, vấn đề bản sắc đội bóng cũng phải được đặt lên hàng đầu. Đội bóng cần phải có chất địa phương, có “màu cờ sắc áo” chứ không đơn thuần chỉ là CLB đóng quân ở Hà Tĩnh. Nếu không “Hồng Lĩnh-Hà Nội” cũng chỉ là cuộc chơi của những người có tiền!