Người Thổ Syria tiếc về cái chết của phi công Su-24, chờ Nga giúp đỡ

Người Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria lấy làm tiếc về cái chết của viên phi công Nga trên đất quê họ và hy vọng vào sự giúp đỡ của Nga trong việc duy trì hòa bình cũng như trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng cứu trợ của Nga tới Syria
Hàng cứu trợ của Nga tới Syria

Đó là thông báo của trưởng lão Mustafa Kafi đứng đầu chính quyền khu dân cư Al-Aisauie của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu dân cư này nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 20 km, đã được cung cấp khoảng 5 tấn hàng viện trợ nhân đạo của Nga-Syria và ở đây cũng mở cửa một trạm y tế dã chiến.

"Tôi cảm tạ Liên bang Nga về sự cứu giúp mà chúng tôi được nhận, và cảm tạ về sự thật Nga đang đem hòa bình tới cho toàn thế giới. Chúng tôi từng luôn sống lặng lẽ và yên bình trong quan hệ láng giềng thân thiện với tất cả các dân tộc xung quanh. Toàn thể chúng tôi là người Thổ, nhưng chúng tôi là dân Syria và chúng tôi muốn được tiếp tục sống trong thanh bình và hòa hợp. Chúng tôi chống lại sự hiếu chiến của Erdogan và không muốn giúp ông ta, đó là con người rất xấu xa",  trưởng lão Kafi nói.

Trong khi đó, gạt sang một bên những mâu thuẫn và bất đồng, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư - vấn đề đã và đang khiến cả châu Âu nhức nhối cho dù đã có nhiều cố gắng trong suốt thời gian qua.

Tháng 11 năm ngoái, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận về việc EU hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Ankara sẽ giúp ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện, thỏa thuận trên vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do hai bên vẫn còn nhiều bất đồng.

Điều kiện EU đưa ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ khá rõ ràng: siết chặt tuần tra biên giới, tăng cường hợp tác với nhà chức trách Hy Lạp và Bulgaria; thắt chặt hạn chế visa đối với những công dân từ Pakistan hay Bangladesh qua Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách đến châu Âu; cải thiện chỗ ở cho những người Syria không ở trong các trại tị nạn, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường lao động cho họ và tạo điều kiện để con em họ được đến trường.

Tuy nhiên, dường như khoản cam kết 3 tỷ euro mà EU hứa viện trợ cho Ankara vẫn chưa đủ, nếu không muốn nói là quá ít. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ trích châu Âu chưa làm tròn trách nhiệm của họ khi tiếp nhận quá ít người nhập cư và bỏ mặc Thổ Nhĩ Kỳ với gánh nặng này.

Ông Erdogan cũng nhiều lần dọa sẽ đẩy thêm người nhập cư tới châu Âu nếu yêu cầu của Ankara không được đáp ứng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh về con số người nhập cư mà họ đã tiếp nhận tới nay: khoảng 2,5 triệu người chính thức đăng ký nhập cư, trong đó khoảng 1/10 sống trong các trại tị nạn.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần cho rằng tại sao họ lại phải gánh những phần thiệt hại hơn so với các nước khác trong cuộc khủng hoảng người di cư.Trên thực tế, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ luôn tỏ ra mâu thuẫn. Trong khi khả năng tiếp nhận người di cư là có hạn, song Ankara vẫn mở rộng cửa biên giới cho những người Syria trốn chạy chiến tranh.

Họ dung túng cho những người tị nạn tìm cách vượt biển sang Hy Lạp để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nước Bắc Âu giàu có. Hơn nữa, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với EU để giúp kiểm soát dòng người nhập cư bất hợp pháp, các nhóm buôn người vẫn hoạt động nhộn nhịp và công khai ở Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có bàn tay thao túng của các tổ chức tội phạm mafia.

Theo Sputnik/AP