Nguyên nhân chính nằm ở chỗ, Ankara xem chế độ ông Assad và lực lượng người Kurd ở Syria là kẻ thù. Dù chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng sẽ không đơn phương mở cuộc tấn công vào Syria, nhưng chiến dịch pháo kích cùng các cuộc đụng độ liên tiếp trên tuyến biên giới, khiến nhiều người nghi ngờ, nhất là trong bối cảnh Aleppo sắp rơi vào tay quân đội Syria.
Giới phân tích Nga nhìn nhận, nguy cơ Ankara trực tiếp can dự quân sự ở nước láng giềng đang ngày một lớn và họ đưa ra một số kịch bản sau:
1. Tấn công quy mô lớn
Liên tiếp trong 3 ngày từ 13-15/2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền bắc tỉnh Latakia, một hành động mà Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz nói là để tự vệ. Cũng trong khoảng thời gian này, hàng trăm tay súng thuộc các nhóm cực đoan tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới sang phía bắc Aleppo.
Bộ Ngoại giao Syria ngay lập tức cao buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã có hành động xâm lược lãnh thổ, điều mà Ankara nói là không hề có một kế hoạch như vậy. Thế nhưng giới quan sát Nga thì nghi ngờ.
Yevgeny Satanovsky, Giám đốc Viện nghiên cứ Trung Đông có trụ sở ở Moskva cho rằng, nếu có nước nào mở một chiến dịch quân sự trên bộ ở Syria thì chắc chắn đó sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ và hành động “xâm chiếm” này sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh du kích ác liệt.
2. Tấn công có giới hạn
Anatoly Tsyganok, Giám đốc Trung tâm Dự báo Quân sự và là thành viên của Viện Khoa học quân sự Liên bang nhìn nhận, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phát động một cuộc tiến công trên bộ có giới hạn ở phía bắc Aleppo.
Mục tiêu chính yếu là để kiểm soát “vùng an toàn” dọc biên giới với Syria – một khái niệm mà Ankara và Washington cùng tuyên bố hồi mùa hè năm 2015.
“Họ muốn duy trì cái gọi là ‘vùng an toàn’- một khu vực với chiều sâu 10km tính từ đường biên giới, bằng bất cứ giá nào. Họ muốn hỗ trợ người Turkmen. Người Kurd cũng hiện diện tại khu vực có người Turkmen sinh sống”, ông Tsyganok nhận định.
Thế nhưng cũng như trong kịch bản tấn công quy mô, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp thử thách lớn, nhất là tính pháp lý. Stanislav Ivanov, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga nói rằng, Ankara khi đó sẽ phải giải thích với không chỉ Damascus, Moskva, mà còn với cả Washington và Brussels.
Một chiến dịch trên bộ chỉ khả dĩ nếu có một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, hoặc một quyết định do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra – cả hai giả thuyết đều rất “yếu” tính đến thời điểm hiện nay. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ khi đó sẽ phải sử dụng đến vấn đề “làn sóng người di cư Syria” làm cớ phát động can dự.
Ngoài ra, Ankara cũng có thể vin vào cái gọi là “Dự luật Quốc gia” để hậu thuẫn cho hành động quân sự. Tài liệu có từ năm 1920 này xác định tỉnh Aleppo là một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Pháo kích, đánh chiếm vùng biên
Vladimir Yevseyev, Giám đốc Ban Hội nhập Á-Âu tại Viện Nghiên cứu chính sách ở Moskva, cho rằng việc tấn công tổng lực nhằm vào Syria ít có khả năng xảy ra. Thay vào đó, Ankara thiên về các đòn đánh nhằm vào khu vực giáp biên, mở các chiến dịch đặc biệt trên phần đất Syria.
Theo ông, Ankara toan tính đánh bật người Kurd khỏi các khu vực ở Afrin và Kobane, chiếm giữ một số làng mạc gần biên giới trong phạm vi 20km, nằm trong tầm bắn hiệu quả của pháo binh. Khó khăn nằm ở chỗ, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều chọn lựa chiến lược, bởi bất kì động thái động binh nào trên lãnh thổ Syria sẽ đều bị người Kurd, quân đội Syria và kể cả máy bay Nga đáp trả.
Theo RBTH, Tin tức