Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt tại nhà khách Chính phủ chiều nay để hội đàm với "người bạn và người đồng nhiệm" Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Kerry xuất hiện với dáng bộ sức khỏe không tốt, tay phải chống gậy để đảm bảo sự vững chắc. Nhưng sự nhiệt huyết, thần thái hào hứng hiện rõ trên khuôn mặt khi ông gặp lại Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chào đón Ngoại trưởng John Kerry bằng những cái bắt tay thân mật. Nhà khách Chính phủ là địa điểm lịch sử nơi diễn ra các cuộc đàm phán và ký kết tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước cách đây 20 năm.
"Tôi chắc hẳn ngài biết rất rõ tòa nhà này. Cũng tại nơi này, cách đây hơn 20 năm, ngài đã từng nhiều lần tới đây làm việc, trao đổi cùng với các cộng sự Mỹ và đồng nghiệp Việt Nam, cũng là những bậc tiền bối của tôi, vượt qua nhiều trở ngại, trăn trở và dò dẫm từng bước đi để đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
20 năm qua, tòa nhà này vẫn vậy, nhưng quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Và tôi chắc hẳn ngài và tất cả chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về điều đó" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry.
Sau hơn 1 giờ hội đàm chiều nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry đã có cuộc gặp báo chí VN và quốc tế trao đổi nội dung hai bên đề cập.
Chia sẻ lợi ích nhiều lĩnh vực
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hai bênđã trao đổi những biện pháp cụ thể, không chỉ thúc đẩy làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước mà còn tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hai bên cũng trao đổi các vấn đề hợp tác song phương như kinh tế, đầu tư để Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 vào VN; giải quyết hậu quả chiến tranh và giao lưu nhân dân; các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, vai trò của các thể chế khu vực để đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và ở Biển đông; sớm thoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
"Hai nước chúng ta đang chia sẻ nhiều lợi ích trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, cũng như chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Phó Thủ tướng khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ và nhân dân VN, và cơ hội được gặp những người lãnh đạo đã là một phần của cuộc chuyển đổi trong quan hệ hai nước - quá trình bình thường hóa quan hệ.
Trung Quốc cần dừng mở rộng đảo
Trả lời câu hỏi của TTXVN sau đó về triển vọng của TPP sau khi chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng ở Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ trong hội đàm hai bên cũng đã thảo luận những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến VN.
"Các nước khác cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề của họ trong những ngày tới. Hy vọng TPP sẽ hoàn tất trước cuối năm nay. Chúng ta hãy tập trung suy nghĩ rằng TPP là cơ hội để nâng cao tiêu chuẩn kinh doanh toàn cầu về lao động, môi trường..., qua đó thúc đẩy thương mại toàn cầu", ông Kerry nói.
"Chúng tôi cũng trao đổi về hợp tác an ninh, đặc biệt về an ninh biển. Tại hội nghị ASEAN vừa rồi, một số bên đã đồng ý dừng mở rộng và cải tạo các đảo đã chiếm đóng ở Biển Đông, đây là những diễn biến tích cực. Mỹ cũng đã thúc giục TQ tham gia", ông Kerry nói.
Trả lời New York Times về những lĩnh vực hợp tác tiềm năng về an ninh quốc phòng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định "vấn đề duy nhất còn lại là Mỹ chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN".
"Mong Mỹ sớm xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm này để hai nước tăng cường hợp tác cả song phương và đa phương, vì VN hoan nghênh Mỹ tham gia đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Minh nói.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết hôm nay hai nước VN - Mỹ cũng đang làm việc để thúc đẩy an ninh khu vực. Mỹ chào đón VN tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. Chúng tôi cũng bàn về biến đối khí hậu, vấn đề mà Tổng thống Obama rất quan tâm. Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ VN trong việc nâng cao khả năng thích nghi, phát triển năng lượng sạch. VN là một trong những nước dễ tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu".
Về giáo dục, ông Kerry nhắc đến ĐH Fulbright VN một cách hào hứng: "VN có dân số trẻ, giáo dục càng tốt thì VN càng phát triển thịnh vượng. Mỹ muốn làm đối tác học thuật với VN".
Báo VietNamNet đề nghị hai ông cho biết những bước đi cụ thể để biến ý tưởng mà bản thân ông Kerry rất tâm đắc này sớm thành hiện thực.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng có giấy phép là việc quan trọng nhất: "ĐH Fulbright không phải là để so sánh với các trường ở VN, mà để so sánh với các ĐH lớn trên thế giới, sẽ là ĐH tầm quốc tế, gắn bó với ĐH Harvard, thúc đẩy giáo dục tự quản, tự do học thuật, sinh viên có thể học tiếp ở nước ngoài, có các học bổng để sinh viên không giàu cũng học đươc, chỉ cần có ước vọng".
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thì khẳng định hợp tác giáo dục là nhu cầu của cả hai bên, đặc biệt là VN để có nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và hội nhập.
"Chính phủ VN rất quan tâm, nêu vấn đề này trong Tuyên bố chung khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ, cũng như trước đó năm 2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ. ĐH tiêu chuẩn quốc tế này là dự án quan trọng trong hợp tác hai nước", ông Minh nói.
Tôi rất phấn khởi được tiếp xúc với các bạn hôm nay. Chúng ta đang sống trong một thời điểm thú vị. Khi tôi còn trẻ, Tổng thống Hoa Kỳ có thể nói chuyện với đất nước thông qua 4 kênh truyền hình. Hiện nay thì không ai có thể đối thoại như thế được bởi có hàng nghìn kênh truyền hình và mọi người có quá nhiều lựa chọn. Đặc biệt, các bạn có rất nhiều cơ hội để tiếp cận thông tin, giao lưu, chia sẻ thông tin không giới hạn thông qua Internet. Internet mang đến cho mọi người cơ hội tuyệt vời để cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp tốt về những vấn đề thời đại như biến đổi khí hậu, hay hàng loạt việc khác mà chúng ta có thể làm được.
Khi tôi đến Việt Nam cách đây 20 năm với tư cách Thượng nghị sĩ, thời đó đa số người dân VN đi lại bằng xe đạp. Đôi khi họ ngại nói chuyện với người lạ. Bây giờ các bạn có bao nhiêu lựa chọn.
Tôi tin rằng dù có khó khăn nhưng thế nào thì TPP sẽ thành công. Nhưng có điều khoản liên quan đến quyền lao động cần được giải quyết. Tôi vừa trao đổi với Chủ tịch nước và ông ấy nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ để cải thiện vấn đề này.
Đàm phán thương mại nào cũng khó khăn như thế nhưng tôi tin chúng ta sẽ hoàn tất nó vào cuối năm nay. Tôi nói thật đàm phán cực khó vì tôi có kinh nghiệm đàm phán với Iran. Có 6 nước tham gia, mỗi nước có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phải tìm tiếng nói chung.
Lý do vì sao TPP quan trọng đối với VN? Trước hết, đối với thế giới hiện nay, chính sách phát triển kinh tế bền vững có ý nghĩa hệ trọng. Vấn đề không phải là tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng bằng cách nào? Làm sao vẫn đảm bảo môi trường lành mạnh. Vừa rồi Tổng thống Mỹ cũng đưa ra một loạt chính sách đảm bảo năng lượng sạch. TPP sẽ nâng những tiêu chuẩn về môi trường, điều kiện về lao động để đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường tốt. Thứ hai, TPP sẽ bao phủ lên một khu vực rộng lớn ở cả hai bờ Thái Bình Dương. TPP sẽ nâng tiêu chuẩn làm ăn chung để chúng ta có một khối thịnh vượng chung, đảm bảo những gì chúng ta đang làm là bền vững, tạo ra một vòng tròn phát triển mà tất cả đều được hưởng lợi.
Theo VNN