Ngoại giao Nga: Xích lại gần đồng minh, đối tác của Mỹ, tránh lệ thuộc quá vào Trung Quốc

VietTimes -- Nga vừa nhấn mạnh tầm quan trọng với Trung Quốc, nhưng không nói đó là quan hệ "hữu nghị truyền thống", vừa thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tân Hoa xã/Cankao
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tân Hoa xã/Cankao

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 5/12 dẫn các nguồn tin từ Mỹ cho hay thông điệp về chính sách ngoại giao mới của Nga nhấn mạnh tiếp tục quan hệ chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng cho biết sẽ tăng cường quan hệ với Mỹ, đặc biệt là các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/12 đã ký thông điệp chính sách ngoại giao mới của Nga. Văn kiện này vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc, cho rằng trên nền tảng bình đẳng và lòng tin, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đồng thời tăng cường quan hệ với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Đồng thời, văn kiện này cũng đề cập đến tình hữu nghị truyền thống giữa Nga và Ấn Độ cùng với lòng tin chiến lược sâu sắc hơn giữa Nga - Ấn. Hơn nữa nhấn mạnh tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ và muốn tăng cường hợp tác với Nhật Bản.

Văn kiện cho biết, Nga vẫn chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời ủng hộ tiếp tục phát triển tình hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và Hàn Quốc. Nga khẳng định sẽ làm sâu sắc toàn diện quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời sẽ tăng cường hợp tác với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia.

Chiều ngày 19/5/2016 (giờ địa phương), tại thành phố Sochi, Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: VGP
Chiều ngày 19/5/2016 (giờ địa phương), tại thành phố Sochi, Nga, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: VGP

Thông điệp chính sách ngoại giao mới của Nga sử dụng các từ ngữ như "tình hữu nghị truyền thống" để miêu tả quan hệ với các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Mông Cổ, Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh cần hữu nghị hơn với nước láng giềng Nhật Bản.

Nhưng khi nói đến quan hệ với Trung Quốc, văn kiện không xuất hiện cụm từ "tình hữu nghị", mà chỉ nhấn mạnh hai nước Nga và Trung Quốc cần hợp tác nhiều hơn, cùng ứng phó với các mối đe dọa và thách thức mới.

Học giả Nga nghiên cứu các vấn đề chiến lược là Suslov cho rằng khi tiếp tục kéo gần quan hệ với Trung Quốc, Nga không quên tăng cường quan hệ với các nước xung quanh Trung Quốc, tránh lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao này.

Học giả Nga cho rằng, thông điệp chính sách ngoại giao mới của Nga hoàn toàn không coi phương Tây là kẻ thù, nhấn mạnh quan hệ Nga - Mỹ có tiềm năng hợp tác với nhau, đồng thời hy vọng đối thoại với NATO. Văn kiện này đồng thời cho biết Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) vẫn là khu vực trọng điểm ngoại giao của Nga.

Nguyên tắc chính sách ngoại giao mới của Nga cũng đề cập tới tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với chấn hưng kinh kế Viễn Đông và Siberia của Nga, đồng thời kêu gọi củng cố vị thế của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong các vấn đề khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác với ASEAN.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Japan Times
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Japan Times

Nhưng, có tờ báo Nga cho rằng so với việc Điện Kremlin ra sức kêu gọi tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các nước châu Á - Thái Bình Dương và Nga chuyển hướng sang phương Đông trong vài năm trước, văn kiện này không có ý gì mới khi trình bày về chính sách châu Á của Nga.

Nhưng, học giả Suslov cho rằng bất kể thế nào, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là trọng điểm của các vấn đề toàn cầu, Nga chắc chắn can dự, sẽ không khoanh tay đứng nhìn.