Nghị quyết 42 và sự truân chuyên của quyền chủ nợ |
Nghị quyết 42 – sau năm năm nhìn lại
Nghị quyết 42 được ra đời trong bối cảnh tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) hết sức khó khăn với tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu lên đến 10,08% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Trong khi đó, khung pháp lý về xử lý nợ xấu lại còn nhiều điểm hạn chế, bất cập.
Như là một giải pháp tình thế, sứ mệnh của Nghị quyết 42 là tạo ra một cơ chế pháp lý đặc thù để giúp cho hệ thống TCTD nhanh chóng xử lý được nợ xấu, ổn định hoạt động, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn, dưới 3% tổng dư nợ của toàn hệ thống TCTD.
Sau năm năm thi hành, tổng số nợ xấu đã được xử lý là 380.200 tỉ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15-8-2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực. Do đó, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%(1).
Qua các con số thống kê, có thể dễ dàng nhận thấy các mục tiêu khi ban hành Nghị quyết 42 về cơ bản đã đạt được. Hoạt động xử lý nợ xấu của TCTD được thực hiện hiệu quả hơn, minh chứng rõ nét là sự tăng lên rõ rệt của số nợ xấu bình quân mỗi tháng xử lý được theo Nghị quyết 42 (khoảng 5.670 tỉ đồng/tháng) so với giai đoạn trước đó (khoảng 3.250 tỉ đồng/tháng).
Tuy nhiên, nếu phân tách kỹ hơn số liệu và tình hình thi hành Nghị quyết 42 thì vẫn còn gợi lên đâu đó những băn khoăn(2). Nếu nhìn vào cơ cấu nợ xấu được xử lý theo từng phương thức thì có đến 38,93% là do khách hàng tự trả nợ; nợ thu hồi qua xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm (của các TCTD lẫn VAMC) chiếm 20,3%; và xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao.
Bên cạnh đó, thống kê về tỷ lệ nợ xấu hiện hữu cũng chưa thật sự toàn diện và bao quát hết tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng và nợ xấu tiềm ẩn. Nhất là trong bối cảnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang được áp dụng đến hết ngày 30-6-2022.
Do đó, người viết rất đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc. Đồng nghĩa, mức độ hiệu quả thực sự của việc thực thi Nghị quyết 42 cần được đánh giá toàn diện hơn.
Sự truân chuyên của quyền chủ nợ
Nhiều người ví von Nghị quyết 42 như là một “thượng phương bảo kiếm” trao cho các TCTD để thực thi quyền đòi nợ. Một mặt đáp ứng nhu cầu cấp bách của việc xử lý nợ xấu, mặt khác cũng là một giải pháp tạm thời để giải quyết những sự trì trệ, truân chuyên trong cơ chế thực hiện quyền chủ nợ tại Việt Nam.
Dưới góc nhìn của nhiều nhóm chủ thể khác trong xã hội, Nghị quyết 42 như là một sự “ưu ái” cho ngành ngân hàng, khi mà các TCTD được áp dụng nhiều biện pháp đặc thù, vượt lên trên các quy định pháp luật hiện hành để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình thu hồi nợ. Thêm vào đó, việc xử lý nợ xấu cho ngành ngân hàng đã được xem như một nhiệm vụ mang tính quốc gia nên cả hệ thống cơ quan công quyền từ trung ương tới địa phương được huy động để tham gia vào quá trình này.
Ngoại trừ phương thức “con nợ” tự nguyện trả nợ thì hầu như các phương thức đòi nợ còn lại đều có vướng mắc về mặt pháp lý hoặc cơ chế thực thi.
Mặc dù nắm trong tay “bảo kiếm” nhưng việc đòi nợ cũng không dễ dàng gì. Tại Báo cáo 358/BC-CP ngày 5-8-2020 của Chính phủ về kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết 42 đã nêu 11 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc. Sau nhiều nỗ lực uốn nắn, gỡ rối, báo cáo tổng kết năm năm thi hành nghị quyết này vẫn tiếp tục nêu lên bảy vướng mắc còn tồn đọng.
Qua đó mới thấy, với tư cách là một chủ thể có nhiều tiềm lực như các TCTD, kèm theo sự hỗ trợ “đặc thù” về cơ chế pháp lý mà việc thực thi quyền chủ nợ còn lắm truân chuyên thì thử hỏi quyền chủ nợ của các thành phần khác trong nền kinh tế sẽ khó khăn đến mức nào.
Đối với phương thức xử lý nợ bên ngoài tòa án thì vướng mắc tại thủ tục xử lý tài sản bảo đảm. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm vẫn đang là một chế định mang tính “tạm bợ”, nương nhờ vào Nghị quyết 42. Bình diện chung pháp luật về bảo đảm nghĩa vụ, việc ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm là không rõ ràng, thiếu cơ chế thực thi, chứ chưa vội bàn đến tính hiệu quả và hợp lý.
Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn cách hiểu và áp dụng khác nhau. Như trong thực tiễn thi hành Nghị quyết 42, có địa phương ưu tiên thu hồi nợ thuế trước, có địa phương thì ưu tiên cho việc xử lý nợ xấu trước.
Về thị trường mua bán nợ, dù đã hình thành nhưng còn rất sơ khai với ba loại hình công ty mua bán nợ: (i) Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), (ii) VAMC và (iii) các công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng thương mại. Hoạt động của các công ty này hiện nay phục vụ chủ yếu cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD nhưng thật sự chưa phát huy được hết vai trò và sự kỳ vọng(3). Số phận của dịch vụ đòi nợ thì vẫn “ba chìm bảy nổi”, lúc cho lúc cấm.
Với cơ chế đòi nợ qua con đường tố tụng tại tòa, thủ tục rút gọn dường như rất khó áp dụng. Theo tổng kết năm năm thi hành Nghị quyết 42 thì chưa có trường hợp nào được tòa án áp dụng theo thủ tục rút gọn mặc dù việc áp dụng thủ tục rút gọn được quy định khá rõ ràng trong nghị quyết.
Vì không áp dụng được thủ tục rút gọn nên buộc phải theo trình tự tố tụng thông thường. Và rồi, câu chuyện ai cũng biết, đó là sự gian nan của con đường “đáo tụng đình”. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 (Doing Business 2020 Report) của Ngân hàng Thế giới, thời gian bình quân để giải quyết một tranh chấp tại Việt Nam qua con đường tố tụng tòa án là 400 ngày, hao tốn chi phí với tỷ lệ 29% giá trị khoản tranh chấp và chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp chỉ đạt 7.5/18 điểm.
Bên cạnh đó, khi chủ nợ mất khả năng thanh toán, việc đòi nợ buộc phải thực hiện theo cơ chế phá sản. Dù Luật Phá sản đã có nhiều sự điều chỉnh, cải thiện và áp dụng một số thông lệ quốc tế nhưng đời sống thực tế của luật này không mấy sáng sủa.
Theo IFC (2021), tiến trình giải quyết phá sản tại Việt Nam vẫn còn rất tốn thời gian và tiền bạc. Theo đó, thời gian trung bình để xử lý phá sản thu hồi nợ lên đến năm năm, trong đó phải mất hai năm để chính thức bắt đầu thủ tục phá sản. Chi phí cho một trường hợp phá sản có thể chiếm 15% giá trị các các bất động sản và các chủ nợ có bảo đảm nhận lại trung bình khoảng 21% giá trị khoản cho vay. Do đó nhìn chung quá trình thanh lý tài sản để thu hồi nợ là rất chậm, đặc biệt là đối với nợ có bảo đảm.
Chưa kể, khoảng cách từ bản án tới việc thu hồi nợ thực tế đôi lúc cũng “vạn dặm xa”. Báo cáo tổng kết công tác thi hành án năm 2021 của Chính phủ cho thấy, trong tổng số tiền cần thi hành án năm 2021 khoảng 289.190 tỉ đồng thì chỉ có 51,34% là có điều kiện thi hành và trong số có điều kiện thi hành, chỉ 31,21% là đã thi hành xong.
Trong đó, với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 42 nên việc thi hành án thu hồi nợ của các TCTD có phần hiệu quả hơn. Trong năm 2021, tổng số vụ việc phải thi hành là 36.215, tương ứng với 125.875 tỉ 493 triệu 381 ngàn đồng, chiếm 4,3% về vụ việc và 43,98% về tiền trong tổng số phải thi hành; đã thi hành xong là 4.503 vụ việc, tương ứng với 18.246 tỉ 613 triệu 423 ngàn đồng. Tuy vậy, nhìn chung hiệu quả của việc thi hành án thu hồi nợ là thấp.
Điều đáng nói, những gì được người viết liệt kê ở trên đây không phải là vấn đề mới xuất hiện, chúng đã tồn tại như một căn bệnh cố hữu tại Việt Nam. Lẽ ra, trong suốt năm năm thi hành Nghị quyết 42, những vấn đề này cần được nghiên cứu một cách có hệ thống để cải sửa, khắc phục những vướng mắc. Thế nhưng, điều đó đã không được thực hiện mà thay vào đó là đề xuất gia hạn việc áp dụng Nghị quyết 42.
Mặc dù, trong bối cảnh hiện nay, việc kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 42 là một quyết sách cần thiết nhưng điều quan trọng hơn phải là những cam kết từ các bên có liên quan trong việc cải cách mang tính hệ thống cơ chế pháp lý đảm bảo thực thi hiệu quả quyền chủ nợ, không chỉ dành riêng cho các TCTD, mà là dành cho tất cả các chủ thể khác của nền kinh tế.
————
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Theo Báo cáo 204/BC-CP ngày 23-5-2022 của Chính phủ về Đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14
(2) Xem thêm: https://www.bsc.com.vn/en/news/news-detail/922135-can-than-tac-dung-nguoc-khi-keo-dai-nghi-quyet-42
(3) Xem thêm: https://datc.vn/portal/Pages/2020-08-03/Go-nut-that-ve-tai-chinh-trong-xu-ly-no-xaud0r7wry1qnhf.aspx
Theo TheSaiGonTimes