Sáng 23/5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết qua 5 năm triển khai, các mục tiêu của Nghị quyết 42 về cơ bản đã đạt được.
Cụ thể, Nghị quyết 42 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến hết năm 2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Trong đó, có 148.000 tỉ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012 – 2017. Kết quả xử lý, bán, phát mại TSBĐ để thu hồi nợ của TCTD và VAMC đạt 77.200 tỉ đồng, chiếm 20,3%.
Tính trung bình, nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỉ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỉ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 – 2017).
Chính phủ đánh giá Nghị quyết 42 là chính sách đúng đắn, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả. Tuy nhiên, đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết này sẽ không được áp dụng. Việc này có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu; không huy động được các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.
Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến hết năm 2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật các TCTD và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết của việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42. Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng./.