Ngày đêm cắm chốt giãn cách ngăn ngừa Covid-19 ở TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tự mua lấy găng tay y tế, liên tục di chuyển các điểm tuần tra lưu động, cắm chốt cố định trong các lều bạt dã chiến mong manh giữa những cơn mưa đêm xối xả… là hình ảnh quen thuộc ở TP.HCM lúc này.
Lực lượng chức năng ở TP. Thủ Đức căng mình cả ngày lẫn đêm để thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: GVT.
Lực lượng chức năng ở TP. Thủ Đức căng mình cả ngày lẫn đêm để thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: GVT.

Căng mình canh chốt

10h30’ ngày 29/7/2021, tại chốt đèn giao thông ngã ba Đỗ Xuân Hợp – Nguyễn Duy Trinh, đại uý Nguyễn Trần Đông (Tổ trưởng tổ cảnh sát tuần tra lưu động Khu vực 1 (Q.2 cũ), TP. Thủ Đức, TP.HCM) phải miệt mài giải thích với hai thanh niên ra đường chắc bởi "buồn chân buồn tay" quá:

“Các anh không trình bày được lý do ra đường giữa lúc thực hiện Chỉ thị 16. Chúng tôi cũng không sung sướng gì ra đường vào lúc này. Các anh ở nhà là một cách góp phần vào việc đẩy lùi đại dịch này sớm hơn. Tại sao không chờ một thời gian nữa khi dịch đi qua, muốn ra đường thì đâu có ai cấm cản?”

Giữa trời nắng như đổ lửa, mọi gương mặt bị che khuất bởi khẩu trang, chốt kiểm soát lưu động do đại uý Đông làm tổ trưởng hoạt động hết công suốt.

"Ở chốt này các em có thể đi qua, nhưng còn rất nhiều chốt nữa đó”, đại uý Nguyễn Trần Đông khuyên khi nghe hai vợ chồng trình bày là không còn tiền để bám trụ lại nữa khi giãn cách xã hội đã kéo dài 2 tháng nay. Ảnh: GVT.

"Ở chốt này các em có thể đi qua, nhưng còn rất nhiều chốt nữa đó”, đại uý Nguyễn Trần Đông khuyên khi nghe hai vợ chồng trình bày là không còn tiền để bám trụ lại nữa khi giãn cách xã hội đã kéo dài 2 tháng nay. Ảnh: GVT.

Một đôi vợ chồng chủ động dừng xe trước rào chắn, trên xe chở đầy hành lý, tư trang, tiến tới gặp một CSGT. Ca này khó. Lại đến lượt đại uý Đông tới trao đổi. Hoá ra, hai vợ chồng quê ở Đồng Nai, trình bày đủ giấy tờ và giấy xét nghiệm Covid âm tính.

“Nhưng tại sao phải đi vào lúc này?”, anh Đông hỏi chân thành. “Dạ, chúng em hết sạch tiền rồi. Cả hai vợ chồng đều mất việc mấy tháng nay, ở lại cũng không trụ nổi nữa anh ạ”.

Các chốt kiểm soát ngăn cách giữa các phường, quận đã được thiết lập từ 18h ngày 26/7 tại TP.HCM. Ảnh: GVT.

Các chốt kiểm soát ngăn cách giữa các phường, quận đã được thiết lập từ 18h ngày 26/7 tại TP.HCM. Ảnh: GVT.

Một khoảng lặng kéo dài cho một quyết định của lương tâm. Gương mặt của đại uý CSGT Nguyễn Trần Đông giấu kín sau lớp khẩu trang khi nghe vậy thoảng quay đi, rồi quyết định trả lại giấy tờ: “Hai em đi cẩn thận. Ở chốt này các em có thể đi qua, nhưng còn rất nhiều chốt nữa đó”.

Đó là cảnh không hiếm gặp ở Sài Gòn những ngày này. TP.HCM bắt đầu có dấu hiệu nóng vì dịch Covid-19 từ giữa tháng 5/2021, nhưng bắt đầu bùng phát mạnh tại khu vực 1 (Quận 2 cũ), TP. Thủ Đức, TP.HCM vào cuối tháng 5, khi đường Nguyễn Văn Giáp (phường Bình Trưng Đông) bị phong toả 15 ngày khi phát hiện F0 trong cộng đồng.

Mọi người dân ra đường phải có lý do thiết yếu. Ảnh chụp tại ngã ba Nguyễn Duy Trinh - Đỗ Xuân Hợp (khu vực 1 TP. Thủ Đức, Q.2 cũ) trưa ngày 29/7. Ảnh: GVT.

Mọi người dân ra đường phải có lý do thiết yếu. Ảnh chụp tại ngã ba Nguyễn Duy Trinh - Đỗ Xuân Hợp (khu vực 1 TP. Thủ Đức, Q.2 cũ) trưa ngày 29/7. Ảnh: GVT.

Lần lượt, các phường Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông thuộc Q.2 cũ có những khu phố, con đường phải phong toả. Kế đến là khu vực 2 (Q.9 cũ), rồi tới khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ). TP.HCM quyết định áp dụng Chỉ thị 15 từ 31/5, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.

Sau đó, từ 0h ngày 15/6 đến 0h ngày 29/6 tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15. Từ ngày 19/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, đến 9/7 áp dụng Chỉ thị 16.

Tới ngày 26/7 áp dụng các biện pháp tăng cường. Các chốt chặn ngăn cách các phường, các quận được kéo ra đường.

Các lực lượng chức năng đã căng mình gần 2 tháng nay, không một ngày ngơi nghỉ.

Các chốt giãn cách xã hội được thiết lập dày đặc tại khu vực 1, TP. Thủ Đức.

Các chốt giãn cách xã hội được thiết lập dày đặc tại khu vực 1, TP. Thủ Đức.

Từ 5h chiều ngày 27/7, góc đường Nguyễn Duy Trinh gần chỗ rẽ vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Q.2 cũ) đã kéo rào chốt chặn kiểm soát người đi đường. Chốt kiểm soát dã chiến được che bằng một nhà bạt vội từ chiều hôm trước.

4 chiếc giường xếp cá nhân trải vội, một thùng nước lọc và một thùng cơm hộp đã nguội từ lâu, đó là hậu cần của những người canh chốt.

Anh Tuấn (cảnh sát khu vực) kéo ghế ngồi thở được một lúc khi đã qua 18h chiều, đường phố vắng tanh. Sài Gòn như bắt đầu đi ngủ sớm. Tất cả các cửa hàng, cửa hiệu trên đường Nguyễn Duy Trinh đã đóng cửa.

Theo quy định mới nhất của TP.HCM , từ 18h ngày 26/7, chỉ 5 nhóm trường hợp được phép di chuyển, kéo dài tới 1/8.

Đêm 27/7, tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Duy Trinh, một tài xế trình bày là đang đưa xe về điểm đậu tại khu vực. Ảnh: GVT.

Đêm 27/7, tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Duy Trinh, một tài xế trình bày là đang đưa xe về điểm đậu tại khu vực. Ảnh: GVT.

Đến ngày 1/8, TP.HCM sẽ có những đánh giá về tình hình dịch để đưa ra những giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, thành phố có thể áp dụng các biện pháp theo chỉ thị 12 và công văn 2468 thêm một thời gian nữa, có thể 1-2 tuần sau 1/8, như lời Phó Bí thư Thường trực TP. HCM Phan Văn Mãi trả lời báo chí ngày 28/7.

Với hộp cơm đã nguội ngắt, một cảnh sát khu vực lúi húi ngồi ăn trong góc lều dã chiến. Ngoài đường, lực lượng dân phòng, công an vẫn liên tục kiểm tra giấy tờ lưu thông của người đi đường.

Tuấn kể, đã nhiều tháng nay phải ứng trực, chỉ có qua nhà thay đồ hoặc đưa đồ ăn như tiếp tế, rồi lại lên cơ quan ngay.

Một người dân ra đường không có lý do hợp lý đêm 27/7 tại chốt chặn trên đường Nguyễn Duy Trinh (khu vực 1 TP. Thủ Đức). Ảnh: GVT.

Một người dân ra đường không có lý do hợp lý đêm 27/7 tại chốt chặn trên đường Nguyễn Duy Trinh (khu vực 1 TP. Thủ Đức). Ảnh: GVT.

Mỗi ngày, tiếp xúc với dòng người lưu thông không ngừng nghỉ, từ khi bình thường, rồi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 10, đến Chỉ thị 16, rồi tới Chỉ thị 12 và đến 27/7 là đêm thứ 2 lực lượng dân phòng, cảnh sát khu vực phải kéo luôn rào chắn ra đường, họ chưa có một lúc nào an giấc.

Trưa ngày 29/7, chỉ có những người dân có lý do hợp lý mới được phép lưu thông qua trạm kiểm soát lưu động ở đường Đỗ Xuân Hợp (khu vực 1 TP. Thủ Đức). Ảnh: GVT.

Trưa ngày 29/7, chỉ có những người dân có lý do hợp lý mới được phép lưu thông qua trạm kiểm soát lưu động ở đường Đỗ Xuân Hợp (khu vực 1 TP. Thủ Đức). Ảnh: GVT.

Thức cho thành phố ngủ

Đại uý Nguyễn Trần Đông lưng áo mướt mồ hôi, vớ chai nước từ trên xe thùng tu ừng ực rồi bước tới khu vực xử lý người vi phạm.

Ngã 3 Đỗ Xuân Hợp – Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức) đã quá 11h trưa, trời nóng và nắng như đổ lửa. Khẩu trang giúp ngăn ngừa virus lây lan qua tiếp xúc gần, nhưng khiến người sử dụng nó khó thở thực sự.

Đại uý Đông kể, anh em từ sáng đi làm, hậu cần không cung ứng kịp, chủ động bỏ tiền túi ra tìm hiệu thuốc mua găng tay cao su y tế. Trên xe thùng, đã phải tạm giữ 4 chiếc xe máy.

Ở sát đó, có một thanh niên đang dùng điện thoại phát trực tiếp lên mạng xã hội khi cự cãi với lực lượng lập chốt.

Thanh niên tới tìm tổ công tác để livestream "quay vào ô mất lượt" khi xe máy bị đưa về khu vực tạm giữ trưa ngày 29/6 tại chốt tuần tra kiểm soát đường Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh (khu vực 1 Tp. Thủ Đức). Ảnh: GVT.

Thanh niên tới tìm tổ công tác để livestream "quay vào ô mất lượt" khi xe máy bị đưa về khu vực tạm giữ trưa ngày 29/6 tại chốt tuần tra kiểm soát đường Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh (khu vực 1 Tp. Thủ Đức). Ảnh: GVT.

Hoá ra, có hai cậu nhỏ vị thành niên hết việc xách xe ra đường chạy lòng vòng. Gặp chốt chặn, kiểm tra giấy tờ, hỏi lý do ra đường, không trình bày được, nên bị tạm giữ phương tiện, vậy là “gọi điện cho người thân”.

Thanh niên “người thân” chạy tới, can thiệp không được, liền mở điện thoại và liên tục cự cãi. Phải “dành riêng” một thượng uý chỉ có nhiệm vụ viết biên bản và giải thích.

Rốt cuộc, anh chàng cũng hiểu ra và chấp nhận ký vào biên bản vì vi phạm Chỉ thị 16 mà thành phố đang áp dụng, sau cả giờ đồng hồ livestream điện thoại.

Còn chiếc xe máy mà anh ta sử dụng thì được đưa thẳng lên thùng xe.

Đại uý Nguyễn Trần Đông lắc đầu đầy ngán ngẩm: “Chúng tôi không hề muốn phạt anh ta. Nhưng rõ ràng là anh ta ra đường chỉ có một việc là xin xe cho hai cậu nhỏ chưa đủ tuổi thành niên kia, mà anh ta lại cố tình không hiểu những gì chúng tôi giải thích từ sáng tới giờ”.

Chốt kiểm soát tại phường An Phú (khu vực 1 TP. Thủ Đức), ngã 3 Nguyễn Hoàng - Lương Định Của lúc 8h đêm ngày 27/7 vắng lặng bóng người và xe qua lại. Ảnh: GVT.

Chốt kiểm soát tại phường An Phú (khu vực 1 TP. Thủ Đức), ngã 3 Nguyễn Hoàng - Lương Định Của lúc 8h đêm ngày 27/7 vắng lặng bóng người và xe qua lại. Ảnh: GVT.

… Bóng tối ập xuống, tại chốt giao thông ngay ngã ba Lương Định Của – Nguyễn Hoàng (phường An Phú, TP. Thủ Đức) vắng lặng. Hàng chục bóng áo quân phục vẫn đang đứng trực. Chỉ còn những chuyến xe muộn màng vội vã chạy qua, xuất trình giấy tờ rồi vội vã về nhà, dù lúc đó mới là 8h tối ngày 27/7.

Một cán bộ trực chốt kể rằng, phía đối diện trụ sở phường An Phú, nhiều tháng trước, đêm đến là đèn điện sáng trưng. Đó là một quán mì vịt tiềm khá có tiếng, mở cửa từ sáng tới nửa đêm. Còn con đường Nguyễn Hoàng nối đường Lương Định Của ra Xa lộ Hà Nội luôn luôn nườm nượp xe cộ.

Tại chốt kiểm soát sát phường An Phú, chỉ những người dân có việc khẩn cấp mới được cho qua. Mặc dù, đường Nguyễn Hoàng vốn dĩ trước đây luôn nườm nượp xe cộ. Ảnh: GVT.

Tại chốt kiểm soát sát phường An Phú, chỉ những người dân có việc khẩn cấp mới được cho qua. Mặc dù, đường Nguyễn Hoàng vốn dĩ trước đây luôn nườm nượp xe cộ. Ảnh: GVT.

Từ tháng 6/2021 đến nay, quán vịt tiềm đó đã phải đóng cửa, dù trước đó còn có thể bán mang về!

Một thành phố sôi động vào đêm, luôn luôn ồn ào náo nhiệt bỗng nhiên phải “đi ngủ sớm” để chống dịch, là hiện tượng chưa từng có ở TP.HCM hàng chục năm nay./.

Chỉ có 5 nhóm trường hợp được phép di chuyển ra đường tại TP.HCM sau 18h hằng ngày (từ 26/7 – 1/8), gồm:

Thứ nhất là cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Thứ hai là cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP, bao gồm cả công tác phát hành báo.

Thứ ba lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

Thứ 4 là các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thứ 5 các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TP được phép hoạt động.

UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn thành phố hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hằng ngày.