“Chỉ riêng từ 1/2/2012 đến 31/1/2013, ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp mức thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ”, ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết khi trao đổi về việc DOC ra mức thuế cuối cùng trong đợt kiểm tra hành chính lần thứ 8 vừa qua .
Cụ thể, từ mức thuế 0% cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam trong đợt kiểm tra hành chính lần thứ 7 (POR7), thì ở POR8, DOC áp mức thuế cao nhất là 9,75%, thấp nhất là 4,98% và thuế suất của toàn quốc là 25,76%.
Theo Casep, năm 2012, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường Mỹ khoảng 193 triệu USD, năm 2013 trên 231 triệu USD, riêng 8 tháng đầu năm 2014 khoảng 163 triệu USD. Như vậy, với mức thuế bình quân của các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện của địa phương thì ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD.
“Việc này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến người nuôi tôm. Kết quả mà DOC đưa ra trong đợt kiểm tra hành chính lần thứ 8, chúng ta còn đang khiếu nại, thì nay doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ đang lo ngại trước thông tin DOC sẽ tiến hành kiểm tra hành chính lần thứ 9”, ông Thuận nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau cho biết, việc DOC áp thuế cao và phi lý như thế đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, lẫn người tiêu dùng Mỹ.
“Các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải dãn sản lượng cung cấp qua thị trường này khi phải chịu mức thuế cao, đồng thời sẽ tìm các thị trường khác bù đắp vào, do đó người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Huỳnh Văn Tấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX) phân tích.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp tại Cà Mau, đợt kiểm tra lần 8 vừa qua, các doanh nghiệp thuộc diện bị đơn bắt buộc sẽ bị DOC thẩm tra trực tiếp (dù đã có hồ sơ báo cáo trước), riêng các bị đơn tự nguyện sẽ chịu thẩm tra qua các số liệu yêu cầu khai báo của DOC. Nhưng trong lần kiểm tra thứ 9 này, DOC sẽ thẩm tra nhà máy sơ chế để cung cấp lại cho các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc hay tiến hành kiểm tra vùng nuôi, kiểm tra thêm những chuyến hàng nhập khẩu… Đây là điểm mới mà DOC áp dụng.
Việc các doanh nghiệp bị đánh thuế cao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà nông dân là người chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (tỉnh Bạc Liêu) phân tích: “Bị đánh thuế chắc chắn doanh nghiệp sẽ hạ giá thu mua tôm nguyên liệu. Ngoài ra, do dịch bệnh trên tôm ở một số nước trong khu vực đang được khắc phục, cung cầu được cân bằng, nên giá tôm nguyên liệu trong nước dự kiến có xu thế đi xuống”.
Nông dân Nguyễn Văn Quận, ngụ huyện Cái Nước lo lắng, ở những vụ mùa sản xuất trước, tình hình dịch bệnh phức tạp, tôm chết người nuôi lỗ. Nay giá tôm mới nhích lên được chút ít, thì thông tin trên thực sự khiến nông dân lo ngại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu ở mức tương đối cao. Tôm sú loại 20 con một kg giá 290.000 đồng; loại 30 con giá 230.000 đồng; hay tôm thẻ chân trắng loại 100 con một kg giá bình quân 100.000 đồng…
“Giá tôm nguyên liệu trong năm 2015 sẽ giảm, nguyên nhân là do sự phục hồi của các nước nuôi tôm trong khu vực, đặc biệt là do ảnh hưởng từ hàng rào kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu, trong đó có Mỹ”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Cà Mau nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2014 khoảng 3,95 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 991 triệu USD.
Theo Vnexpress