Số liệu mới công bố của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương với Việt Nam đã tăng từ mức 29,6 tỷ USD năm 2013 lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Trong đó, giá trị nhập khẩu lên tới hơn 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với một năm trước, đưa Việt Nam lên vị trí 15 trong danh sách những quốc gia có hàng hóa vào Mỹ, tăng 5 bậc so với một năm trước. Mặt khác, Mỹ xuất khẩu 5,7 tỷ USD vào Việt Nam, duy trì vị trí số 44.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại đứng đầu thế giới của Mỹ khi giá trị xuất siêu lên tới 342,6 tỷ USD trong năm 2014. Trong khi đó, Đức đã vượt qua Nhật Bản trở thành quốc gia xuất siêu lớn thứ hai vào thị trường này. |
Với việc đạt giá trị xuất siêu hơn 24,9 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 10 trong 234 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nền kinh tế số một thế giới, tăng so với vị trí 11 của năm 2013 và vượt qua Ấn Độ.
So với trước đó một năm, tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 27%, cao hơn Malaysia (17,3 tỷ USD) và Thái Lan (15,3 tỷ USD). Kết quả này khiến Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất trong khu vực ASEAN cho thị trường này.
Đơn vị:triệu USD. Nguồn:U.S.Department of Commerce |
Về phía Việt Nam, số liệu của Tổng cục Hải quan cũng phản ánh Mỹ đang là đối tác xuất khẩu lớn nhất với 28,7 tỷ USD năm 2014, gần gấp đôi nước hai nước đứng sau là Trung Quốc và Nhật Bản. Con số thống kê của Việt Nam chênh lệch khoảng một tỷ USD so với phía đối tác.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, gỗ, túi xách... và nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho ngành dệt may da giày, bông, chất dẻo, thức ăn gia súc...
Top 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ năm 2014
STT | Tên nước | 2013 | 2014 |
1 | Trung Quốc | 318,7 | 342,6 |
2 | Đức | 67 | 73,7 |
3 | Nhật Bản | 73,4 | 67 |
4 | Mexico | 54,4 | 53,8 |
5 | Canada | 30,9 | 34 |
6 | Ảrập Xêút | 32,9 | 28,4 |
7 | Ireland | 24,9 | 26,2 |
8 | Italia | 21,9 | 25,09 |
9 | Hàn Quốc | 20,7 | 25,06 |
10 | Việt Nam | 19,6 | 24,9 |
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: U.S. Department of Commerce
Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ (Amcham) đánh giá Việt Nam sẽ ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng trong khu vực Đông Nam Á với kim ngạch thương mại song phương dự báo tăng lên 57 tỷ USD vào năm 2020, củng cố vai trò là điểm đến hàng đầu trong thương mại và đầu tư ở nước ngoài đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho hay Mỹ đang là một thị trường tiềm năng lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm trong nước. Các nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, tổng chi cho dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ đạt khoảng 1.286 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần con số tổng của khu vực châu Á Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, Newzeland, Singapore, Hàn Quốc.
Riêng FPT, công ty công nghệ do ông Trương Gia Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, doanh thu từ thị trường Mỹ năm 2014 ước tính gần 40 triệu USD, tăng 39% so với năm 2013. Dự kiến đến năm 2016, con số này sẽ tăng lên 100 triệu USD.
Theo phân tích của các chuyên gia nước ngoài, bí quyết để thành công của nền kinh tế của Việt Nam đến từ sự gia tăng năng lực sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp khi trở thành nước xuất khẩu tôm lớn thứ ba sang Mỹ, chỉ đứng sau Indonesia và Ấn Độ. Song, ấn tượng nhất là lĩnh vực dệt may, bởi Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội các nhà sản xuất đang dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc.
Năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu thành công, các rào cản thương mại với Mỹ sẽ giảm đáng kể và càng thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Và khi năng suất lao động cao hơn, Việt Nam có thể trở thành đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng với Trung Quốc.
Tuy vậy, Việt Nam cũng đứng trước thách thức phải cải thiện môi trường kinh doanh, như tinh giản các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn lao động và có chiến lược rõ ràng hơn với từng ngành công nghiệp. "Việt Nam sẽ càng hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ nếu cải cách thành công", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Theo Vnexpress