Không còn nhiều không gian cho tăng trưởng bán lẻ tại nội đô hai thành phố lớn (Ảnh: Bảo Zoãn)
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, mảng bán lẻ hàng hóa, doanh số năm tháng đầu năm 2019 đạt gần 66 tỉ USD, tăng 12,7% trong đó Bình Dương, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên đều có có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân và vượt luôn cả 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang dẫn đầu xu hướng dịch chuyển các cửa hàng ra các thành phố vệ tinh, thậm chí về các tỉnh thành xa xôi. Trên thực tế các doanh nghiệp nội đang có lợi thế trong xu hướng này do nắm vững địa phương.
Tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa một số tỉnh/thành phố |
Thế Giới Di Động, FPT Retail, Vinmart, PNJ… các chuỗi bán lẻ có nhiều cửa hàng nhất hiện đã liên tục mở rộng hoạt động ra nhiều tỉnh, thành phố trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là các đô thị loại hai thay vì tập trung tại các đô thị loại một như thời gian đầu ra mắt.
Tại Bình Dương, Thế Giới Di Động có 68 cửa hàng, FPTShop có 25 cửa hàng, Vinmart+ có 66 cửa hàng… Tuy nhiên các hãng nước ngoài như AEON, 7-Eleven, Circle K… hầu hết vẫn đang chọn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm nơi mở các cửa hàng/siêu thị mà chưa mở rộng kinh doanh ra các thành phố loại hai.
Có hai yếu tố chính đang tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình dịch chuyển này. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại địa phương nhờ ngành sản xuất phát triển. Thứ hai là quỹ đất cho bán lẻ tại các khu trung tâm của hai thành phố lớn đã gần như không còn cho tăng trưởng, trong khi chi phí thuê măt bằng cao của các khu trung tâm hai thành phố lớn cũng tạo áp lực chi phí lên các nhà bán lẻ
Ông Lê Trí Thông, CEO của công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong một cuộc trò chuyện với Nhà quản lý, cũng cho biết PNJ cũng đang đẩy mạnh mở các cửa hàng lớn ở các tỉnh, và sức mua không thua kém các cửa hàng ở trung tâm thành phố và vượt xa các cửa hàng vùng ven.
Ông Thông cũng thừa nhận, khi mở cửa hàng tại các tỉnh PNJ có thể mở các cửa hàng với diện tích rất lớn, điều khó có thể làm ở khu trung tâm TPHCM hay Hà Nội do chi phí cao.
Việt Nam dù là thị trường bán lẻ có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới, nhưng cũng rất khắc nghiệt, đặc biệt tại các đô thị lớn khi mức độ cạnh tranh gay gắt và giá thuê mặt bằng cũng như chi phí vận hành đang tăng cao nhanh chóng. Gần đây nhất, Auchan, nhà bán lẻ lớn của châu Âu đã phải rút khỏi Việt Nam sau bốn năm hoạt động. Shop&Go - một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi đầu tiên cũng đã sang tên cho VinCommerce - doanh nghiệp sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+. Parkson, một trong những hệ thống trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam cũng lần lượt đóng cửa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi lượng khách trở nên thưa thớt...
Theo CBRE, trung bình giá thuê (tháng) diện tích bán lẻ khu trung tâm TPHCM quý I.2019 đã lên tới xấp xỉ 130 USD/m2, còn ở Hà Nội là 100 USD/m2 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay do không có nguồn cung mới.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ Tp.HCM
Giá thuê mặt bằng bán lẻ Hà Nội
Cũng theo báo cáo của CBRE đưa ra cuối năm 2018, tỉ lệ diện tích trống của khu nội đô TPHCM là 3%. Đã không còn nhiều diện tích để các nhà bán lẻ có không gian tăng trưởng ở khu vực này nên tất yếu ngành bán lẻ đang có động lực đi tìm những không gian tăng trưởng mới.
Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có 13 doanh nghiệp nội địa cùng 17 doanh nghiệp nước ngoài tham gia kinh doanh theo chuỗi các cửa hàng, theo thống kê của Deloitte trong báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam 2019. Con số thống kê này là chưa đầy đủ. Thị trường Việt Nam hấp dẫn nhiều doanh nghiệp bán lẻ hơn thế.
Deloitte nhận định, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất, tạo tiền đề cho lĩnh vực bán lẻ phát triển.
Theo The Manager