Nga tung “quả đấm thép” tới Syria nhằm mục tiêu gì

VietTimes -- Trừ khi Mỹ triệt hạ được hệ thống phòng không của Nga- điều có thể trực tiếp dẫn đến Thế chiến thứ ba, nếu không máy bay của Mỹ sẽ phải hoạt động ngoài bầu trời Syria. Và điều đó có nghĩa là Nga về cơ bản đã tạo ra vùng cấm bay của mình ở Syria và Mỹ không còn khả năng để có thể thiết lập vùng cấm bay nữa.
Chiến đấu cơ Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang trên đường tới Syria
Chiến đấu cơ Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang trên đường tới Syria

Nga tung “quả đấm thép” tới Syria đe Mỹ, diệt khủng bố

(tiếp theo kỳ trước)

Cụm tác chiến tàu sân bay Nga ở Syria thực hiện nhiệm vụ gì?

Trước khi nhìn vào một bức tranh lớn hơn, có một chi tiết cần lưu ý rằng gần như báo chí đều cho rằng Granit là tên lửa hành trình chống hạm. Nhưng thực tế phải nói rõ Granit luôn luôn có chế độ B (viết tắt của “beregovoy” là tên của một phi công vũ trụ nổi tiếng của Liên Xô, ở đây chỉ chế độ tấn công trên không) hoặc nếu muốn còn có chế độ tấn công “bờ biển” hoặc “mặt đất”.

Đây là một khả năng tối giản, không cần hướng dẫn và các thủ thuật khác (mà tên lửa Granit có trong chế độ chống tàu), nhưng Nga gần đây đã tiết lộ rằng những tên lửa Granit được nâng cấp hiện đã có khả năng tấn công thực tế trên mặt đất. Và điều đó đòi hỏi một cái nhìn hoàn toàn mới vào ý nghĩa của khả năng này với cụm tác chiến hải quân Nga.

Dưới đây là một số điều mà người ta biết về những tên lửa Granit mới được nâng cấp (mà người Nga vẫn gọi là 3M45): Nặng: 7 tấn; Tốc độ: Mach 1,5-2; Tầm bắn: 500-600km; Đầu đạn: 750kg (có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân).

Tên lửa Granit cũng có khả năng thực hiện một vài nhiệm vụ tinh vi bao gồm cho một tên lửa bay ở độ cao 500m hoặc cao hơn để phát hiện mục tiêu còn những tên lửa còn lại sẽ bay lướt sát mặt biển trong khi nhận  thông tin dữ liệu về mục tiêu từ tên lửa trên cao. Những tên lửa này cũng có khả năng tự động tấn công từ các hướng khác nhau để áp đảo hệ thống phòng không. Chúng có thể bay thấp ở mức 25m sát mặt biển nhưng cũng có thể bay cao ở mức 17.000m. Điều này có nghĩa là những tên lửa Granit là những tên lửa chiến thuật có khả năng tự hoạt động.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tiến qua eo biển Anh
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tiến qua eo biển Anh

Và nên lưu ý rằng có ít nhất 32 tên lửa như vậy trong cụm tác chiến hải quân Nga (con số này sẽ là 46 nếu tàu ngầm lớp Oscar II cũng xuất hiện), điều đó có nghĩa là lực lượng đặc nhiệm này có hỏa lực tên lửa chiến thuật tương tự như một trung đoàn tên lửa. Nếu có vấn đề xảy ra, lực lượng đặc nhiệm này không chỉ có thể đe dọa bất kỳ chiến hạm của NATO hay Mỹ hiện diện trong bán kính 500km từ bờ biển Syria, mà còn đe dọa được các thành phố hoặc căn cứ quân sự nằm trong phạm vi này.

Thực tế, nhiều chuyên gia đã nghi ngờ về khả năng tấn công đất liền của tên lửa Granit. Mọi người đều biết rằng những tên lửa này đã tương đối cũ và rất đắt đỏ, nhưng không ai biết rằng Nga đã nỗ lực bao nhiêu để hiện đại hóa loại tên lửa này. Tuy nhiên, kể cả nếu những thiết bị này không có khả năng như chúng được quảng cáo thì sự thật có khoảng 32 đến 46 tên lửa như vậy sẵn sàng ngoài khơi Syria sẽ là một sự răn đe đáng sợ vì không ai biết những tên lửa này có thể làm được những gì cho đến khi chúng khai hỏa.

“Dàn hợp xướng” Nga tại chiến trường Syria

Theo Unz Review, khả năng kết hợp của đội đặc nhiệm hải quân Nga và các hệ tên lửa S-300/S-400 đáng gờm được triển khai ở Syria đã mang lại cho Nga khả năng phòng thủ mức độ đáng sợ. Điều mà hầu như mọi nhà quan sát đều không nhận ra là tên lửa SA-N-6, thứ tạo nên cốt lõi của hệ thống phòng không của tàu Peter Đại đế là S-300FM, phiên bản hải quân hiện đại của hệ thống S-300.

Nga đã triển khai các hệ thống S-300 và S-400 đến Syria
Nga đã triển khai các hệ thống S-300 và S-400 đến Syria

Tên lửa có khả năng lên tới tốc độ Mach 6, tầm bắn đạt tới 150km, lại được bổ sung thêm khả năng dẫn bắn bằng hồng ngoại, một hệ thống dẫn đường cho phép điều hướng quỹ đạo tên lửa và độ cao tấn công mục tiêu lên đến 27.000m. Tàu tuần dương Peter Đại đế mang đến 48 tên lửa, 20 bệ phóng, gần tương đương với 12 khẩu đội S-300 (giả định mỗi khẩu đội có 4 bệ phóng).

Một trong những điểm yếu chủ chốt của lực lượng Nga triển khai ở Syria là số lượng ít ỏi các tên lửa mà Nga có thể bắn cùng một lúc. Mỹ và NATO có thể tấn công ồ ạt vào hệ thống phòng thủ của Nga bằng một số lượng lớn tên lửa. Rõ ràng phương Tây vẫn có thể làm thế nhưng hiện giờ tình thế đã trở nên khó khăn hơn.

Liệu Nga hiện nay có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ ở Syria? Rõ ràng là không. Nhưng họ có thể khiến cuộc tấn công này trở nên khó khăn hơn và ít hiệu quả hơn, Unz Review nhận định.

Trước tiên, ngay khi Mỹ khai hỏa, Nga sẽ cảnh báo lực lượng vũ trang Nga và Syria. Vì Nga có khả năng phát hiện và bám theo mọi tên lửa của Mỹ nên họ sẽ có khả năng truyền dữ liệu thông tin mục tiêu đến mọi khẩu đội phòng không, lực lượng này đã sẵn sàng ngay khi tên lửa bay đến. Hơn nữa, Nga sẽ có thể bắn hạ rất nhiều số tên lửa này, khiến Mỹ cần phải tiến hành đánh giá thiệt hại từ không gian và sau đó lại tấn công mục tiêu đó nhiều lần nữa.

Thứ hai là tàng hình hay không tàng hình. Unz Review không tin rằng máy bay của hải quân Mỹ hoặc không quân Mỹ sẽ liều mình bay vào không phận do Nga kiểm soát hoặc nếu có cũng chỉ là thử nghiệm ngắn. Sự hiện diện của Nga ở Syria sẽ khiến cuộc tấn công vào Syria thành cuộc tấn công tên lửa. Trừ khi Mỹ triệt hạ được hệ thống phòng không của Nga- điều có thể trực tiếp dẫn đến Thế chiến thứ ba, nếu không máy bay của Mỹ sẽ phải hoạt động ngoài bầu trời Syria. Và điều đó có nghĩa là Nga về cơ bản đã tạo ra vùng cấm bay của mình ở Syria và Mỹ không còn khả năng để có thể thiết lập vùng cấm bay nữa.

Tiếp theo là tàu Đô đốc Kuznetsov còn đem theo nhiều máy bay bao gồm 15- 20 chiếc trực thăng Ka-27 và Ka-52K, 15-20 chiến đấu cơ SU-33K và MiG-29K.  Chúng chắc chắn sẽ giúp đối phó với làn sóng của những kẻ khủng bố đến từ Mosul nhưng Nga đã có thể chuyển nhiều SU-25 hoặc SU-34 đến Khmeimin hoặc Iran với chi phí thấp hơn. Do đó, về phương diện máy bay cánh cố định, đây sẽ là một cơ hội rèn luyện thực chiến nhưng không phải là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi.

Theo Unz Review, việc Nga triển khai cụm tác chiến tàu sân bay tới bờ biển Syria không phải điển hình cho những gì Nga thường tập luyện. Nga về cơ bản chỉ tìm cách để tăng cường đội ngũ ở Syria, đặc biệt là chống lại nguy cơ vùng cấm bay mà bà Hilary đề xuất. Tuy nhiên thực tế này cũng cho thấy, việc hoạt động ở Syria quá xa biên giới Nga và lực lượng của Nga ở Syria quá mỏng để thực hiện nhiệm vụ này. Hơn nữa, việc triển khai này không bền vững về lâu dài và Nga biết điều này.

Nga thực tế đã áp dụng thành công vùng cấm bay kiểu Mỹ trên không phận Syria đủ lâu để Syria chiếm được Aleppo và để cử tri Mỹ bầu ra vị tổng thống tiếp theo. Dù sao thì tình hình mới vẫn sẽ khiến Nga phải thay đổi chiến lược hoàn toàn.