Theo báo Mỹ, phần lớn máy bay tiến hành không kích đều là những máy bay cũ nhất của quân đội Nga và đang ngày càng lạc hậu.
Nga đã tham gia vào cuộc chiến Syria và mục đích chính của Mátxcơva là ủng hộ chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Kể từ khi cuộc chiến phức tạp nhiều mặt trận này nổ ra, chính phủ Syria đã hai lần bị Mỹ cáo buộc là sử dụng vũ khí hóa học vào chính người dân trong nước (đến nay vẫn không hề có bằng chứng cũng như chưa có cuộc điều tra khách quan nào được tiến hành và nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào Syria). Tuy nhiên, đối lập với lập trường của Mỹ ủng hộ phe nổi loạn, Nga ủng hộ chế độ Assad và chủ động tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự cùng quân đội chính phủ Syria.
Nhưng Foxtrotalpha cho rằng còn một mục tiêu khác để Nga triển khai các vũ khí đến Syria vì Mátxcơva coi đây là chiến trường phô diễn cho khả năng của các thiết bị quân sự do Nga chế tạo với toàn thế giới. Là một nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga có thể thu được những khoản kếch xù nhờ bán vũ khí cho các nước đối tác tiềm năng.
Tuy nhiên, trang mạng Mỹ nhận xét đó chỉ là về lý thuyết. Trên thực tế, Nga khó có thể đạt được mục tiêu này.
Nga đã triển khai tàu sân bay duy nhất tới Syria để tiến hành các hoạt động trên không nhưng điều này cũng không thực sự hiệu quả. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được triển khai ở Syria trong ba tháng, trong thời gian đó, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã làm mất hai máy bay và không tung ra được một cú đánh thực sự nào, trong khi lại tỏa khói mù mịt như một nhà máy cũ kỹ khi vận hành. Sau khi quay trở lại cảng ở Nga, tàu Kuznetsov được cho là sẽ trải qua cuộc sửa chữa kéo dài trong hai năm trước khi quay trở lại phục vụ hải quân Nga.
Vào cuối tháng 2/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố trước Quốc hội Nga rằng Mátxcơva đã thử nghiệm 162 vũ khí hiện đại ở Syria và những vũ khí này hoạt động rất hiệu quả. Những vũ khí được đề cập gồm máy bay cường kích tối tân Su-34 Fullback, chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-30SM Flanker-H và các trực thăng tấn công Mi-28 Havoc, Ka-52 Hokum. Bộ trưởng quốc phòng Shoigu cũng đề cập đến tên lửa hành trình tầm xa 3M-14 Kabibr-NK được triển khai tấn công các mục tiêu ở Syria từ tàu của Nga ở vịnh Caspi, Địa Trung Hải và tên lửa 3M-14 Kalibr-PL được phóng từ một tàu ngầm ở Địa Trung Hải.
Theo Foxtrotalpha, đáng ngạc nhiên là ông Shoigu còn ám chỉ một vài loại vũ khí không hiệu quả, mà ông cho rằng kém cỏi và việc sản xuất sẽ bị dừng lại vĩnh viễn hoặc dừng lại cho đến khi được sửa chữa. Các loại vũ khí hoạt động không hiệu quả gồm thiết bị liên lạc, hệ thống tín hiệu tình báo và hai loại tên lửa hành trình phóng không từng được sử dụng ở Syria, KH-555 và KH-101. Vẫn chưa biết loại tên lửa nào trong hai loại không đáp ứng được yêu cầu, mặc dù cả hai đều là xuất phát từ cùng một họ tên lửa, dòng KH-55 mà NATO gọi là AS-15 Kent.
Nhiệm vụ của Nga ở Syria được thúc đẩy bởi nhu cầu cả về chính trị lẫn quân sự. Về mặt chính trị, Nga đang cố gắng hỗ trợ chính phủ Syria và lấy lại vị thế ảnh hưởng trong khu vực, trong khi vẫn duy trì lối tiếp cận căn cứ hải quân ở Tartus, Địa Trung Hải. Về quân sự, Nga muốn chứng minh tính hiệu quả và hiện đại của các vũ khí mới nhất trong điều kiện thực chiến cho các khách hàng trong tương lai chứng kiến.
Tuy nhiên, báo Mỹ dìm hàng cho rằng nhu cầu mua sắm vũ khí của Nga trong những năm vừa qua đã chững lại, cho dù nước này đã triển khai những hệ thống mới (thực tế Nga đưa ra thống kê về những đơn hàng vũ khí khổng lồ được ký kết sau màn trình diễn tại chiến trường Syria. Nga cả Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO cũng đặt mua tên lửa phòng không của Nga). Kể từ năm 2011, xuất khẩu vũ khí của Nga duy trì ở mức 15 tỷ USD, trong số đó gần 70% là bán cho các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria…
Năm 2017, con số này được cho là sẽ giữ nguyên dù có Nga từng tuyên bố nỗ lực tham chiến của Nga ở Syria sẽ kích cầu 6-7 tỷ USD tiền bán vũ khí. 15 tỷ USD trên thực tế là một số tiền khổng lồ mà các nước chi ra để mua vũ khí của Nga, tuy nhiên theo một báo cáo, 45% số tiền này là để mua động cơ và các bộ phận phụ trợ của máy bay.
Tất nhiên không chỉ riêng Nga có nhu cầu thử nghiệm vũ khí mới trong điều kiện chiến đấu. Thực tế hầu hết quân đội các nước đều làm như vậy. Đó là lý do Mỹ sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-117A Nighthawk để ném bom trong cuộc xâm lược Panama năm 1989.
Nhưng trong một bài viết trên trang Bloomberg, Tobin Harshaw phân tích vấn đề của Nga như sau:
“Nga đang cố gắng sản xuất các loại vũ khí đáng được thèm muốn trong kỷ nguyên vũ khí công nghệ cao hiện nay. Trước đây, Nga đã rời khỏi thị trường cao cấp này, nhường chỗ cho Mỹ và phương Tây, còn Nga chọn cách tập trung vào các vũ khí giá rẻ và mang tính sát thương với giá cả phù hợp với các nước đang phát triển. Nhưng khi các nước đối tác trước đây như Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng giàu có hơn, Nga buộc phải nâng cấp bản thân. Và trong khi phát triển các máy bay thế hệ mới và các hệ thống phòng thủ tên lửa, Mátxcơva đang mất dần lợi thế cạnh tranh”.
Theo báo Mỹ, trước sự nổi tiếng cũng như những bản thành tích dày dặn từ các công ty của Mỹ, ngày càng ít nước muốn mua vũ khí của Nga. Kết quả cuối cùng rất rõ ràng: Sau một thập kỷ phát triển quân sự nhằm củng cố vị thế siêu cường toàn cầu, Nga đang cắt giảm 25% ngân sách quốc phòng mỗi năm. Tổng thống Nga Vladimir Putin có lý do để vui mừng về những gì nước này làm được ở Syria, nhưng về mấu chốt thì có lẽ những điều này chẳng giúp được gì nhiều.
Một điểm yếu rõ rệt là Nga thiếu thiết bị ngắm bắn hiện đại cho máy bay. Hoặc cũng có thể máy bay nước này không có thiết bị ngắm bắn hiệu quả. Máy bay Nga hiện đang triển khai ở Syria không sử dụng các thiết bị nhắm bắn chính xác như máy bay của Mỹ và các nước phương Tây. Trong khi máy bay của Mỹ và phương Tây đã sử dụng các thiết bị ngắm bắn chính xác từ một vài thập kỷ và những thiết bị này rõ ràng tạo lợi thế hơn trong chiến đấu. Gần đây, phiên bản mới nhất của dòng MiG-29 Fulcrum, chiếc MiG-35S được cho là sử dụng công cụ xác định mục tiêu T220.
Ấn Độ đã mua máy bay chiến đấu Su-30 MKI của Nga và đã kết hợp thêm bộ xác định mục tiêu Litening cho chiếc Flanker. Được biết Ấn Độ đã làm như vậy trong cả chục năm nay. Malaysia là một đối tác khác cũng mua Su-30 MKM và cũng sử dụng bộ nhắm bắn Damocles của Pháp. Việc Nga không thể sản xuất các thiết bị nhắm bắn như phương Tây là nhân tố hạn chế đối với tính hiệu quả và xác định mục tiêu linh hoạt của máy bay Nga.
Đó là chưa kể Nga thiếu các vũ khí hiện đại và các hệ thống tiên tiến. Việc trình diễn các tên lửa hành trình, máy bay trực thăng tấn công và các hệ thống tác chiến điện tử ở Syria đã thể hiện những công nghệ hiện đại của Nga trên chiến trường, và tiếng tăm của các hệ thống S-300 và S-400 cũng là một trong số các hệ thống phòng không chống máy bay và tên lửa.
Foxtrotalpha chê bai rằng S-300 và S-400 đến nay vẫn chưa được sử dụng trong thực tế chiến đấu, và trong khi các chiến dịch tuyên truyền của Nga tiếp tục tô vẽ những hệ thống này thật hoàn hảo, không có nhược điểm. Trong khi Israel vẫn tin rằng sẽ tìm được cách hạ gục hệ thống S-300 trong cuộc diễn tập ở Síp, quốc đảo đã mua hệ thống này của Nga 20 năm trước.
Nga cũng đã thử nghiệm 4 loại tên lửa hành trình khác nhau ở Syria. Các tên lửa phóng từ biển, phóng từ trên không hoặc từ mặt đất đã được sử dụng trong các cuộc chiến chỉ để kiểm nghiệm khả năng chiến đấu thực tế và thể hiện cho cả thế giới thấy Nga quả thực đã sở hữu những tên lửa hành trình tầm xa có khả năng tấn công mục tiêu cách hàng trăm hoặc hàng ngàn dặm.
(còn tiếp)