Thoạt tiên, có vẻ như đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ là bên thất bại lớn. Lo ngại về chuyện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng việc tài liệu chính phủ nước này công bố cho thấy từ “độc lập” đã mất trong các kết nối của Ngân hàng trung ương (CBT), vừa dẫn đến đợt sụt giảm giá trị đồng lira.
Tuần này, bản tệ Thổ Nhĩ Kỳ giảm so với đô la Mỹ, từ 2,85 lira ngang giá 1 USD hôm 23.11 xuống còn 2,92 lira đổi được 1 USD hôm 26.11.
Măt khác, đồng rúp Nga (RUB) đã đi lên cùng với giá dầu và sự lạc quan gia tăng về việc lệnh trừng phạt lên nước Nga sẽ kết thúc cùng một liên minh giữa các quốc gia nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS).
Tuy vậy, đây mới chỉ là các tác động nhất thời. RUB vẫn thường mạnh lên vào cuối mỗi tháng khi các doanh nghiệp chuyển đổi lợi nhuận ở nước ngoài về RUB để nộp thuế. Tính đến hết phiên sáng 27.11 ở London (Anh), USD đã tăng giá so với bản tệ Nga, 1 USD hiện đổi được 66,21 RUB.
Một trong những lý do giải thích cho việc lira sụt giá là việc Ali Babacan, người được xem là một trong những thành viên đáng tin cậy thuộc lĩnh vực kinh tế của chế độ Tổng thống Erdogan, rời vị trí.
Cả hai đồng tiền đều sụt giá trong năm nay khi nỗi lo về thị trường mới nổi đi lên. Song trong dài hạn, RUB vẫn có khả năng giảm tiếp giá trị do nó là đồng tiền của một nước xuất khẩu dầu mỏ, trong khi bản tệ Thổ Nhĩ Kỳ - nước nhập khẩu dầu thô - có thể hưởng lợi từ các tác động kinh tế do giá dầu thấp.
Đối với lira, vẫn còn có chút ánh sáng cuối con đường, song khả năng trên đang phụ thuộc vào cuộc họp quan trọng của Ngân hàng trung ương nước này. CBT trước đó cho hay sẽ bình thường hóa chính sách của họ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất, một động thái dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12.
“Nếu CBT thực hiện những gì họ đã tuyên bố vào ngày 22.12, chúng tôi cho rằng đó sẽ là yếu tố hỗ trợ cho cả đồng lira và cổ phiếu”, các nhà phân tích tại quỹ đầu tư tập trung vào thị trường mới nổi Renaissance Capital viết trong một nghiên cứu
Theo Thanh Niên