Nga thắng to ở Syria, Trung Quốc sốt ruột điều đặc nhiệm "Hổ đêm" tới vùng lửa

VietTimes -- Các đơn vị Trung Quốc, thường được gọi là “Hổ Siberia” và “Hổ đêm” sẽ sớm được điều tới Syria. Luật chống khủng bố năm 2015 cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc đi ra nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố.
Lính đặc nhiệm Trung Quốc
Lính đặc nhiệm Trung Quốc

Trung Quốc đang triển khai quân đội tới Syria phục vụ cho các hoạt động huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ. Quyết định này được đưa ra sau khi cố vấn Tổng thống Syria Bouthaina Shaaban gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 24/11. Các chiến binh Hồi giáo từ cái gọi là Đông Turkistan (khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc) đã xuất hiện ngày càng nhiều ở miền bắc Syria trong thời gian gần đây.

Chính phủ Syria tuyên bố rằng có khoảng 5.000 chiến binh người Duy Ngô Nhĩ  đã đến Syria, vượt qua Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ một cách bất hợp pháp. Quỹ Văn hóa Chiến lược (SCF) cho rằng Đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) của người Duy Ngô Nhĩ đã liên kết với al-Qaeda. Những chiến binh thánh chiến gốc Trung Quốc hiện đang chiến đấu cùng với nhóm khủng bố Hay'at Tahrir Al-Sham liên kết với Al-Qaeda. Họ kêu gọi tách Tân Cương khỏi Trung Quốc để tạo ra một quốc gia độc lập ở vùng Đông Turkistan.

Các đơn vị Trung Quốc, thường được gọi là “Hổ Siberia” và “Hổ đêm” sẽ sớm được điều tới Syria. Luật chống khủng bố năm 2015 cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc đi ra nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố. Vào tháng 3/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra một chức vụ mới, một đặc phái viên về Syria. Một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, từng là đại sứ Trung Quốc tại Iran, Ethiopia và Liên minh Châu Phi, ông Xie Xiaoyan đã được bổ nhiệm vào vị trí mới này.

Theo SCF, vào tháng 4/2016, Trung Quốc đã cử 300 cố vấn quân sự đến Damascus với mục đích hỗ trợ đào tạo y tế và kỹ thuật cho quân đội Syria. Tháng 8/2016, Chuẩn Đô đốc Guan Youfei, Giám đốc Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế của Quân ủy trung ương Trung Quốc đã gặp ông Fahad Jassim al-Freij, Bộ trưởng Quốc phòng Syria tại Damascus.

Trong chuyến thăm, ông Guan đã ký kết các biên bản ghi nhớ liên quan đến các hoạt động chống khủng bố chung bao gồm các cơ chế theo dõi các chiến binh Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các nhà tù Syria. Vào năm ngoái, quân đội Syria cũng đã đón một số đoàn đại biểu của quân đội Trung Quốc khi Trung Quốc tăng cường viện trợ cho Syria.

Trong một cuộc họp báo, khi được hỏi về việc triển khai quân sắp tới đến Syria,  phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: "Thế giới không thể hòa bình nếu Trung Đông không được hòa bình. Và khu vực này đang ở trong giai đoạn quyết định - từ chống khủng bố đến hòa bình, từ tái cơ cấu kinh tế sang thay đổi xã hội…Là một thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc luôn quan tâm đến hòa bình, ổn định và phát triển của Trung Đông". Ông Xie Xiaoyan, Đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề Syria đã tham dự một vòng đàm phán hòa bình mới tại Geneva.

Theo SCF, Trung Quốc bắt đầu có lợi ích kinh tế tại Syria từ năm 2004, khi liên kết các khu vực chiến lược quan trọng quanh Syria và Li-băng trong Dự án Vành đai- Con đường (OBOR). Bắc Kinh rất mong muốn một cái kết mở cho cuộc nội chiến Syria, điều này sẽ mang lại sự ổn định cần thiết để giúp mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với khu vực theo khuôn khổ sáng kiến OBOR. Syria nằm ở vi trí rất gần hành lang này, và theo kế hoạch thì hành lang này sẽ trở thành trung tâm hội nhập cho cả một khu vực rộng lớn, bao gồm Trung Đông, Caucasus, Trung Á, Nga và Bắc Âu, và thêm cả Ấn Độ.

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc

Tháng 3 năm nay, trong một cuộc phỏng vấn với một công ty truyền thông của Trung Quốc, Tổng thống Assad đã xác nhận thông tin về chuyến thăm của các phái đoàn thương mại và các liên kết đang được tăng cường với Trung Quốc.

Các phái đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã rất tích cực tìm kiếm các lời mời của chính phủ Syria và trong các lĩnh vực không chỉ là tái thiết, mà còn cả các thỏa thuận thương mại song phương. Trung Quốc và Nga đã ủng hộ Syria ở Liên hợp quốc. Bất chấp cuộc nội chiến nổ ra, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc vẫn giữ cổ phần tại hai nhà sản xuất dầu lớn nhất Syria là Công ty xăng dầu Syria và Công ty xăng dầu Al-Furat. Trong khi Sinochem- công ty xăng dầu lớn hàng đầu Trung Quốc- cũng nắm cổ phần lớn trong các mỏ dầu ở Syria. Vào tháng 12/2015, một thỏa thuận lớn đã được ký kết giữa chính phủ Syria và hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc để xây dựng lại cơ sở hạ tầng viễn thông của Syria như một phần trong dự án OBOR.

Một phái đoàn Trung Quốc được cho là đã tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế đầu tiên ở Damascus kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011; Chính quyền Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD cho việc tái thiết Syria; tại Li-băng, ngày càng nhiều các phái đoàn doanh nghiệp Trung Quốc và các khoản đầu tư dự án có liên kết với Syria. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã thông qua chương trình viện trợ và phục hồi sớm cho đất nước Syria đang bị chiến tranh tàn phá.

Trung Quốc có thể sẽ trở thành một nhân tố hết sức quan trọng tại Syria. Việc tái thiết sau chiến tranh là những gì Syria cần và Trung Quốc có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc này. Là một thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an, Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc ổn định hòa bình. Sự tham gia của Trung Quốc khiến tiến trình hòa bình ở Syria thực sự trở thành một nỗ lực quốc tế, thể hiện mong muốn loại bỏ vai trò của phương Tây.

Cuộc xung đột đang diễn biến chậm lại, và công cuộc tái thiết đất nước đang đến gần. Vai trò của Trung Quốc cũng đang tăng lên với vị trí đặc biệt - là đồng minh của chính phủ Syria với nguồn lực kinh tế khổng lồ. Tổng thống Syria Bashar Assad hồi tháng 3/2017 đã phát biểu rằng, khi phải tái xây dựng đất nước sau khi cuộc nội chiến kết thúc, Iran, Nga và Trung Quốc sẽ được ưu tiên.

Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc và Nga là những thành viên quan trọng nhất của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Iran hiện cũng đang là quan sát viên và muốn trở thành một thành viên của tổ chức này. Nga và Trung Quốc rất ủng hộ mong muốn của Iran. Vì các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được dỡ bỏ nên triển vọng của việc Iran gia nhập SCO đang thành sự thật.

SCO có 17 quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia ở Trung Á. Đây là một tổ chức lớn và là một đơn vị chống khủng bố nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Mỹ. Việc Nga, Trung Quốc và Iran cùng nhau nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Syria phản ánh thực tế là SCO đang trở thành đối trọng của phương Tây và đang gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng tại Trung Đông.