Nga “rút quân Syria” chỉ là đòn gió

VietTimes -- Việc chiếm giữ Aleppo là một dấu mốc khác trong hoạt động của quân Nga ở Syria, và điều này mang lại cơ hội tuyên bố chiến thắng ở nước Nga, chiến thắng này được biểu thị bằng thông báo rút quân, chuyên gia nhận định.
Phi công Nga lên máy bay chuẩn bị xuất kích tại chiến trường Syria
Phi công Nga lên máy bay chuẩn bị xuất kích tại chiến trường Syria

Ngày 6/1/2017, Kremlin thông báo rút quân khỏi Syria, bắt đầu bằng việc đưa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov quay về. Gần một năm trước, Nga từng tuyên bố rút quân nhưng sức mạnh quân sự ở Syria không hề giảm đi, nhưng lần này không có vẻ gì là Nga sẽ lại hành động như vậy.

“Không rõ là ngoài tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ra thì Nga còn rút thêm lực lượng nào nữa không, nhưng tàu sân bay này quả thực nên được rút về vì những trục trặc kỹ thuật của nó rất mất mặt”, Michael Kofman, một thành viên tại Viện Kennan thuộc trung tâm Wilson trả lời WarisBoring.

Neil Hauer, một nhà phân tích xung đột ở Trung Đông cũng đồng quan điểm với ông Kofman. Ông cho rằng “việc tàu sân bay Kuznetsov quay trở về Biển Đen là nhân tố chính của cuộc rút quân và là một sự kiện được công bố rộng rãi. Thậm chí tham mưu trưởng quân đội Syria còn đến thăm con tàu này vào ngày 6/1”.

Việc triển khai cụm tác chiến tàu sân bay Kuznetsov ở bờ biển Địa Trung Hải của Syria sau một hành trình dài từ phía bắc nước Nga vòng quanh châu Âu là một động thái mang tính biểu tượng của Nga. Con tàu này vận chuyển một số máy bay ném bom đến cho lực lượng Nga tại Syria. Hai trong số những chiếc máy bay trên hạm (MiG-29K và Su-33) đã bị rơi trong khi hoạt động.

Chiến đấu cơ Su-33 bay trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang tham chiến tại Syria.
Chiến đấu cơ Su-33 bay trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang tham chiến tại Syria. 

“Việc rút quân của Nga hiện nay có khả năng nhằm tái định hình lực lượng nước này tại Syria”, ông Hauer bổ sung.

Chuyên gia Kofman cũng không nghĩ là sẽ có nhiều thay đổi lớn. “Sự hiện diện của quân đội Nga trên bộ ở Syria chỉ có dấu ấn khá khiêm tốn, và việc rút quân có thể là một sự xoay vòng các đơn vị, nhưng tôi cho rằng Nga sẽ tiếp tục hiện diện quân sự rộng rãi ở đây”.

Hồi tháng 3/2016, Nga từng tuyên bố rằng sẽ rút phần lớn quân đội ở Syria, chỉ là để xoay vòng lực lượng của mình. Thậm chí sau đó, điện Kremlin còn nhấn mạnh rằng Nga có thể nhanh chóng tái triển khai lực lượng nếu cần thiết. Vào cuối tháng, Nga đã yểm trợ đắc lực quân đội Syria tái chiếm thành phố Palmyra từ tay IS.

Palmyra đã một lần nữa rơi vào tay IS vào giữa tháng 12/2016, khi quân đội Syria chiếm được miền đông Aleppo từ tay phe đối lập. “Trong khi Nga có thể giảm các cuộc không kích ở miền bắc Syria, họ sẽ không giảm đáng kể vị thế của mình ở đây cho đến khi Palmyra được tái chiếm”, ông Hauer nhận định.

“Việc để thành phố nơi họ tổ chức một buổi hòa nhạc sau khi giành được chiến thắng trước phiến quân khủng bố vào tháng 5/2015 một lần nữa rơi vào tay IS sẽ là cực kỳ hổ thẹn”, ông Hauer nói. Buổi hòa nhạc mà ông nói đến chính là buổi Mariinsky Orchestra trong một nhà hát La Mã cổ ở Palmyra, Matxcơva đã mời báo chí đến xem buổi hòa nhạc đó sau khi quân đội Nga dọn sạch mọi tàn tích của phiến quân IS ở đây.

Theo Warisboring, không rõ liệu Matxcơva có hành động quyết liệt để khắc phục việc mất Palmyra trong tương lai gần hay không. Damacus có thể sẽ hứng thú hơn trong việc tiếp tục đánh tan các nhóm phiến quân còn lại ở phía bắc và tây bắc Syria, đặc biệt là các nhóm thánh chiến Hồi giáo chiếm cứ tỉnh Idlib, nơi mà quân đội Syria đã mất quyền kiểm soát vào tháng 3/2015. Đáng chú ý, thành phố Idlib là thủ phủ tỉnh lỵ duy nhất mà Damacus còn để mất ngoài Raqqa, đồn lũy của IS ở Syria.

Giới quan sát nhân định Nga sẽ càng cắm rễ sâu hơn tại Syria và khu vực Trung Đông mặc dù tuyên bố rút bớt binh lực
Giới quan sát nhận định Nga sẽ càng cắm rễ sâu hơn tại Syria và khu vực Trung Đông mặc dù tuyên bố rút bớt binh lực
Nga đã triển khai các tổ hợp tên lửa tối tân S-400, S-300 tại Syria
Nga đã triển khai các tổ hợp tên lửa tối tân S-400, S-300 tại Syria với ý đồ chiến lược rõ ràng

Ông Kofman đã đánh cược lý do tại sao Nga tuyên bố rút quân rằng đây không phải là kế hoạch hoặc mục tiêu thực sự. “Việc chiếm giữ Aleppo là một dấu mốc khác trong hoạt động của quân Nga ở Syria, và điều này mang lại cơ hội tuyên bố chiến thắng ở nước Nga, chiến thắng này được biểu thị bằng thông báo rút quân”, ông Kofman lập luận.

Vị chuyên gia đánh giá: “Đó là một công cụ để tuyên bố đây là thành tựu chính trị trước người dân trong nước, và thực tế, tôi cho rằng một số lực lượng đặc nhiệm của Nga cùng với các đơn vị hải quân sẽ rút quân trở về. Tuy nhiên, đó chỉ là sự suy đoán vì tôi không thực sự làm việc trong điện Kremlin, do đó tôi không thể biết chính xác tại sao họ lại hành động như vậy”.

Ông Hauer cũng có lý do lý giải về việc tại sao Nga lại có thể duy trì binh lực khá mạnh tại Syria trong thời gian dài như vậy. “Nga có kế hoạch mở rộng cả căn cứ không quân Hmeimim và bến hải quân Tartus, biến căn cứ Tartus thành một cảng quân sự thực thụ”, ông phân tích.

“Những việc này có thể hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Nga ở Syria với mục tiêu phóng chiếu sức mạnh trong toàn khu vực, sau khi việc mở rộng hoàn tất trong một vài năm tới”, ông kết luận.

Những kế hoạch này trên chỉ thể hiện rằng quân đội Nga đang cắm rễ thật chắc tại Syria.