Chắc chắn rằng không sớm thì muộn IS cũng sẽ lụi tàn và thế giới Ả Rập cùng các dân tộc khác ở Trung Đông sẽ lại phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai. Ít nhất, trong cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng đã có những điều kiện cần thiết để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Syria, tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố và trả lại cho Syria một cuộc sống yên bình.
Theo ông Putin, đây là điều hết sức cơ bản, không chỉ quan trọng với người dân Syria và khu vực mà còn quan trọng với toàn thế giới. Tương tự, công cuộc chiến đấu chống khủng bố ở Iraq cũng đã nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Baghdad.
Vấn đề hiện nay đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người là vấn đề trả lại đường biên giới trước đây cho Syria và Iraq, và liệu sẽ có thêm những thực thể mới ở hai nước mà người Kurd sẽ đóng vai trò quan trọng hay không.
Vấn đề này đặc biệt nổi cộm ở Iraq, khi tình hình giữa thế giới Ả Rập và người Kurd đang khác đi, rất có nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự và nội chiến. Ví dụ, người đứng đầu Erbil (thủ phủ của Kurdistan) đã tuyên bố ông coi các hoạt động quân sự của quân đội Iraq ở tỉnh Kirkuk là lời phát động chiến tranh.
Thực tế hiển nhiên là cuộc tranh chấp hiện nay chỉ tập trung vào việc sở hữu các giếng dầu Kirkuk và một khu phức hợp các cơ sở chế dầu khí. Đến nay, vẫn chưa ai đặt ra vấn đề về việc thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ khu phức hợp này. Dường như chính quyền Baghdad hoặc chính phủ Kurdistan sẽ có một cuộc giằng co mặc cả về lợi ích kinh tế và chính trị đối với quyền sở hữu cơ sở hạ tầng dầu khí chính yếu này. Tuy nhiên, các sự kiện diễn ra gần đây đã tiến triển theo hướng quân đội Iraq và lực lượng vũ trang Shiite đã tiến vào Kirkuk mà không cần đến một cuộc chiến.
Truyền thông Iraq cho rằng yếu tố bè phái đóng một vai trò lớn: Người Kurd ở Sulaymaniyah từ chối chiến đấu cho thủ lĩnh Masoud Barzani, họ không công nhận ông và không chấp nhận ý tưởng độc lập dưới trướng của vị lãnh đạo này. Và người Kurd ở Kirkuk hiểu rằng đây không phải là thành phố của họ, đến một ngày nào đó thành phố này cũng phải trở về tay chủ nhân trước đây.
Kênh truyền hình Al-Jazeera cũng tuyên bố bên chiến thắng chính trong cuộc rút lui của đội quân tự vệ người Kurd thuộc lực lượng peshmerga khỏi Kirkuk là IS. Chiến binh của họ đã có thể chiếm đóng được một số khu vực mà không cần chiến đấu.
Chính phủ ở Baghdad đã coi cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd là thất bại, và chính phủ này cũng tự tin vào quân đội của mình rằng họ đã kêu gọi được công ty dầu khí xuyên quốc gia BP của Anh hỗ trợ phát triển các giếng dầu ở tỉnh Kirkuk. Theo báo cáo, Baghdad đang cố gắng tăng cường việc sản xuất dầu ở Kirkuk lên hơn 1 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, một nhân tố tiêu cực lớn ở trong khu vực chính là chính sách của Mỹ, luôn cố gắng để các nước có xung đột với nhau. Mỹ được cho là rất đồng cảm với người Kurd ở Iraq nhưng lại luôn luôn có những chính sách khác nhau; lúc thì khuyến khích người Kurd, lúc lại gây áp lực với họ.
Điều này được thể hiện qua cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của người Kurd ở Iraq. Nếu trước khi tiến hành, Washington liên tục nói về quyền độc lập của nhân dân, thậm chí còn trích dẫn cả ví dụ lịch sử, sau đó càng gần đến ngày trưng cầu dân ý thì chính sách của Mỹ đối với người Kurd càng trở nên cứng nhắc. Đến mức cuối cùng, chính quyền Mỹ lại khuyên họ không nên trưng cầu dân ý.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, người Kurd ở Iraq đã thống nhất chọn thành lập một nhà nước người Kurd riêng, Mỹ lại chọn một lập trường ngầm. Tuy nhiên, Mỹ cũng sớm đưa ra những lời cảnh báo gay gắt tới Baghdad, cho dù là thông qua những lời tuyên bố của các thượng nghị sĩ.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain thậm chí còn tuyên bố quân đội Iraq đang sử dụng vũ khí của Mỹ một cách không phù hơp, tấn công vào đối tác lớn của Mỹ, đồng thời ông John McCain cũng phản đối việc quân đội Iraq và Iran tấn công Kirkuk.
Cần nhớ rằng, bắt đầu từ mùa hè năm 2014, Mỹ đã triển khai 5.000 lính tới Iraq, và 500 lính đặc nhiệm tới Syria một cách trái phép. Nhưng giờ đây, mối đe dọa khủng bố đã phần lớn bị đẩy lùi, Bộ Ngoại giao Mỹ cần phải đưa ra một con đường ngoại giao và chiến lược nhằm duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria.
Sự sụp đổ của Raqqa và sắp tới là toàn bộ lực lượng khủng bố IS đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự can dự quân sự của Mỹ trong tương lai, bao gồm cả câu hỏi liệu Mỹ có chiến đấu chống các nhóm khủng bố thân Iran ở Iraq và Syria hay không.
“Đó là một vấn đề đang được thảo luận một cách rộng rãi. Cho đến nay, con đường ngoại giao đã không giải quyết được vấn đề. Quân đội cũng không muốn thực hiện nhiệm vụ này mà không có kế hoạch ngoại giao rõ ràng", sĩ quan nghỉ hưu của Tình báo Thủy quân lục chiến Ben Connable, người từng tham gia chiến đấu ở cả Iraq lẫn Syria phát biểu.
Tất nhiên, không có gì đảm bảo cho sự chuyển dịch hợp lý trong chiến lược của Mỹ, chuyển từ chủ nghĩa can thiệp thô bạo sang ngoại giao, kiềm chế và để cho khu vực tự quyết về vấn đề hòa giải, cho dù biện pháp này sẽ giúp xây dựng sự ổn định hoặc sẽ giúp kết thúc chủ nghĩa khủng bố ở Iraq và Syria.
Sự chuyển dịch chiến lược như vậy có thể đảm bảo rằng các nguốn nôp thuế cho nước Mỹ sẽ được tự do và có thể được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia tối quan trọng, những lợi ích được xác định hẹp hơn là trải rộng theo những nhiệm vụ tốn kém và thường phản tác dụng, cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm.
Nó cũng sẽ tạo cho các nước trong khu vực động lực tự quyết định tương lại của mình và Mỹ sẽ có cơ hội tái đầu tư vào nền an ninh và sự thịnh vượng của mình, tránh được các cuộc dính líu ở bên ngoài và đóng góp vào việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Đối với Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng họ sẽ tiếp tục khuyến khích các bên thống nhất về cách tiến hành, trong đó có tính đến cả các khía cạnh khác, bao gồm cả những khía cạnh liên quan đến khu vực, vì vấn đề người Kurd đã trở thành vấn đề quan tâm trực tiếp không chỉ của Iraq mà của cả Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng điều cần thiết ngay lúc này không phải là những lời nói chung chung mà là sáng kiến và hành động cụ thể. Và tương lai gần nhất sẽ cho biết ai mới là người đưa ra được hành động thiết thực, và ai có thể đưa ra các biện pháp giải quyết hiệu quả những tình hình khó khăn hiện nay ở Trung Đông.