Ông Sergei Chemezov - Giám đốc tập đoàn công nghiệp nhà nước Rostec - nói trước báo giới rằng "nếu các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về thương vụ Su-35" - theo RIA Novosti. Su-35, một phiên bản hiện đại của mẫu Su-27, được cho là đủ khả năng lấp khoảng cách giữa chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 và thứ 5 như mẫu F-35 mà đáng lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ có được cho tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức hủy thương vụ này.
Dù ông Trump từng thừa nhận rằng tình hình hiện nay là "không công bằng" đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quyết định loại Ankara khỏi chương trình F-35 đã được đưa ra sau hàng loạt lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc về thương vụ S-400. Washington lo ngại rằng Moscow có thể sử dụng hệ thống S-400 để thu thập dữ liệu nhạy cảm về F-35. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc lại lời ông Trump, gọi quyết định trên là "không công bằng", thêm rằng tuyên bố của Mỹ là "vô căn cứ" và đi ngược lại "tinh thần của khối đồng minh" trong khối NATO.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ đảo ngược sai lầm này, bởi nó sẽ gây ra vết thương không thể hàn gắn trong mối quan hệ chiến lược của chúng ta" - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố.
Sukhoi, nhà sản xuất Su-35, mô tả mẫu máy bay này là "chiến đấu cơ thế hệ 4++, đa nhiệm, khả năng siêu cơ động" vốn đã được "thử lửa" trên chiến trường Syria, nơi mà Moscow và Ankara ủng hộ các phe phái khác nhau trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm. Dù Nga cùng với Iran hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các phe phái nổi dậy lật đổ chính quyền, nhưng cả hai siêu cường ngày càng xích lại gần nhau.
Cùng lúc, cả hai nước đều dần tách xa nước Mỹ - ban đầu hậu thuẫn các phe nổi dậy ở Syria nhưng sau chuyển sang hậu thuẫn lực lượng người Kurd, trong đó có nhiều nhóm vũ trang ly khai mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Mỹ cũng chống lại chính quyền Assad, tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga và Iran thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế.
Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhằm xua đuổi các bên mua ở nước ngoài đang quan tâm tới các hệ thống vũ khí tối tân như S-400 - hiện đã được một số nước mua lại như Belarus, Trung Quốc và Ấn Độ. Một số nước khác cũng từng cân nhắc mua S-400 bao gồm Iraq, Qatar và Arab Saudi nhưng sau đó do sức ép lại phải mua THAAD của Mỹ - một hệ thống được thiết kế chỉ để đánh chặn tên lửa chứ không phải cả phi cơ như S-400.
Washington hiện đã trừng phạt Bắc Kinh vì mua S-400 và Su-35 của Nga, dù giới chức Trung Quốc hiện còn đang muốn mua thêm cả hai loại vũ khí trên. Mỹ cũng đang tìm cách trừng phạt cả Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông Trump đã đánh tín hiệu rằng ông không muốn làm vậy.
Mỹ hiện nay vẫn còn một danh sách dài những khách hàng muốn mua F-35, trong đó phải kể tới Australia, Canada, Đan Mạch, Israel, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc và Anh. Danh sách này còn có thể có thêm Singapore, Hy Lạp, Romania, Tây Ban Nha và Ba Lan trong thời gian tới.
Tháng trước, tờ nhật báo Kathimerini của Hy Lạp dẫn một số nguồn tin cho hay chính quyền Athens đang thực sự cân nhắc mua F-35, đặc biệt trong lúc họ muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington để đối phó với tranh chấp trên biển Địa Trung Hải.
Bất đồng kéo dài giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu trỗi dậy trong tuần qua, khi hai nước - đều là thành viên NATO - tranh cãi gay gắt sau khi Ankara quyết định khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển phía Bắc đảo Síp. Vùng lãnh thổ này vẫn thuộc tầm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc xâm lược năm 1974, trong khi khu vực phía Nam lại có mối liên hệ chính trị, văn hóa chặt chẽ hơn với Hy Lạp.
Theo Newsweek