" Ukraine đã không thực hiện chi trả khoản tiền mua khí đốt trước đúng thời hạn như yêu cầu. Điều đó sẽ dẫn đến việc hai ngày nữa, chúng tôi có thể cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cung cấp cho Ukraine, gây ra nguy cơ lớn cho hoạt động trung chuyển khí đốt đến Châu Âu”, Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom - ông Alexei Miller cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.
Ông Miller cũng nói thêm rằng, sẽ mất hai ngày để Gazprom nhận tiền được chuyển từ Naftogaz.
Thông báo trên được Gazprom đưa ra vài giờ trước cuộc họp ở thủ đô Paris của các ngoại trưởng Nga , Ukraine , Đức và Pháp.
Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt quốc gia Ukraine – Naftogaz cáo buộc Gazprom không cung cấp khoản khí đốt mà họ đã trả tiền. Naftogaz hồi cuối tuần vừa rồi đã ra một tuyên bố cáo buộc Gazprom không thực hiện lời cam kết cung cấp khí đốt khi nhận được tiền thanh toán trước. "Naftogaz đã đặt hàng 114 triệu mét khối khí đốt theo điều kiện cung cấp của “Gói Miền đông” nhưng Gazprom mới chỉ cung cấp 47 triệu mét khối", Naftogaz đã cáo buộc như vậy.
Tập đoàn khí đốt Ukraine tố cáo hành động trên là “sự vi phạm” thoả thuận cung cấp khí đốt được ký kết hồi tháng 10 năm ngoái ở Brussels giữa Bộ trưởng Năng lượng Nga, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine và Uỷ ban Châu Âu.
Tâp đoàn Gazprom tuần trước đã bắt đầu cung cấp nguồn khí đốt trực tiếp cho các khu vực của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai miền đông Ukraine đang chiến đấu với quân Kiev .
Nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine có tầm quan trọng sống còn không chỉ trong việc đảm bảo nguồn năng lượng và nhiệt trong mùa đông băng giá mà còn có vai trò then chốt như là một điểm trung chuyển khí đốt của Nga cho Châu Âu.
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga chiếm khoảng 1/3 nhu cầu của Châu Âu và một nửa trong số này đi qua hệ thống mạng lưới đường ống trung chuyển ở Ukraine . Nhiều nước Đông Âu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong khi Đức, Hy Lạp và Italia phụ thuộc phần lớn và khí đốt Nga.
Giới chức Châu Âu không thể không lo ngại về lời đe doạ trên của Nga. Nếu Moscow thực sự cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine điều đó sẽ khiến nhiều khu vực Châu Âu có nguy cơ rơi vào tình trạng bị tê cóng vì không có khí đốt. Kịch bản này đã từng xảy ra trong quá khứ.
Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine hiện nay xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine . Chính quyền Kiev kiên quyết quay lưng lại với nước láng giềng Nga để đuổi theo tham vọng Châu Âu. Kết quả là mối quan hệ Kiev-Moscow đổ vỡ, kéo theo việc Nga cắt đứt nhiều ưu đãi cho Ukraine , trong đó có vấn đề liên quan đến khí đốt.
Các cường quốc đưa binh lính vào Ukraine
Liên quan đến tình hình ở Ukraine hiện giờ, cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này có nguy cơ thêm nghiêm trọng khi một loạt các cường quốc ấp ủ ý định đưa binh lính vào nơi đây. Điều này có thể khiến Nga nổi giận.
Một quan chức Mỹ hôm qua (24/2) cho biết, Lầu Năm Góc sẽ triển khai một số lượng nhỏ binh lính đến Ukraine để giúp huấn luyện hoạt động quân y cho lực lượng đang chiến đấu ở miền đông Ukraine . Khoảng 5 đến 10 binh lính Mỹ sẽ đến miền đông Ukraine vào tuần tới cho cái gọi là đợt huấn luyện thứ hai dành cho quân đội Ukraine .
Trong khi đó, ở thủ đô London, Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua cũng đưa ra thông báo rằng, sẽ có khoảng 75 binh lính Anh được triển khai đến Ukraine vào tháng tới để giúp đỡ, tư vấn và huấn luyện cho các lực lượng của chính phủ Kiev.
Binh lính Anh sẽ không đóng tại vùng xung đột và sẽ cung cấp sự giúp đỡ về y tế, thông tin tình báo, hậu cần và đào tạo bộ binh cho quân đội Ukraine . Ngoài Anh và Mỹ , Australia được cho là cũng có ý định đưa tới 1.000 quân đến Ukraine .
Thủ tướng Australia hồi đầu tuần thừa nhận, ông này đã từng nghĩ đến việc triển khai quân đến Ukraine . Phát biểu trước Quốc hội Australia, Thủ tướng Tony Abbott cho biết, những thông tin của báo chí Australia đưa ra từ hồi tháng 8 năm ngoái về việc ông này từng cân nhắc đưa 1.000 quân vào Ukraine là đúng. Ông Abbott đã bàn bạc với người đồng cấp Hà Lan về việc đưa quân vào Ukraine vài ngày sau khi xảy ra vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine hồi năm ngoái.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tính chuyện cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine . Tuy nhiên, ý định này của Mỹ vấp phải sự phản đối của các nước đồng minh Châu Âu. Bản thân Anh – đồng minh Châu Âu thân thiết nhất và luôn ủng hộ Mỹ, cũng phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev dù Thủ tướng Anh vừa thông báo việc đưa hàng chục binh lính đến Ukraine để hỗ trợ cho quân đội Ukraine.
Theo: VnMedia