Nga đụng độ tứ bề tại Syria

Nga đang phải gánh chịu những hệ lụy ngày càng phức tạp và khó khăn khi nổi lên như một bên dốc toàn lực để đánh các nhóm mà Nga coi là “khủng bố” tại Syria
Người cha vác đứa con bị thương đưa đi cứu nạn tại thị trấn Douma sau khi bị trúng bom đạn của lực lượng thân chính phủ al-Assad ngày 30-12 - Ảnh: Reuters
Người cha vác đứa con bị thương đưa đi cứu nạn tại thị trấn Douma sau khi bị trúng bom đạn của lực lượng thân chính phủ al-Assad ngày 30-12 - Ảnh: Reuters

Những diễn biến mới nhất tại chiến trường Syria và Iraq trong những ngày qua cho thấy lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bị đẩy lùi khỏi nhiều địa bàn quan trọng. Nhưng dường như Nga đang phải gánh chịu những hệ lụy ngày càng phức tạp và khó khăn khi nổi lên như một bên dốc toàn lực để đánh các nhóm mà Nga coi là “khủng bố” tại Syria.

Đối đầu với toàn bộ phe đối lập Syria

Việc Nga triển khai xây dựng hai căn cứ quân sự tại khu vực tây-bắc Syria từ đầu tháng 9-2015 và đưa mấy trăm binh sĩ Nga vào bảo vệ các căn cứ này cùng hàng loạt vũ khí tối tân nhất của Nga kéo đến bao phủ cả vùng trời, vùng biển Syria đã khiến phe đối lập chống chính quyền tổng thống Bashar al-Assad coi Nga như một lực lượng “xâm lược và chiếm đóng”.

Ngày 2-12, một ủy viên ban lãnh đạo của Liên minh đối lập kêu gọi thống nhất tất cả các lực lượng đối lập để “chống sự chiếm đóng của Nga đối với Syria”.

Ngày 27-12, ông Riyad Hijab - người mới được ủy nhiệm làm trưởng đoàn của phe đối lập sẽ tham dự đàm phán với chính quyền al-Assad (nếu Liên Hợp Quốc tổ chức được cuộc đàm phán này) - đã gửi thư đến Tổng thư ký LHQ cho rằng “liệu có ích gì khi đàm phán tiến tới giải pháp chính trị trong hoàn cảnh không quân Nga leo thang các chiến dịch chống dân thường và tàn phá giết chóc nhắm vào tất cả các nhóm đối lập?”. Ông Riyad Hijab vốn là cựu thủ tướng Syria, li khai với al-Assad năm giữa 2012.

Hoạt động không kích của Nga chống khủng bố tại Syria vẫn đang bị những con mắt hoài nghi săm soi kỹ lưỡng.

Nga đã tăng cường đánh phá các mục tiêu của IS từ sau ngày 18-11 khi khẳng định IS cho nổ chiếc máy bay dân dụng của Nga trên bầu trời Sinai (Ai Cập) ngày 31-10 khiến 224 người thiệt mạng. Nhưng ngay cả ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng cho rằng chủ yếu Nga vẫn đánh các nhóm đối lập khác.

Còn tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (trụ sở tại London) và Ân xá quốc tế thì đưa ra nhiều báo cáo ghi nhận các vụ cho là không quân Nga đã “giết hại hàng trăm dân thường” khi đánh vào các khu dân cư và tiện ích dân sự (trường học, bệnh viện, giáo đường…) trong các khu vực do phe đối lập kiểm soát.

Thậm chí, tổ chức Ân xá quốc tế, trong tuyên bố ngày 23-12 còn lên án các cuộc không kích của Nga gây thương vong cho dân thường là “tội ác chiến tranh”!

Theo một bản tin của trang báo Ảrập aawsat.com ngày 24-12, tính từ ngày 30-9 đến 21-12, đã ghi nhận 6 vụ không kích của Nga “gây thương vong dân thường”, tất cả đều tại các khu vực thuộc tây-bắc Syria, không có IS. Trong đó, vụ nghiêm trọng nhất đánh vào một khu chợ bình dân ở phía nam tỉnh Idleb, khiến 49 người thiệt mạng.

Mới đây nhất, ngày 25-12, Zahran Aloush - tư lệnh của lực lượng Jaysh al-Islam đã thiệt mạng trong một vụ bị cho là Nga không kích trúng một cuộc họp của ông này tại một địa điểm gần thị trấn Douma (khu vực Đông al-Gauta thuộc tỉnh Nông thôn Damascus).

Cùng chết với Aloush còn có 5 “cộng sự” (có cả Mohammed Aroush - phó tư lệnh và là người phát ngôn chính thức của Jaysh al-Islam) và 8 tay súng chiến binh.

Nga chưa bình luận gì về tin này và cũng chưa xác nhận nếu Aloush chết thì đó có phải là do không kích của Nga hay không. Nhưng Jaysh al-Islam đã ra tuyên bố khẳng định khoảng 20 tên lửa bắn từ máy bay Nga đã giết chết phần lớn bộ chỉ huy của tổ chức này; đồng thời “cục lực lên án” hành động của Nga là “triệt hạ đối lập ôn hòa để làm lợi cho IS”.

Jaysh al-Islam là tổ chức vũ trang lớn nhất của lực lượng vũ trang đối lập chống chính quyền của tổng thống al-Assad. Lực lượng này trụ vững ngay khu vực phía đông thủ đô Damascus suốt mấy năm nay. Nga xếp Jaysh al-Islam vào danh sách 22 nhóm Syria mà Nga cho là “khủng bố”.

Iran hậm hực

Ai cũng biết Iran cùng Nga phối hợp chặt chẽ để bảo vệ chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Nhưng Iran cho rằng Nga không đồng quan điểm về vai trò của Hezbullah Liban tại Syria và tương lai của Syria “thời hậu al-Assad”.

Tướng Mohammed Ali Jaafari - tư lệnh Vệ binh cách mạng Iran - từng tuyên bố tại Tehran: “Người Nga đang giúp đỡ Syria. Nhưng họ (Nga) không hài lòng về sự có mặt của Hezbullah ở Syria. Chưa rõ lập trường của Nga có tương đồng với chúng tôi về vận mệnh của al-Assad”.

Việc Nga can thiệp vào Syria từ cuối tháng 9 thực tế là yếu tố quyết định cứu nguy cho chính quyền al-Assad trên chiến trường và đẩy vị thế của Iran tại Syria xuống “hạng hai”.

Về mặt chính trị, Nga đang cùng với Mỹ điều phối các hoạt động liên quan đến tiến trình hòa bình Syria, trong khi Iran chỉ có vai trò “được mời vào dự”.

Tại các diễn đàn quốc tế, Nga là bên có tiếng nói thay mặt cho chính quyền Syria, chứ không phải là Iran. Đây là thua thiệt rất lớn của Iran tại Syria, sau khi Iran đã tổn hại rất nhiều về tiền bạc và nhân lực để duy trì sự tồn tại của chính quyền al-Assad suốt hơn 4 năm qua.

Trên thực địa, có tin nói một số người của Iran đã thiệt mạng vì bị Nga oanh tạc vào các vị trí của quân Iran. Chuẩn tướng Ahmed Rahhal của đối lập Syria nói số quân Iran tử trận tăng cao trong 2 tháng gần đây có phần do Nga “oanh tạc nhầm”. 

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Nga trong mấy tháng qua, khi vừa cứu nguy cho chính quyền al-Assad, góp phần đánh phá IS, lại vừa thúc đẩy tiến tới một giải pháp chính trị cho Syria. Nhưng xem ra Nga đang rơi vào tình thế cùng lúc phải đối phó với những đòn đáp trả của cả khủng bố cùng phe đối lập và hứng chịu sự nghi kỵ của đồng minh Iran- Hezbullah.

Theo Tuổi trẻ