Về vấn đề Đức chế tạo pháo tăng 130 mm và phản ứng của Nga, chuyên gia quân sự độc lập Nga Aleksei Khlopotov nhận định: “Việc rò rỉ lên Internet thông tin về việc công ty Đức Rheinmetall AG hợp tác với Pháp bắt đầu phát triển loại pháo tăng mới 130 mm siêu uy lực, theo tôi, cần xem xét như một bước đi có tính chính trị. Xe tăng T-14 Armata của Nga đã thực sự làm cả phương Tây bị sốc. Dư luận phương Tây đặt ra câu hỏi về sự cần thiết có sự cân bằng. Bởi vậy, việc tung tin này trước hết là để giải quyết vấn đề trấn an người dân.
Mặt khác, cần xem xét nó như một mưu toan lôi kéo Nga vào cuộc chạy đua vũ trang. Hơn nữa, là mưu toan rất thận trọng. Vấn đề là ở chỗ, phương Tây từ lâu đã phát triển được mấy biến thể pháo cỡ 140 mm. Đó là sự đáp trả của họ đối với các dự án chế tạo pháo tăng cực mạnh cỡ 152 mm của Liên Xô/Nga được tiến hành từ cuối thập niên 1970. Tuyên bố đưa vào trang bị loại pháo 140 mm đã sẵn sàng từ lâu sẽ gây ra sự phản ứng đáp trả tất yếu của Nga là nối lại việc nghiên cứu phát triển xe tăng lắp pháo 152 mm. Còn khi nhận vào trang bị pháo cỡ 130 mm, đó là họ dường như trì hoãn cách giải quyết triệt để vấn đề. Ngoài ra, việc phát triển một hệ thống mới cũng là cái cớ để nhận được những khoản ngân sách đầu tư mới.
Cần lưu ý rằng, công việc này có thể kết thúc mà chẳng có kết quả gì. Vấn đề là ở chỗ việc bảo đảm những tính năng cao như tuyên bố thậm chí ở cỡ nòng tăng lên cũng đầy rẫy rủi ro kỹ thuật. Các quy luật của vật lý và hóa học không ai có thể thay đổi được nên các kỹ sư Đức sẽ phải giải quyết cả đống nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Tôi có thể nói là “những nhiệm vụ không thể giải quyết”. Bởi vậy, có lẽ là bằng dự án này, người ta sẽ nhận được tiền. Trong 5-10 năm, họ sẽ tiêu hết số tiền này. Còn sau đó là lặng lẽ đóng dự án lại.
Nhưng một lần nữa … người Đức đã lại cáo buộc Nga là khi chế tạo Armata đã dùng các ý tưởng của họ. Trong trường hợp này, có lẽ tất cả thực sự là ngược lại. Vấn đề là ở chỗ, pháo tăng cỡ 130 mm bắn đạn đơn khối Liên Xô từng phát triển được từ thập niên 1960-1970.
Xe tăng thế hệ mới của Đức sẽ đánh bại T-14 Armata của Nga? |
Chúng không được sử dụng vì bất tiện trong thiết kế và phải sửa đổi nhiều thiết kế của các xe tăng sản xuất loạt tồn tại khi đó, nhưng hồi đó người ta đã tiến hành nghiên cứu các xe tăng tương lai sử dụng đúng các pháo 130 mm này. Vì thế, ý tưởng chẳng phải là mới. Đơn giản là nó được du nhập của Nga.
Căn cứ điều đã nói ở trên, tôi cho rằng, Nga hiện chưa cần vội đưa ra các biện pháp đột biến nào. Cần chờ đợi và quan sát những thành tựu của các đối thủ trên đấu trường chế tạo pháo mới. Nếu như chúng ta thấy sự tiến bộ trong công việc của họ thì lúc đó, dựa vào khung gầm hạng nặng đã có, tính module của nó, cũng như có sẵn pháo tăng đã khá hoàn thiện 152 mm 2А83, chúng ta sẽ không khó lắm để nhanh chóng chế tạo xe tăng mới và lại vượt lên phía trước”.
Theo VND