Nga công khai trận địa tên lửa chống tên lửa đạn đạo trên đảo tranh chấp, đe dọa Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 26/11, Đài Russia-1 đã phát sóng hình ảnh Quân khu Miền Đông triển khai hệ thống tên lửa S-300V4 trên đảo Kunashir (Nhật gọi là Kunashiri-to) trong quần đảo Kuril (Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc) tranh chấp.
Đài Truyền hình Nga lần đầu tiên công khai hình ảnh trận địa tên lửa đánh chặn S-300V4 trên đảo Kunashir đang tranh chấp với Nhật (Ảnh: QQ).
Đài Truyền hình Nga lần đầu tiên công khai hình ảnh trận địa tên lửa đánh chặn S-300V4 trên đảo Kunashir đang tranh chấp với Nhật (Ảnh: QQ).

Điều khiến Nhật Bản rất khó chịu là đảo Kunashir chỉ cách Hokkaido 23 km, và tầm bắn tối đa của tên lửa đánh chặn mới S-300V4 được tuyên bố là 350 đến 400 km, khiến toàn bộ vùng trời Hokkaido của Nhật Bản nằm trong phạm vi đánh chặn của hệ thống S-300V4. Việc quân đội Nga triển khai S-300V4 tới đây rõ ràng là thách thức Nhật Bản, đồng thời thể hiện thái độ kiên quyết không nhân nhượng của Nga đối với chủ quyền của quần đảo Kuril.

Vị trí đảo Kunashir ở rất gần đảo Hokkaido của Nhật.

Vị trí đảo Kunashir ở rất gần đảo Hokkaido của Nhật.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-300V4 khá đặc biệt, là phiên bản cải tiến mới nhất của S-300V. Tuy cũng là dòng S-300 nhưng nó không phải là sản phẩm cùng lộ trình phát triển với loại S-300P thường thấy và trước năm 2002 cũng không do cùng nhà sản xuất chịu trách nhiệm. S-300 ban đầu có ba tuyến, một là S-300P được phát triển theo nhu cầu của lực lượng phòng không Liên Xô, bao gồm S-300PS, S-300PT, S-300PM và S-300PMU. Sản phẩm cuối cùng của tuyến này là S-400 đã phát triển. Tuyến thứ hai là phiên bản S-300F của hải quân đặt trên tàu chiến, về cơ bản đã ngừng phát triển. Tuyến thứ ba là S-300V được phát triển cho nhu cầu phòng không của Lục quân Liên Xô, lúc đầu do Phòng thiết kế Kuntsevo đảm nhận, đến năm 1983 do Tập đoàn Antai mới thành lập. Tuyến S-300P do Cục Thiết kế NPO Almaz và Công ty Almaz phụ trách sau khi Liên Xô giải thể. Sau khi Nga hợp nhất Almaz với Antai và 46 viện nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp khác vào năm 2002 để thành lập Công ty Almaz-Antai, S-300P và S-300V mới được coi là sản phẩm của cùng một nhà sản xuất. Các nhà sản xuất khác nhau, tuyến khác nhau, nghĩa là tên lửa đánh chặn, xe phóng và radar của S-300V và S-300P đều rất khác nhau.

Đạn 9M82 (trên) và 9M83 (Ảnh: QQ).

Đạn 9M82 (trên) và 9M83 (Ảnh: QQ).

Vì để thích ứng với môi trường chiến đấu và nhu cầu của Lục quân, toàn bộ hệ thống của S-300V ngay từ đầu là sử dụng hệ thống khung gầm bánh xích với khả năng việt dã mạnh hơn, đồng thời nhấn mạnh khả năng chống tên lửa đạn đạo, đặc biệt là đối với các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Lance và Pershing của NATO vào thời điểm đó, đồng thời có tính đến khả năng phòng không. Vì vậy, S-300V được trang bị hai loại đạn đánh chặn, một là đạn đánh chặn 9M83 sớm nhất, sử dụng cấu trúc động cơ tên lửa nhiên liệu rắn hai tầng và có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở độ cao từ 25 mét đến 25.000 mét. Tầm bắn đối với máy bay là 75 km, đối với tên lửa đạn đạo là 40 km và xác suất đánh chặn 1 đối 1 đối với tên lửa đạn đạo chiến thuật Lance có tầm bắn từ 70 đến 120 km là 50% đến 65%. Loại còn lại là đạn đánh chặn 9M82 có cấu tạo tương tự, nhưng kích thước tầng đẩy lớn hơn, chủ yếu nhắm vào tên lửa đạn đạo và máy bay cảnh báo sớm, máy bay gây nhiễu của đối phương ở độ cao từ 1000 mét đến 30.000 mét; tầm tấn công máy bay cỡ lớn đạt tới 100 km. Đối với việc chống tên lửa, nó có khả năng đánh chặn Pershing-1A có tầm bắn 740 km với xác suất đánh chặn từ 40% đến 60%. Hai loại tên lửa đánh chặn đều sử dụng dẫn đường quán tính cộng với hiệu chỉnh lệnh vô tuyến ở giai đoạn giữa và dẫn đường bằng radar bán chủ động ở giai đoạn cuối, nhưng radar phối thuộc khá phức tạp.

Các loại radar trang bị cho hệ thống S-300 (Ảnh: QQ).

Các loại radar trang bị cho hệ thống S-300 (Ảnh: QQ).

Hệ thống S-300V được trang bị 4 loại radar, loại thứ nhất là radar 3 tọa độ sóng cm đa hướng 9S15M dùng để tìm kiếm cảnh giới tầm xa. Nó có khoảng cách phát hiện 240 km đối với máy bay và 115 km đối với tên lửa đạn đạo. Thứ hai là radar cảnh báo tìm kiếm mảng pha thụ động 9S19M sóng cm, chủ yếu dùng để tìm kiếm mục tiêu tốc độ cao ở các hướng quan trọng. Nó có phạm vi phát hiện từ 75 đến 175 km đối với tên lửa đạn đạo Pershing-1A và có thể theo dõi 16 mục tiêu cùng lúc. Loại thứ ba là radar 9S32 dẫn đường và theo dõi mục tiêu theo từng giai đoạn thụ động sóng cm, có nhiệm vụ chính là theo dõi mục tiêu sau đó điều khiển phương tiện phóng để phóng đạn đánh chặn và hiệu chỉnh đạn đánh chặn ở giai đoạn giữa. Loại thứ tư là radar chiếu xạ nhỏ trên xe phóng, chịu trách nhiệm chính cho việc chiếu xạ mục tiêu vào giai đoạn cuối của đạn đánh chặn, đầu dẫn tên lửa nhận sóng radar do mục tiêu phản xạ để dẫn đường cho đạn ở giai đoạn cuối.

Sơ đồ phả hệ dòng tên lửa phòng không S-300 (Ảnh: QQ).

Sơ đồ phả hệ dòng tên lửa phòng không S-300 (Ảnh: QQ).

Cấu trúc hệ thống của S-300V4 vẫn sử dụng bộ tương tự của S-300V, nhưng hệ thống radar chỉ huy và phóng xe đã được cải tiến và nâng cấp kỹ thuật số. Về đạn đánh chặn, đã được thay thế bằng hai loại 9M83MD và 9M82MD mới. Hiệu suất cụ thể của hai loại đạn này chưa được tiết lộ, nhưng được biết loại 9M82MD kích thước lớn hơn đã nâng cao khả năng chống tên lửa. Quân đội Nga tuyên truyền rằng đạn tên lửa này có ​​khả năng đánh chặn loại tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 2500 km, tốc độ đánh chặn mục tiêu đã được tăng lên Mach 13 và khoảng cách đánh chặn tối đa được tuyên bố là đạt 350 đến 400 km (đối với mục tiêu như máy bay tầm cao). Đối với tầm bắn xa như vậy, phương thức dẫn đường của đạn 9M82MD có thể cũng đã được thay đổi, thay thế bằng dẫn đường bằng radar chủ động nên xe phóng không cần radar chiếu xạ nữa. Đương nhiên, một số cơ quan truyền thông cho rằng phương pháp dẫn đường không thay đổi, đạn 9M83MD và 9M82MD dùng chung radar chiếu xạ 9A83M2, nhưng có nhiều nghi vấn về hệ thống chiếu xạ bán chủ động lại được sử dụng cho khoảng cách xa như vậy.

Hai loại đạn mới của hệ thống S-300V4 (Ảnh: QQ).

Hai loại đạn mới của hệ thống S-300V4 (Ảnh: QQ).

Phạm vi đánh chặn 400 km của đạn tên lửa đánh chặn 9M82MD về cơ bản bao trùm toàn bộ vùng trời của Hokkaido, phạm vi đánh chặn này nên dùng cho các máy bay lớn, chẳng hạn như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu. Về cơ bản, nó đã gây ra mối đe dọa đối với hoạt động của các máy bay hỗ trợ giá trị cao của quân đội Mỹ đóng ở Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Hokkaido. Đối với hệ thống tên lửa S-300V4 thì thiên về nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo, thực ra không cần thiết cho quân đội Nga trên đảo. Đối với chính phủ Nga mà nói, việc triển khai hệ thống S-300V4 trên đảo thực ra mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, chủ yếu là tuyên bố chủ quyền với phía Nhật Bản, ý nghĩa quân sự thực ra chỉ là thứ yếu.

Trận địa tên lửa S-300V4 trên đảo Kunashir (Ảnh: QQ).

Trận địa tên lửa S-300V4 trên đảo Kunashir (Ảnh: QQ).

Cũng có thể thấy, việc quân đội Nga triển khai hệ thống phòng không S-300V4 trên 4 hòn đảo phía Bắc là mang tính đối phó rất cao.Với tính năng tuyệt vời và tầm bắn cực xa của S-300V4, thực tế nó là chiến lược phòng thủ tấn công “dùng mặt đất kiểm soát bầu trời” nhằm ngăn chặn hoạt động của các máy bay quân sự của Không quân Nhật và quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản trên Lãnh thổ phía Bắc. Sức chiến đấu tổng hợp của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản được đánh giá là vượt xa Lực lượng Phòng không và Không gian Nga và lực lượng phòng không trên bờ của hải quân Nga triển khai ở Viễn Đông, trong khi quân đội Mỹ tại Nhật Bản có tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn ATACMS và rất có khả năng triển khai tên lửa tầm trung đối đất và vũ khí siêu thanh trong tương lai. Việc Nga triển khai S-300V4 trên Lãnh thổ phía Bắc có thể coi là sự chuẩn bị đón đầu.

Không ảnh chụp trận địa S-300V4 trên đảo Kunashir (Ảnh: QQ).

Không ảnh chụp trận địa S-300V4 trên đảo Kunashir (Ảnh: QQ).

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái, hệ thống phòng không S-300 của Armenia đã bị quân đội Azerbaijan phá hủy và toàn bộ trận địa bị phá hủy: với sự hỗ trợ của hệ thống tác chiến điện tử, các máy bay không người lái của Azerbaijan đã định vị chính xác và phá hủy radar của hệ thống phòng không S-300 Armenia; sau đó là các dàn pháo phản lực tầm xa của quân đội Azerbaijan đã bắn rocket với đầu đạn chùm để trùm lên toàn bộ trận địa phòng không S-300.

Vì vậy, sự có mặt của hệ thống S-300V4 ở đảo Kunashir cũng chưa thể nói lên điều gì.