Nga chế tạo siêu tiêm kích Nga thế hệ 6, 7: Thật không?

Thông báo của một số quan chức Nga về việc nghiên cứu chế tạo không chỉ tiêm kích thế hệ 6 mà thậm chí cả thế hệ 7 hiện chẳng có chi tiết cụ thể nào chứng minh. Vì nhiều yếu tố khách quan, đây có vẻ là một chiến dịch PR hơn là các ý đồ thực tế.
Mô hình tiêm kích thế hệ 7 của Nga
Mô hình tiêm kích thế hệ 7 của Nga

Khi nói về tương lai không quân tiêm kích Nga, Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga (VKS), Thượng tướng Viktor Bondarev nói: “Nếu như chúng ta dừng lại bây giờ thì chúng ta sẽ dừng lại mãi mãi. Việc phát triển thế hệ 6 và có lẽ cả thế hệ 7 đang được tiến hành. Tôi không có quyền nói nhiều”. Còn Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin thì thông báo, Viện thiết kế Sukhoi đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu đầu tiên về tiêm kích thế hệ 6. Như vậy, sự quan tâm hoàn thiên liên tục vũ khí trang bị, trong đó có vũ khí trang bị không quân của nhà nước Nga thật đáng khen.

Hiện nay, trong lĩnh vực máy bay tiêm kích thế giới nổi lên hai xu hướng rõ ràng. Một là đưa đến mức hoàn thiện những phẩm chất truyền thống của máy bay đã được nêu trong công thức của Pokryshkin “độ cao-tốc độ-cơ động-hỏa lực”, nghĩa là chế tao máy bay có độ cao bay, tốc độ bay, sức cơ động và sức mạnh hỏa lực tối đa. Nga đang phát huy chính xu hướng này và PAK FA với khả năng tàng hình nhất định chính là một đại diện của tiêm kích thế hệ 5 hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của xu hướng này.

Thực tế, một số chuyên gia cho rằng, việc quá say mê ít nhất là một trong các phẩm chất là là thừa. “Cái gọi là khả năng siêu cơ động chỉ cần đạt được đúng ở mức để chiến đấu thực sự, chứ hoàn toàn không phải để gây sửng sốt cho đám đông ưa các màn mạo hiểm tại các triển lãm hàng không vốn thường kéo theo trọng lượng thừa mà làm giảm đi tải trọng hữu ích”, phi công thử nghiệm công huân, Anh hùng nước Nga Aleksandr Garnayev nói.

Xu hướng thứ hai là chế tạo các tiêm kích “trí năng cao” và các vũ khí của chúng để giao chiến với đối phương ở khoảng cách xa mà không phụ thuộc vào việc nó đang bay ở độ cao và với tốc độ nào, cơ động ra sao. Đó là con đường của Mỹ và nó đã có được sự thể hiện thực tế khá tệ là F-35. Máy bay tiêm kích tiến công này hiện được coi (mặc dù không phải có dị nghị) là máy bay thế hệ 5 tiên tiến nhất.

Bản thân việc phân chia ra thế hệ cũng chỉ có tính chất rất ước lệ và mơ hồ. “Những tuyên bố kiểu như “thế hệ 3, 4, 5++ và v.v...” không bao giờ khiến tôi với tư cách một chuyên gia quan tâm cũng như bất kỳ chuyên gia nào khác. Cái nhãn hiệu này ngay từ đầu đã được nghĩ ra giành cho những kẻ nghiệp dư ít hiểu biết”, ông Garnayev nhấn mạnh. Tuy nhiên, do Tư lệnh VKS Bondarev không có quyền nói nhiều về tiêm kích tương lai thế hệ 6 và 7 của Nga, người ta sẽ phải chú ý nhờ đến người Mỹ để có những tin tức nói về chuyện loại máy bay đó phải như thế nào vì người Mỹ thích nói chuyện hơn một chút.

Mang vũ khí laser, có động cơ thích ứng, dễ hiện đại hóa và không người lái

Theo tạp chí Mỹ National Interest, tiêm kích thế hệ 6 phải có ít nhất 5 đặc tính:

(1) Được trang bị vũ khí laser năng lượng cao.

(2) Lắp động cơ chu trình thay đổi thích ứng, có thể hoạt động như động cơ turbine quạt khi cần thực hiện các chuyến bay dài, trong đó có các chuyến bay xuyên đại dương, và như động cơ turbine phản lực khi cần tốc độ lớn.

(3) Có khả năng tàng hình radar cao. Điều đó đặt ra những yêu cầu rất ngặt nghèo đối với hình dáng máy bay. Nó phải là thiết kế “cánh bay-không đuôi”. Nếu như ở máy bay ném bom với cánh khá lớn thì áp dụng thiết kế đó khá dễ dàng xét từ góc độ khí động, nhưng ở tiêm kích cánh ngắn thì rất khó vì máy bay lúc đó sẽ gần như không thể điều khiển. Giải pháp chỉ có một là trang bị cho tiêm kích thế hệ 6 hệ thống tàng hình chủ động, tức là hệ thống có khả năng chế áp hoạt động của các radar tần số thấp lắp trên các tiêm kích đối phương dùng để phát hiện máy bay tàng hình.

(4) Có khả năng cực kỳ cao cho việc hiện đại hóa, kể cả trang bị hệ thống avionics và các vũ khí hiện đại hơn. 

(5) Đôi khi có thể sử dụng ở dạng không người lái, mặc dù đặc tính này không được chú ý nhiều bằng các đặc tính trước đó.

NGAD và F/A-XX

Một trong những khó khăn chính liên quan đến việc chế tạo F-35 là máy bay này được thiết kế với ý tưởng một tiêm kích tiến công vạn năng đa nhiệm, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ của tất cả các quân chủng của quân đội Mỹ, cả Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Nhưng theo khẳng định của hãng phân tích tình báo Mỹ RAND, ngay từ năm 1994, Lầu Năm góc đã biết rằng, cách tiếp cận đó đối với việc chế tạo tiêm kích này là sai hẳn về khái niệm. Cần rút ra bài học từ những sai lầm mắc phải, vì vậy, giới quân sự Mỹ không còn xem xét phương án chế tạo tiêm kích thế hệ 6 “vạn năng”.

Theo kế hoạch hiện có của họ thì sẽ có ít nhất 2 tiêm kích như vậy. Đó là các loại máy bay khác nhau mặc dù nền tảng của chúng dựa trên tối đa các công nghệ chung. Một trong số dành cho Không quân Mỹ là tiêm kích NGAD (Next Gen Air Dominance), tức là tiêm kích thế hệ mới dùng để giành ưu thế trên không. Loại còn lại là F/A-XX dành cho Hải quân Mỹ và là tiêm kích tiến công đa nhiệm với nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất và mặt nước sẽ không kém phần quan trọng và thậm chí quan trọng hơn nhiệm vụ tấn công mục tiêu trên không.

Cả 2 loại máy bay sẽ được chế tạo để giành ưu thế trên không và chỉ sau đó chúng mới được bổ sung (ở mức độ nhiều hay ít hơn) khả năng tác chiến chống lục quân hay hải quân đối phương. Thực tế cho thấy, việc biến một tiêm kích thành cường kích hay máy bay ném bom thì dễ hơn là ngược lại.

Sở thích tốn kém

Liệu Liên Xô có thể chế tạo xe Mercedes không? Người ta nói rằng, chính câu hỏi đó một lần đã được Stalin đặt ra cho Beria. “Nếu một chiếc thì được”, ông tổ công nghiệp quốc phòng Liên Xô nói. Đánh giá một cách thực tế văn hóa sản xuất, cũng như khả năng kinh tế của Liên Xô, Beria không tin rằng, Liên Xô sẽ có thể sản xuất được hàng loạt một loại xe ô tô công nghệ cao như vậy. Câu chuyện đó chợt đến khi nhớ đến tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov đưa ra năm 2015. Hồi đó, ông nói rằng, quân đội Nga sẽ mua sắm số lượng tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 ít hơn so với dự định trong chương trình vũ khí nhà nước đến năm 2020.

Theo tờ Kommersant thì quân đội Nga sẽ chỉ ký hợp đồng mua 12 chiếc T-50 và sau khi đưa vào sử dụng sẽ tính toán xem họ sẽ có thể mua bao nhiêu chiếc T-50 mặc dù trước đó họ tính toán chắc chắn là mua 52 chiếc. “Chúng tôi thậm chí đã lên tiến độ bàn giao. Trong giai đoạn 2016-2018, Không quân Nga sẽ nhận được 8 chiếc tiêm kích mỗi năm, còn giai đoạn 2019-2020 sẽ là 14 chiếc loại này mỗi năm”, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga nói. Theo nguồn tin này, các kế hoạch này hoàn toàn khả thi nếu như không phát sinh những khó khăn kinh tế ở Nga như vừa rồi.

Tiêm kích thế hệ 6 sẽ có hàm lượng công nghệ cao hơn, nghĩa là sẽ đắt hơn nhiều tiêm kích thế hệ 5. Vì thế, những khó khăn kinh tế của Nga, nếu như không khắc phục được, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nghiên cứu chế tạo và sản xuất tiêm kích thế hệ 6 nhiều hơn đối với tiêm kích thế hệ 5. Tuy nhiên, người Mỹ, sau khi ăn quả đắng với F-35, sẽ không phát triển chỉ một tiêm kích “vạn năng” mà sẽ phải chế tạo ít nhất 2 tiêm kích thế hệ 6. Điều đó sẽ gây khó khăn hơn nữa việc giải quyết nhiệm vụ này của Nga.

Nhưng thậm chí không tính đến những yếu tố kinh tế thì những tuyên bố về việc Nga phát triển tiêm kích thế hệ 6 và thậm chí cả thế hệ 7 cũng vẫn tạo ra những cảm giác kỳ quái. Chúng giống như những cảm giác sinh ra khi ta nghe được từ truyền hình thông tin nói là cần xúc tiến ra thị trường thế giới loại sản phẩm của Nga “vượt trội những sản phẩm tương tự tốt nhất của thế giới” trong khi tên tuổi của sản phẩm này cũng không được công bố. Còn về chuyện các tiêm kích thế hệ 6 và 7 của Nga mồm ngang mũi dọc như thế nào thì các lãnh đạo công nghiệp quốc phòng Nga lại “không có quyền nói nhiều” và làn sương mù chỉ dày thêm khi không có những tiêu chí rõ ràng xác định không chỉ tiêm kích thế hệ 6 và 7 mà thậm chí ngay cả tiêm kích thế hệ 5.
 
Kết quả là ta có cảm tưởng rằng, những tuyên bố về việc Nga phát triển các tiêm kích kế tiếp PAK FA chỉ là để củng cố cảm giác ở người Nga là ngành chế tạo tiêm kích Nga là “tiên phong nhất” thế giới, trong khi những lời nói này cũng xa rời với thực tế như chuyến bay lên mặt trăng trên quả đạn đại bác của Nam tước Munchausen. Có lẽ, trong tương lai gần, tập trung vào việc đưa vào trang bị PAK FA một cách thực sự cả về mặt chất lượng và số lượng sẽ có nhiều ý nghĩa hơn, để tránh tình huống Nga sẽ được trang bị một tiêm kích T-50 “dở dang” và tiêm kích kế tiếp nó.

Theo VND