Trang tin Sina Trung Quốc ngày 5/11 cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã sắp đến giây phút cuối cùng, tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump luôn giằng co nhau.
Bài viết dẫn một nguồn tin người Hoa ở Mỹ cho rằng việc người Hoa năm nay lao vào bỏ phiếu cho Donald Trump là một điều đáng “kinh ngạc”, bởi vì ông này “ghét” Trung Quốc, muốn lập hàng rào để hạn chế thương mại với Trung Quốc.
Theo nguồn tin này, ông Donald Trump luôn muốn nói đến Trung Quốc, kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán; còn bà Hillary Clinton lại yêu cầu Trung Quốc "gánh trách nhiệm nhiều hơn".
Nhưng, nếu nhìn lại cuộc đời chính trị của bà Hillary Clinton, sẽ phát hiện bà đã có nhiều “quan hệ” với Trung Quốc. Kinh nghiệm được bà Hillary Clinton tích lũy rất có thể sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của bà trên cương vị Tổng thống của nước Mỹ.
Thái độ của bà Hillary đối với Trung Quốc là "phân thành các giai đoạn". Khi còn là Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, bà Hillary Clinton từng nhiều lần đến Trung Quốc và thường xuyên “làm khó” Trung Quốc về vấn đề "nhân quyền".
Bà cũng từng dẫn đoàn đến Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để tham dự Đại hội phụ nữ thế giới tổ chức vào tháng 9/1995. Khi đó, bà phê phán Trung Quốc từ chối cho một số đại diện phụ nữ NGO tham dự hội nghị, nội dung phát biểu của bà đã gây tức giận cho Bắc Kinh.
Năm 2008, khi bà tranh cử Tổng thống lần đầu tiên, bà kiến nghị Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush cần lấy "kỷ lục nhân quyền" làm lý do để ngăn chặn Olympic Bắc Kinh.
Khi làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton vẫn lấy vấn đề trên làm nguyên tắc hàng đầu trong chính sách đối với Trung Quốc. Trong một chuyến thăm vào năm 2011, bà nói kỷ lục nhân quyền của Trung Quốc là "bi thảm" và nói Trung Quốc sẽ “sụp đổ”.
Nhưng sau đó, bà Hillary Clinton từng cho biết rõ là sẽ không "làm lớn" về vấn đề nhân quyền khi bà đến thăm Trung Quốc.
Những "kinh nghiệm về Trung Quốc" phong phú nhất của bà Hillary Clinton cũng thực sự chủ yếu đến từ nhiệm kỳ Ngoại trưởng của bà (giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013). Là Ngoại trưởng, bà Hillary liên tiếp thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc.
Trong thời gian làm Ngoại trường, bà Hillary đã đi một hành trình dài 956.733 dặm Anh, đã thăm 112 nước. Trong 4 năm, bà Hillary đến thăm Trung Quốc tới 7 lần.
Trong thời gian này, hành động chủ yếu nhất của bà Hillary Clinton chính là hỗ trợ Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, đồng thời đích thân "ra trận" trong vấn đề Biển Đông.
Trong hồi ký "Sự lựa chọn khó khăn" của mình, bà Hillary Clinton cho biết tháng 5/2010, Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung tổ chức ở Bắc Kinh, khi đó bà bắt đầu quan tâm đến tình hình Biển Đông.
Trong đối thoại, đại diện Trung Quốc ngang nhiên khẳng định Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", giống như Đài Loan, Tây Tạng. Nói cách khác, đây là một vấn đề không thể trao đổi.
"Họ cảnh cáo cho biết Trung Quốc sẽ không khoan nhượng với sự can thiệp từ bên ngoài". "Trên đường từ Bắc Kinh bay về Mỹ, tôi và đội ngũ của tôi đã thận trọng phân tích tình hình. Tôi cho rằng Trung Quốc đã đánh giá cao sức mạnh của họ" - Bà viết.
Sau đó Chính phủ Mỹ quyết định bắt đầu một loạt hành động thách thức (các yêu sách quá mức của) Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 23/7/2010, trên cương vị Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton đã tham dự Hội nghị Ngoại trưởng của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Bà đã lần đầu tiên đề cập đến vấn đề tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông, khẳng định Biển Đông có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Có thể nói, phát biểu của bà Hillary Clinton đã đánh dấu Mỹ trực tiếp can dự vào vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, đây chính là sự khởi đầu cho việc "chuyển hướng sang châu Á" của Mỹ.
Sau đó, bà Hillary Clinton tuyên bố "thế kỷ 21 là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ", chú trọng khẳng định lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực chính trị và an ninh, xây dựng lại hệ thống đồng minh và quan hệ đối tác của Mỹ ở khu vực, xác lập "biên giới mới" trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc:
"Chính trị tương lai sẽ quyết định ở châu Á, Mỹ sẽ dấn thân vào trung tâm của hành động". Ngay sau đó, Mỹ đã có một loạt hành động nhằm vào Trung Quốc như vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines.
Cũng chính vì vậy, rất nhiều nhà phân tích Trung Quốc tin rằng: Bà Hillary Clinton đại diện cho tiếng nói tương đối cứng rắn đối với Trung Quốc trong vấn đề an ninh và nhân quyền. Họ dự đoán, nếu bước chân vào Nhà Trắng, bà Hillary sẽ sẵn sàng hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Trong sách xanh công bố trong năm 2016, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng nếu bà Hillary đắc cử Tổng thống, va chạm, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ leo thang.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng nếu bà Hillary cuối cùng lên làm Tổng thống thì sẽ tiếp tục rất nhiều chính sách của ông Barack Obama. Trong chính sách đối với Trung Quốc, "quan điểm về Trung Quốc" của bà Hillary tương đối ăn khớp với ông Barack Obama, nhưng cũng có đặc điểm riêng.
Bà Hillary tán thành chính sách tiếp xúc với Trung Quốc của chính quyền Barack Obama, cũng nhiều lần tuyên bố "một nước Trung Quốc thịnh vượng có lợi cho Trung Quốc, cũng có lợi cho Mỹ". Nhưng bà chưa từng cho rằng Mỹ có thể cùng Trung Quốc kết thành đối tác hợp tác toàn diện, nói Trung Quốc nhiều nhất là một "bên có lợi ích liên quan mang tính lựa chọn".
Mặc dù bà Hillary Clinton đã tham gia xây dựng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Barack Obama, nhưng trong thời gian tranh cử, bà chuyển thái độ phản đối một trong những nội dung cốt lõi của chiến lược này, đó chính là Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước thành viên.
Nếu bà Hillary đắc cử, tình hình lý tưởng sẽ là Quốc hội phê chuẩn TPP trước khi bà tuyên thệ nhậm chức. Nhưng, nếu Quốc hội không phê chuẩn TPP, bà sẽ đứng trước sự lựa chọn gian nan - đó là có khởi động lại thỏa thuận này hay không.
Bà từng nói TPP cực kỳ quan trọng đối với vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng sau đó lại cho rằng thỏa thuận này tồn tại thiếu sót trong thực tiễn.
Theo tờ The Financial Times Anh, sách lược được các cố vấn về châu Á của bà Hillary đang thảo luận được tăng cường hơn so với "chuyển hướng sang châu Á" của ông Barack Obama, dó là một loạt biện pháp nhằm xây dựng mạng lưới đối tác hợp tác và đồng minh ở cấp độ sâu hơn.
Mạng lưới này có thể "đe dọa" Trung Quốc và tăng cường tiếng nói của Mỹ về thương mại và tự do đi lại.
Chuyên gia Thời Ân Hoằng chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế từ Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: "Về thái độ đối với Trung Quốc, bà Hillary Clinton cứng rắn hơn so với ông Barack Obama".
Một phán đoán cơ bản là: Nếu bà Hillary Clinton lên cầm quyền, một số vấn đề nhất quán về chính sách Trung Quốc của Mỹ trong nhiều năm qua vẫn sẽ phát huy tác dụng.
Chính sách của bà Hillary đối với Trung Quốc chắc chắn là chính sách trong khuôn khổ tổng thể chính sách đối nội, đối ngoại của bà, sẽ thể hiện ra tính kế thừa và tính tiếp diễn khá mạnh, đồng thời ở mức độ rất lớn thể hiện đặc trưng "thúc đẩy các vấn đề nóng".