Nếu an ninh bị đe dọa Nhật Bản có thể phát hành công trái để chế tạo tàu sân bay

VietTimes -- Trong tương lai, Nhật Bản có công nghệ chế tạo tàu sân bay thực sự, nhưng có chế tạo hay không sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc, nhất là khả năng phải yểm trợ đường không cho quần đảo Ryukyu và đảo Senkaku.
Tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo Nhật Bản hạ thủy ngày 27/8/2015. Ảnh: Sina
Tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo Nhật Bản hạ thủy ngày 27/8/2015. Ảnh: Sina

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 7/10 dẫn tờ nguyệt san The National Interest Mỹ gần đây đăng bài viết bàn về tình hình Nhật Bản chế tạo “tàu sân bay” của tác giả Kyle Mizokami, chuyên gia vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia.

Bài viết cho rằng trong hải quân các nước hiện nay có một số tàu tính năng tuyệt vời nhất do Nhật Bản chế tạo. Sau hơn 69 năm, Nhật Bản có thể tiếp tục biên chế tàu sân bay có không gian rộng, nối thẳng đầu đuôi và tàu chiến cỡ lớn có đường băng độ dài tiêu chuẩn cho "hải quân" nước này.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện nay sở hữu 3 tàu sân bay trực thăng: tàu Hyuga và tàu chị em của nó là Ise, cùng với tàu cỡ lớn hơn Izumo.

3 tàu sân bay kể trên đều rất giống tàu sân bay, nhưng do lo ngại về chính trị và thiết kế kỹ thuật, chúng được cho là đều không phải tàu sân bay, trong tương lai cũng sẽ không trở thành tàu sân bay.
Mặc dù vậy, quỹ đạo phát triển hiện nay của Nhật Bản có thể giúp họ cuối cùng sở hữu tàu sân bay, nếu như điều này cần thiết.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ quyền chiến tranh của một quốc gia bình thường. Chính phủ Nhật Bản được quyền xây dựng Lực lượng Phòng vệ, đó là lực lượng vũ trang chuyên phòng vệ.

Tàu sân bay trực thăng Hyuga Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay trực thăng Hyuga Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Lực lượng Phòng vệ Biển là một lực lượng "hải quân" "hữu thực vô danh", bị một số hạn chế lớn: Chính phủ Nhật Bản cấm chế tạo vũ khí mang tính tấn công, nhất là tàu sân bay.

Mặc dù vậy, vài chục năm qua, Lực lượng Phòng vệ Biển luôn tìm cách chuyển đổi "hàng không hóa" hải quân. Nhiệm vụ cốt lõi của Lực lượng Phòng vệ Biển là bảo vệ các tuyến đường hàng hải của Nhật Bản.

Vì vậy, Nhật Bản muốn sở hữu một tàu sân bay, cho dù đó là tàu tương tự như tàu sân bay hạng nhẹ lớp Invincible của Hải quân Hoàng gia Anh. Tầng lớp cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã triển khai một chiến lược rất dài hạn để thực hiện mục tiêu này.

Hồi cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Lực lượng Phòng vệ Biển đã chế tạo 2 tàu khu trục chở trực thăng lớp Haruna. Một nửa không gian của tàu Haruna và tàu chị em Hiei đều dành làm nơi đỗ máy bay trực thăng và nhà chứa máy bay.
Sứ mệnh chủ yếu của 2 tàu chiến này là đóng vai trò đường băng di động trên biển của máy bay trực thăng săn ngầm. Nhật Bản sau đó lại chế tạo 2 tàu khu trục lớp Shirane được lắp ráp tương tự.

Bất kể tưởng tượng thế nào, các tàu khu trục lớp Haruna và lớp Shirane đều không phải tàu sân bay, nhưng chúng là được "thử nghiệm" hàng không hóa hải quân.

Tàu khu trục chở trực thăng lớp Shirane Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục chở trực thăng lớp Shirane Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Nhật Bản sau này lại chế tạo tiếp tàu đổ bộ lớp Osumi. Loại tàu này có lượng giãn nước đầy là 14.000 tấn, chủ yếu dùng để vận chuyển lực lượng mặt đất giữa các đảo của Nhật Bản.

Điều gây chú ý là tàu này cũng có đường băng dài tiêu chuẩn - mặc dù trên tàu không có nhà chứa máy bay dùng để chứa, sửa chữa máy bay, sự giống nhau giữa nó và tàu sân bay thực sự cũng cao nhất cho đến nay.

Năm 2009, việc hạ thủy tàu sân bay trực thăng Hyuga trở thành một bước đi lớn thực hiện "hàng không hóa" hải quân của Nhật Bản. Tàu chiến Hyuga và tàu chị em của nó Ise dài 676 thước Anh (1 thước Anh khoảng 0,3 m), lượng giãn nước đầy là 19.500 tấn - lượng giãn nước này đã vượt tàu sân bay hạng nhẹ Invincible.

Các tàu sân bay trực thăng Hyuga và Ise đều chở 4 máy bay trực thăng săn ngầm, nhiều nhất có thể chở 11 máy bay trực thăng săn ngầm.

Năm 2013, tàu sân bay trực thăng có quy mô lớn hơn là Izumo hạ thủy. Tàu Izumo dài 816 thước Anh, lượng giãn nước đầy lên tới 27.000 tấn. Tàu Izumo và tàu chị em Kaga có thể chở 9 máy bay trực thăng, nhiều nhất có thể chở 14 máy bay trực thăng.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Osumi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu tấn công đổ bộ lớp Osumi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Trong hạm đội hộ tống gồm các tàu khu trục và tàu hộ vệ, tàu Izumo và Kaga đều là tàu chiến quan trọng nhất, mục đích thiết kế của chúng là bảo vệ đội tàu tránh bị tàu ngầm tấn công.

4 tàu chiến kể trên có đường băng dài tiêu chuẩn, bánh lái độ cao máy bay và nhà chứa máy bay rộng. Mặc dù vậy, khác với tàu sân bay thông thường, các tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga và lớp Izumo không thể chở máy bay cánh cố định.

Cho dù về lý thuyết hai loại tàu chiến này có thể chở máy bay chiến đấu tấn công liên hợp cất hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn F-35B, nhưng khi quyết định thiết kế thân tàu hoàn toàn không tính toán đến việc chở máy bay nói trên.

Trên tàu chưa lắp đặt thiết bị hỗ trợ cất cánh cho loại máy bay này, nếu muốn làm thì phải tiến hành cải tạo quy mô lớn.

Mặc dù các tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga và lớp Izumo đều lắp bánh lái độ cao máy bay, nhưng đều chỉ có một bánh lái độ cao máy bay có đủ không gian chứa các máy bay có kích cỡ khá lớn như F-35B và MV-22 Osprey.

Tàu lớp Hyuga và lớp Izumo đều có hệ thống dự trữ đạn dược và nhiên liệu hàng không, nhưng muốn chở máy bay chiến đấu cánh cố định (dù số lượng ít) thì những tàu này cũng cần tiến hành cải tạo quy mô lớn.

Tóm lại, việc biến những tàu chiến này thành tàu sân bay lâm thời có độ khó rất lớn, phải bỏ ra rất nhiều thời gian và chi phí đắt đỏ.

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Trong tương lai, tàu chiến chở máy bay của Nhật Bản sẽ ngày càng lớn, sức chiến đấu cũng ngày càng mạnh, chẳng hạn: tàu sân bay trực thăng Izumo có lượng giãn nước là 27.500 tấn, độ dài trên 800 thước Anh. Nếu làm một tàu sân bay trực thăng thực sự thì căn bản không cần thiết chế tạo lớn như vậy.

Điều này cho thấy Nhật Bản đang chế tạo tàu chiến ngày càng lớn với mục đích là tích lũy kinh nghiệm để cuối cùng chế tạo một chiếc tàu sân bay thực sự có thể chở máy bay cánh cố định.

Nếu Nhật Bản chế tạo tàu sân bay có thể chở máy bay cánh cố định thì sẽ điều đến khu vực nào? Trường hợp có khả năng nhất là tiếp tục tăng cường yểm trợ đường không cho quần đảo Ryukyu và đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Hiện nay, tiến hành yểm trợ trên không chủ yếu là do một căn cứ không quân kiêm sân bay dân dụng ở đảo Okinawa.

Mặc dù vậy, xét tới 2 quần đảo trên cách Trung Quốc rất gần, trừ phi có thể dùng 1 chiếc (hoặc 2 - 3 chiếc) tàu sân bay đồng thời cất cánh vài chục máy bay, nếu không Không quân và lực lượng đường không Hải quân Trung Quốc luôn có thể áp chế lực lượng đường không của Hải quân Nhật Bản dựa trên ưu thế số lượng tuyệt đối.

Cuối cùng, Nhật Bản chế tạo tàu sân bay thực sự còn gặp khó khăn. Tổng nợ của Chính phủ Nhật Bản đến nay đã gấp đôi quy mô kinh tế nước này. Ngân sách quốc phòng Nhật Bản ở mức khoảng 1% GDP, vì vậy mức tăng là chậm. 

Trung tuần tháng 8/2016, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản được chế tạo xong. Ảnh: báo Phượng Hoàng.
Trung tuần tháng 8/2016, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản được chế tạo xong. Ảnh: báo Phượng Hoàng.

Điều kiện giả định duy trì trạng thái trên của ngân sách quốc phòng Nhật Bản là không tồn tại khủng hoảng an ninh to lớn, vì vậy không cần thiết chế tạo tàu sân bay. Nếu quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc xấu đi, Tokyo có thể phát hành công trái để có tiền chế tạo tàu sân bay.

Hiện nay, Nhật Bản đang ở một điểm chuyển ngoặt quan trọng. Nước này sở hữu khả năng công nghệ chế tạo tàu sân bay, còn có thể nhận được máy bay (biên chế cho tàu sân bay) tiên tiến nhất thế giới.

Ngoài ra, Nhật Bản còn có thể dựa vào kỹ thuật chuyên nghiệp và kinh nghiệm của Hải quân Mỹ, xây dựng lại một lực lượng tàu sân bay mới. Mặt khác, về chiến lược, Nhật Bản hiện thiếu động lực chế tạo hạm đội tàu sân bay.

Điều này tùy thuộc vào Trung Quốc và Trung Quốc là nhân tố mang tính quyết định duy nhất.