Con số này đã bao gồm chi phí điều động 300.000 lính dự bị, những người phải rời bỏ công việc của mình – đây là đợt điều động lớn nhất kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, thời điểm mà Israel điều động 400.000 binh sĩ dự bị - ngoài ra còn tính đến phí tổn khôi phục cơ sở hạ tầng, nhà ở và nhiều bộ phận của quân đội, khả năng chiến dịch quân sự kéo dài, và phí tổn phục hồi sức khỏe các thương binh, chi phí chăm sóc gia đình các liệt sĩ trong nhiều năm.
“Ở thời điểm hiện tại, rất khó để biết cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào – liệu có kích hoạt một chiến dịch dưới mặt đất để chiếm nhiều phần của Dải Gaza kéo dài trong nhiều tuần lễ, hay một chiến dịch khởi động ở phía Bắc, và lực lượng dự bị sẽ được điều động trong bao lâu?”, chiến lược gia trưởng của Bank Hapoalim, Modi Shafrir, cho hay.
“Có thể giả định rằng chi phí của cuộc chiến ít nhất sẽ chiếm khoảng 1,5% GDP của Israel, tức thâm hụt thương mại sẽ lên tới ít nhất 1,5% GDP trong năm tới”, ông nói thêm.
Dự báo mà Bank Hapoalim đưa ra một phần dựa trên phí tổn của các cuộc chiến mà Israel tham gia trước đây. Chiến tranh Liban lần thứ hai năm 2006, kéo dài 34 ngày, có phí tổn ước tính khoảng 9,4 tỉ shekel (2,4 tỉ USD), tương đương 1,3% GDP, theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS). Phí tổn của Chiến dịch Cast Lead, từ tháng 12/2008 đến tháng 1/2009, được ước tính khoảng 3,3 tỉ shekel (835 triệu USD).
Các cuộc chiến trong quá khứ của Israel, như Chiến tranh Liban lần thứ hai năm 2006, đã làm tê liệt một phần của đất nước này do các loạt rocket, nhưng không kéo dài đủ để làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế của họ. Sau khi các loạt tên lửa dừng bắn, binh sĩ và lính dự bị trở về nhà, nền kinh tế Israel giai đoạn hậu chiến đã phục hồi khá nhanh chóng.
“Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy tác động của chiến tranh đối với GDP chủ yếu ảnh hưởng tới số liệu tiêu dùng cá nhân và du lịch. Tuy nhiên, do đợt điều động lớn lực lượng dự bị cùng với khả năng chiến sự kéo dài nhiều tuần trong cuộc chiến lần này, nó có thể gây tổn thất trực tiếp tới nền kinh tế Israel nếu so với các chiến dịch trước đây”, ông Shafrir nói.
Rủi ro từ đồng tiền suy yếu và giá dầu
Kể từ cuộc tấn công đột ngột của Hamas vào ngày 7/10 và sau khi Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, thị trường chứng khoán và trái phiếu trong nước đều sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp và trường học đã phải tạm thời đóng cửa, trong khi hầu hết các chuyến bay đến Tel Aviv của các hãng hàng không đã bị ngừng hoạt động.
Ngân hàng Trung ương Israel trong tuần này cho biết họ sẽ bán 30 tỉ USD ngoại hối để hỗ trợ đồng shekel và ngăn chặn sự sụp đổ của đồng tiền này. Tuy nhiên, bất chấp thông báo này, đồng nội tệ đã sụt giảm hơn 2% trong hai ngày qua và đang giao dịch quanh mức 3,95 shekel đổi 1 USD.
Ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới phải đối mặt với sự bất ổn mới từ cuộc chiến giữa Israel và Hamas, và có thể chứng kiến hậu quả từ cuộc xung đột ở Trung Đông - đặc biệt là từ giá dầu.
IMF dự báo rằng đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,9% trong năm 2024, từ mức 3% trong năm nay. Dự báo được đưa ra trong lúc thế giới chưa hoàn toàn hồi phục sau đợt suy thoái do COVID-19 và vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi lãi suất cao và chiến sự ở Ukraine.
“Còn quá sớm” để đánh giá về tác động của chiến sự Israel-Hamas đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, phát biểu tại một cuộc hội thảo. Ông nói rằng IMF “đang theo dõi sát sao tình hình” và nhấn mạnh rằng giá dầu đã tăng khoảng 4% trong vài ngày qua.
“Chúng ta đã từng chứng kiến điều đó trong các cuộc khủng hoảng và xung đột trước đây. Và đương nhiên, điều này phản ánh lại rủi ro tiềm ẩn về sự gián đoạn trong sản xuất hoặc vận chuyển dầu trong khu vực”, ông nói.
Sức ép đè nặng lên nền kinh tế
Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảnh báo về một cuộc chiến kéo dài và khó khăn, cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra, nền kinh tế đất nước – dù vẫn đang khá ổn định – đi theo xu hướng giảm tăng trưởng.
Kể từ đầu năm nay, tiến trình cải tổ tư pháp gây tranh cãi ở Israel đã khiến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao bị chậm lại, động lực tăng trưởng chính của đất nước và tỷ giá hối đoái shekel suy yếu. Lãi suất tăng cao, lạm phát gia tăng và dự báo về sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu cũng đang đè nặng lên tăng trưởng của quốc gia này.
Trước khi chiến tranh bùng nổ, Ngân hàng Israel ước tính nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 3% trong mỗi năm 2023 và 2024, sau khi tăng trưởng hơn 6% vào năm ngoái.
Vào tháng 8, thâm hụt tài chính của Israel đã tăng lên 1,3% GDP, tương đương 23,1 tỉ shekel (6 tỉ USD), trong 12 tháng trước đó, do nguồn thu từ thuế của nhà nước tiếp tục giảm và chi tiêu chính phủ tăng. Thâm hụt đã vượt qua mục tiêu dự kiến (khoảng 1,1%) do chính phủ phê duyệt phân bổ hàng tỉ shekel trong quỹ nhà nước để đáp ứng các yêu cầu của liên minh Haredi.
Hiện tại, chính phủ sẽ cần chi tiêu nhiều hơn cho chiến dịch quân sự, có nghĩa là họ sẽ phải vay thêm vốn trong môi trường lãi suất cao và có thể phải xem xét tăng thuế, điều này tiếp tục tạo áp lực lên nền kinh tế./.
Tại sao chiến tranh ở Trung Đông không tạo cú sốc năng lượng nghiêm trọng như trước đây?
Xung đột ở Trung Đông: Tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu
Giá vàng, dầu mỏ tăng vọt do xung đột Palestine – Israel
Theo AP, Times of Israel