Cái đói không của riêng ai
Tôi là cháu trai nên được bà rất chiều, còn mẹ - khỏi phải nói. Chợ về bao giờ cũng có quà. Quà phiên chợ đói mẹ đưa về cho chúng tôi lúc tấm mía gầy, lúc mấy củ khoai lang còi cọc. Mấy đứa em xúm quanh nhìn tôi bóc khoai, bóc cẩn thận cho thật hết vỏ.
Khoai được chia cho hai em phần lớn, còn tôi phần nhỏ hơn bởi tôi còn được tất cả phần vỏ còn lại, vun một nắm cho vào miệng nhai ngon lành. Vỏ khoai là thứ xưa nay không ai ăn vì nào có tiêu được, ăn vào bụng rồi trả lại cho đất mà thôi. Mấy anh em xúm quanh mấy củ khoai, trịnh trọng bóc và hăm hở nhai cả vỏ - đó là kỷ niệm về đói tôi không bao giờ quên.
Cả làng hiu hắt, vườn cổng đóng kín. Thế mà vẫn có người chui được vào nhà vì không còn chó. Người không có cái ăn thì chó cũng chết hết để làm cái ăn cho người. Người làm mướn cho ông bà tôi, một người đàn bà góa rất nghèo, đến thăm ông bà, ngồi ở góc nhà, mắt nhìn khắp trần nhà, dưới nhà. Không phải đến bây giờ mà ngay từ lúc ấy tôi đã thấy mắt của người đói rất đặc biệt.
Quan sát bà làm mướn và quan sát những người trong làng tha thẩn ngoài đường, ngoài ngõ tôi thấy họ thân hình thì khô quắt, chỉ còn da bọc xương, đi đứng không vững, cử động thì chậm chạp, nhưng mắt lại rất tinh. Cặp mắt săm soi nhìn khắp mặt đất và đảo khắp chung quanh để tìm.
Tìm một mầm xanh của cây lá để ngắt; tìm một cái gì còn động đậy để vồ lấy, bất kể đó là con chuột, con nhái, con cào cào, thậm chí là con kiến, con gián. Tôi nhớ lần ấy bà làm mướn có nói với mẹ tôi là gián ăn cũng được, và còn ngon là đằng khác. Người đói ăn được cả gián, đó là tri thức của tôi trong năm đói 1945.
Sau này xem phim Papillon - người tù khổ sai khi thấy Papillon nằm bẹp trên nền đất, tay quờ quạng, ráo riết bắt cho được một con gián dưới quầng sáng của ánh đèn phòng biệt giam, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi được nghe từ một người đói ngày ấy.
Rồi lại nhớ đến lần đón khách Cộng hòa dân chủ Đức, năm 1972, ở khách sạn Métropole, Hà Nội, khi thấy một con gián lấp ló ở góc phòng, ông bạn giáo sư Hans Kortum bỗng kinh hãi và đòi đổi phòng ngay. Bởi, với ông, gián là thứ insecte (côn trùng) kinh tởm nhất.
“Nghệ thuật làm no”
Cái năm Dậu ấy tôi được thấy, hoặc được nghe kể biết bao người trong làng đã cố níu lấy sự sống bằng tất cả những gì có thể ăn được. Thân và gốc cây chuối và cây đu đủ. Gốc củ ráy (ngứa vô cùng). Rau má và tất cả các loại rau dại mọc ở rìa làng. Kể cả cây choóc - ngứa không kém củ ráy, ở ngoài đồng. Tất cả bỗng dưng trơ trụi, rồi biến hết. Bởi rau cỏ là thứ lành bụng.
Nhà tôi còn có cơm ngày hai bữa, mỗi bữa một lon sữa
bò hai lạng rưỡi gạo, cho trộn với một rổ rau má to, xóc đều, rồi chia ra bốn cái bát lùm lùm, ai nấy lào xào ăn, chỉ một lúc sau lại đói meo. Một loại thức ăn khác là cám và khô dầu. Cám là thứ cho lợn, bây giờ làm thành bánh cho người. Cám được xem là bùi bùi, thơm thơm và nhất là no lâu. Ăn một cái bánh cám, uống một bát nước thì cứ là lưng lửng cả ngày.
Cũng như cám, khô dầu là bã của các loại hạt béo như lạc, đỗ sau khi đã ép hết nước dầu. Khô dầu đóng thành bánh bán ở chợ để chăn nuôi gia súc, bây giờ người tranh nhau mua để thay cơm. Khô dầu ăn nhiều tức bụng, ăn ngày này qua ngày khác có thể sưng bủng ra mà chết. Không phải chết đói mà là chết... no. Tôi lại nhớ Một bữa no của Nam Cao.
Tôi đã thấy bao người đói đi lại quanh quẩn, vùng này qua vùng khác để tìm cái ăn. Đồng ruộng bạc phếch, không một màu xanh. Vườn tược hoang phế, không còn cây cối. Làng mạc hết cả tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Những người chết thì đã được bó vào chiếu đưa ra đồng. Cho đến lúc chiếu cũng không còn để mà bó. Những người sống thì tha thẩn trong nhà ngoài ngõ, hoặc vất vưởng trên đường, đi đứng liêu xiêu, dáng hình lểu đểu... mới thấy khủng khiếp đến thế nào cái đói của cả làng, cả nước.
Bây giờ nghĩ lại chuyện đời thấy sao dân ta khổ quá. Đọc truyện Một làng chếtcủa Thanh Tịnh (trong tập truyện Quê mẹ) và Quái dị của Nam Cao ta hiểu cái chết do dịch tễ gây ra cho một làng. Dịch tễ như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, kiết lỵ... khiến cả “một làng chết”, ít còn ai sống sót, không còn người đi chôn.
Đọc Nghệ thuật làm no... của Ngô Tất Tố ta biết người nông dân quê ông đã có cách ăn đất sét để đánh lừa dạ dày khi cả một vùng đồng bãi phía bắc sông Hồng bị nhận chìm trong lũ lụt - một thứ lũ lụt ngâm rất lâu khiến cây cỏ khó mà sống sót...
Còn cái đói và chết năm Ất Dậu là đói và chết trên cả một địa bàn rộng lớn gồm cả trung du và đồng bằng Bắc bộ, lan vào cả một nửa miền Trung, trong đó có quê tôi. Cái chết của 2 triệu người do hậu quả của biết bao chính sách thâm hiểm và tội ác của Nhật - Pháp nhằm dồn cả một dân tộc vào thảm họa diệt chủng.
Hai triệu người, tức là ngót 1/10 dân số VN lúc ấy; và có thể còn chết thêm nữa nếu không có khẩu hiệu phá kho thóc do Việt Minh đưa ra - vậy là thóc vẫn còn ở các kho; rồi tổng khởi nghĩa tháng tám, cả dân tộc từ Bắc đến Nam rùng rùng chuyển động trong cả một rừng cờ đỏ sao vàng. Một nạn đói khủng khiếp, và tiếp đó, một cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc - đó là ấn tượng và ký ức Ất Dậu 1945 mà một đứa trẻ lên bảy như tôi đã được chứng kiến và trải nghiệm để in sâu vào bộ nhớ cho đến suốt đời.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh giữa những ngày tháng thương tâm ấy của năm Ất Dậu. Chỉ một ngày sau khi ra mắt toàn thể quốc dân, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, vấn đề cứu đói đã được đưa ra: “Nhân dân ta đang đói... Những người thoát chết đói, nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Và nhà nước non trẻ đã tìm ra giải pháp...
Giáo sư Phong Lê.
Theo: Tuổi Trẻ