Theo báo cáo thường niên về thương mại quốc phòng năm 2014 do công ty nghiên cứu HIS Inc của Mỹ công bố hôm 8-3, những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga trong năm vừa qua là Trung Quốc (2,3 tỷ USD), Ấn Độ (1,7 USD), và Venezuela, cùng với Việt Nam, đứng ở vị trí thứ 3 khi chi đến 1 tỷ USD mua vũ khí Nga.
Năm 2014, buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng năm thứ 6 liên tiếp lên con số kỷ lục 64,4 tỷ USD, tăng 13,4% so năm 2013. Số liệu do IHS công dựa trên thị trường vũ khí ở 65 nước và từ dữ liệu của hơn 40.000 chương trình giao nhận vũ khí, ngoại trừ các hợp đồng giao nhận đạn dược và các loại súng cỡ nòng từ 57 mm trở xuống.
Theo các số liệu được công bố, Mỹ vẫn là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong năm 2014 đạt 23,7 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái, chiếm khoảng một phần ba tổng số vũ khí xuất khẩu toàn cầu, trong đó xuất sang Trung Đông đến 8,4 tỷ USD.
Nga tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai với giá trị xuất khẩu lên đến 13 tỷ USD, Pháp đứng ở vị trí thứ 3, với giá xuất khẩu vũ khí đạt 4,9 tỷ USD, Anh đứng thứ tư với giá trị xuất khẩu 4,2 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 5 là Đức.
Trung Quốc cũng leo từ vị trí thứ 8 trong năm 2013 lên một bậc trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu vũ khí lớn trong năm trước thuộc về khu vực Trung Đông và châu Á. Trong đó đứng đầu danh sách này là Arap Saudi, Ấn Độ, Trung Quốc, các Tiểu Vương quốc Arap Thống nhất (UAE) và Đài Loan. Tiếp theo là Australia, Hàn Quốc, Indonesia, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong năm 2014, Arap Saudi đã vượt qua Ấn Độ, trở thành nhà nhập khẩu vũ khí, trang bị quân sự hàng đầu thế giới, với số tiền bỏ ra lên tới 6,4 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2013. Trong khi, số vũ khí mà Ấn Độ mua về chỉ đạt 5,5 tỷ USD.
Trung Quốc cũng vươn từ vị trí thứ 5 của năm 2013 lên vị trí thứ 3 về nhập khẩu vũ khí quân sự trong năm 2014.
Dự kiến năm 2015, xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ sụt giảm do nhiều chương trình sản xuất vũ khí bị cắt giảm vì ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Giá dầu giảm cũng khiến các bạn hàng lớn như Iran, Venezuela khó mua sắm vũ khí nhiều. Ngoài ra ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc đang dần bớt lệ thuộc Nga cũng tác động rất lớn đến doanh số bán hàng vũ khí Nga.
Theo: Công an Thủ đô